Bộ Nông nghiệp sẽ phối hợp với Bộ Công Thương để quản lý phân bón
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp, nên ưu tiên hàng đầu đúng ra phải là phân bón. Tuy nhiên đến giờ phút này có hai bất cập rất lớn.
Một là bất cập về định hướng sử dụng phân bón. Hiện lượng phân bón sử dụng hàng năm khoảng 10 - 11 triệu tấn, trong khi trong nước mới sản xuất được 8 - 9 triệu tấn, còn lại phải nhập khẩu khoảng 2 - 2,5 triệu tấn.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường |
Theo đó, hàng năm chúng ta phải nhập khẩu khoảng 960.000 tấn phân kali. "Riêng loại này là phải nhập khẩu vì chúng ta không có mỏ kali", Bộ trưởng Cường cho biết. Bên cạnh đó, còn phải nhập khẩu phân DAP và phân SA, đây là hai dạng phân hỗn hợp công nghệ cao cho một số đối tượng cây trồng.
Tuy nhiên vấn đề lớn nhất trong định hướng sử dụng phân bón là lượng phân hữu cơ chỉ khoảng 1 trệu tấn trong tổng số 11 triệu tấn phân bón, còn lại phân hóa học chiếm tới 90%, cỡ khoảng 10 triệu tấn. "Đây là bất cập lớn nhất đã làm cho nông sản chúng ta không sạch, chất lượng không cao", Bộ trưởng Cường cho biết.
Bên cạnh đó, việc sử dụng nhiều phân bón hóa học còn gây ô nhiễm môi trường, giảm độ phì của đất. Do vậy, theo Bộ trưởng Cường, cần phải tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ. Trong khi định hướng này rất có tiềm năng khi mà hàng năm chúng ta có tới 50 triệu tấn phế phụ phẩm từ rơm, từ thân cây ngô và các loại. Bên cạnh đó, chúng ta có 100 triệu tấn phế thải của động vật, có lượng phân bù và phân chấp đủ điều kiện cho nền công nghiệp phân hữu cơ phát triển.
“Do đó, trách nhiệm đầu tiên của ngành Nông nghiệp trong quản lý phân bón phải là định hướng vào sử dụng phân hữu cơ để từng bước một chuyển sang nền nông nghiệp sạch, nền nông nghiệp hữu cơ theo đúng chủ trương của Đảng, của Nhà nước về tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản phẩm nông nghiệp sạch để hội nhập được với quốc tế” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định.
Bất cập thứ hai, theo người đứng đầu ngành Nông nghiệp, Nghị định 202 quy định nếu như một cơ sở sản xuất kinh doanh cả hai loại phân thì Bộ Công Thương là cơ quan chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong quá trình xem xét cấp phép cũng như trong quá trình thanh kiểm tra sau này. Do đó, nếu hai bộ phối hợp không tốt sẽ là khoảng trống để cho các hoạt động gian lận thương mại...
Từ những vấn đề đó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề xuất các giải pháp. Thứ nhất về quản lý, hiện nay Thủ tướng đã chỉ đạo cho chỉnh sửa Nghị định 202, nếu sau này giao cho Bộ Công Thương thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin chuyển giao toàn bộ cơ sở vật chất, con người, để tập trung một mối quản lý và ngược lại nếu như Chính phủ giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tổ chức lại để quản lý về nguyên tắc cho đảm bảo một mối thống nhất.
Hai là, chỉnh sửa thống nhất các văn bản pháp lý. Sau khi có Nghị định 202, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ban hành Thông tư 41 và Bộ Công thương có ban hành Thông tư 29 để tập trung quản lý về công tác phân bón. Tuy nhiên, sau khi rà soát lại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã đưa ra chương trình phải sửa cho phù hợp hơn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị Bộ Công Thương rà soát lại Thông tư 29 để tiếp tục chỉnh sửa.
Ba là, ban hành bộ tiêu chuẩn quy chuẩn về phân bón. Theo đó, để tạo công tác quản lý được chặt chẽ hơn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chuyển sang Bộ Khoa học và Công nghệ 100 quy chuẩn và tiêu chuẩn. Hiện Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã thẩm định cơ bản gần xong.
“Do đó, thời gian tới Bộ sẽ ban hành bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn để phục vụ công tác quản lý. Chắc là bên Bộ Công Thương cũng đang chuẩn bị bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn này thêm để hoàn thiện dần về mặt quy chuẩn phục vụ cho công tác quản lý phân bón”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.