Bộ máy hành chính ăn lẹm ngân sách
Ăn cả phần chi đầu tư
Bộ máy hành chính quá cồng kềnh là một trong những điều khiến Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, ông Phạm Minh Chính lo ngại, rằng nó có thể kéo lùi sự phát triển của tỉnh này. Không khó để hình dung số tiền chi ra hàng năm nuôi đội ngũ công bộc của dân ở Quảng Ninh ngốn khoảng 60% chi ngân sách địa phương. Bởi tính bình quân, cứ 8-9 người dân Quảng Ninh thì có một người ăn lương và phụ cấp Nhà nước. Một số xã đảo có gần 200 hộ, song lại có hơn 100 người ăn lương và phụ cấp. Cá biệt hơn, một xã có 16 hộ mà có tới 17 chức danh ăn lương. Bí thư Phạm Minh Chính không giấu thực trạng mà đôi khi “khiến người dân cũng không sao chịu nổi”.
Khoản chi từ NSNN cho lương và phụ cấp đều tăng mỗi năm, chiếm 30% tổng chi (Ảnh minh họa)
Chuyện ngân sách phải chi trả để nuôi cả bộ máy hành chính bành trướng không chỉ xảy ra ở Quảng Ninh. Báo cáo của Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính) tại Diễn đàn Kinh tế mùa Xuân, được tổ chức mới đây cho thấy, tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách Nhà nước (NSNN) có xu hướng tăng dần, từ 50,4% năm 2005 lên mức 61,7% năm 2012. Theo đó, chi cho lương và các khoản phụ cấp, đóng góp theo lương tương đương khoảng 30% tổng chi NSNN.
PGS-TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng lo ngại quy mô chi tiêu ngân sách, đặc biệt là chi thường xuyên, đang tăng nhanh. Cụ thể là tổng chi NSNN năm 2013 tăng khoảng 9 lần so với năm 2000, chủ yếu là do sự đóng góp của chi thường xuyên (tăng 10,7 lần). Nếu tính theo GDP thì quy mô chi tiêu ngân sách tăng từ khoảng 24,7% năm 2000 lên 30,6% năm 2012. Như vậy, quy mô chi tiêu ngân sách của Việt Nam rất cao so với mức trung bình được khuyến cáo là nên khoảng 20-25% GDP.
Điều này cho thấy, kết quả của quá trình cải cách hành chính, cụ thể là tinh giản biên chế, chưa đạt được những kết quả như mong đợi. Cùng với trả nợ, chi thường xuyên ngày càng phình to đã chiếm dụng dư địa của chi cho đầu tư phát triển. Sự tăng lên nhanh chóng của chi thường xuyên phản ánh bộ máy hành chính Nhà nước tiếp tục mở rộng và khả năng cắt giảm chi tiêu ngân sách là rất khó khăn.
Lo phải vay nợ để trả lương
Liên quan tới việc chi trả cho bộ máy hành chính, chuyên gia tài chính, TS. Phạm Đỗ Chí lo ngại, việc tăng lương khu vực công hiện nay được quyết định căn cứ vào nhu cầu cuộc sống của người lao động, chưa căn cứ vào năng suất, khả năng chi trả của nền kinh tế, hay kết quả lao động làm ra. Ông dẫn chứng, mặc dù mức tăng trưởng GDP năm 2013 chỉ đạt 5,4%, lạm phát 6%, nhưng tiền lương tối thiểu năm 2014 lại được điều chỉnh tăng tới khoảng 14,3% đối với vùng II và cao nhất là gần 16,7% đối với vùng III, tức cao hơn mức độ cải thiện của nền kinh tế.
Song, điều đáng quan ngại hơn lại nằm ở nguồn tiền để tăng lương. Ông Chí phân tích, tổng hai khoản chi phát triển sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính; và chi trả nợ, viện trợ là 824.000 tỷ đồng, đã vượt tổng thu cân đối ngân sách 782.700 tỷ đồng. Như vậy, nguồn tăng lương chỉ có thể là vay nợ hoặc phát hành tiền. Trong trường hợp đó, việc vay nợ (phát hành trái phiếu Chính phủ hoặc vay nước ngoài…) cho chi tiền lương là chưa phù hợp với quy định chỉ vay nợ để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội lâu nay. Việc phát hành tiền trực tiếp cho tăng lương, nếu xảy ra, sẽ đem lại hậu quả tiêu cực và nhanh chóng hơn cho nền kinh tế thông qua rủi ro lạm phát gia tăng.
TS. Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính) cũng cho rằng, chi thường xuyên hiện nay vi phạm nguyên tắc về tính bền vững đã được nêu trong Luật Ngân sách Nhà nước, tạo ra rủi ro rất lớn cho ngân sách về dài hạn. Theo đó, hiện tổng chi thường xuyên đã lớn hơn mức thu từ thuế và phí. Việt Nam bắt đầu phải vay để tiêu dùng, thay vì chỉ vay để đầu tư.
Trong khi đó, các biện pháp tiết kiệm chi tiêu đã được áp dụng nên sẽ khó có thể tiết kiệm NSNN hơn nữa, khi chưa có sự thay đổi mạnh về hệ thống và cơ chế chi tiêu. Sự gia tăng nhanh chóng của số lượng công chức những năm gần đây, nhất là ở cấp xã là rào cản rất lớn cho việc cắt giảm chi tiêu công. Thực tế này cho thấy, Chính phủ cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn thông qua việc cắt giảm chi tiêu trong quản lý hành chính và cải thiện hiệu quả làm việc của bộ máy này.
Những lãnh đạo trực tiếp ở địa phương như Bí thư Tỉnh ủy Phạm Minh Chính có lẽ biết rõ nhất cần cắt giảm bộ máy hành chính từ đâu và quy mô như thế nào. “Trong bối cảnh chi cho bộ máy hành chính tốn khoảng 6 đồng như hiện nay”, ông Chính nói, “phải giảm xuống chỉ còn 3 đồng để dành cho đầu tư, mua sắm 7 đồng, thì lúc đó mới phát triển, mới giàu được”.
Ngọc Khanh