Cần có thể chế cấp vùng có đủ quyền lực và quyền năng
Phát triển kinh tế theo vùng – chuyện nói rồi nói mãi
“Vấn đề phát triển kinh tế vùng, liên kết vùng kinh tế đã được nói mãi rồi. Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách và vốn đầu tư. Nhưng cần hành động cụ thể, nếu không thì đến 2020 khi bàn kế hoạch cho nhiệm kỳ 2021-2025, chúng ta lại nói những điều như hôm nay. Tôi hy vọng sẽ không phải nói lại những điều đã nói hôm nay”, TS.Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) phát biểu tại Hội thảo.
Quang cảnh Hội thảo |
Trước hội thảo, TS. Lê Xuân Bá – Nguyên viện trưởng CIEM cũng đã nói rằng, điều quan trọng là “phải tìm ra được nguyên nhân gốc rễ. Tìm được nguyên nhân có cách giải quyết không, có cách rồi thì có thực hiện không? Phải có sự đổi mới mạnh mẽ, nếu không bây giờ nói, sang năm nói, và 10 năm nữa vẫn nói câu chuyện này”. "Nguyên nhân cội rễ nhất là từ văn hóa và tư duy cát cứ", ông nói thêm.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Xuân Thành - Thành viên Nhóm Tư vấn hợp tác phát triển Vùng duyên hải miền Trung nói rằng, cản trở lớn nhất là văn hóa với tư duy cục bộ địa phương và chia sẻ lợi ích.
Thực tế, Việt Nam đã có các vùng kinh tế trọng điểm, nhưng thiếu sự liên kết giữa các tỉnh trong vùng khiến có vùng nhưng nội vùng vẫn là sự chia cắt. Để tạo sự liên kết, các tỉnh trong vùng Duyên hải miền Trung đã cùng thành lập Nhóm Tư vấn hợp tác phát triển Vùng duyên hải miền Trung - Ban chỉ đạo vùng, và khi có ban chỉ đạo đã có tính liên kết. Nhưng theo TS.Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đây vẫn là sự liên kết tự phát và không có người cầm trịch, không có ràng buộc nên nguy cơ đổ vỡ rất cao. “Lỡ một hôm một tỉnh không thích – rút lui là vỡ”, ông Thiên nói
“Phải có cách xử lý tâm lý tình yêu tỉnh ta đầy lưu luyến”, PGS. TS Trần Đình Thiên chỉ ra sự cát cứ và manh mún của nền kinh tế Việt Nam bởi "văn hóa tỉnh ta”, "truyền thống tỉnh ta". Thế nên Việt Nam đang có 64 nền kinh tế độc lập nhưng giống hệt nhau về cơ cấu và mô hình phát triển (63 nền kinh tế địa phương và 1 nền kinh tế trung ương). Dẫn đến vừa lãng phí nguồn lực và sinh ra xu hướng đua tranh không lành mạnh vì thành tích ảo (thậm chí là "cạnh tranh cùng chết", "cạnh tranh cùng xuống đáy") giữa các tỉnh theo kiểu chạy đua xây dựng sân bay, cảng biển…
Nên có Luật về vùng
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, GS. TS. Vương Đình Huệ, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: Phải sớm khắc phục tình trạng 63 tỉnh, 63 nền kinh tế, phải tính tới lợi ích vùng chứ không phải lợi ích cục bộ. Các vùng kinh tế trọng điểm chưa thực sự phát huy vai trò đầu tàu, chưa có tác dụng lan tỏa, liên kết vùng còn rất yếu.
Ông cũng chỉ ra 6 hạn chế căn bản trong việc phát triển kinh tế vùng. Hạn chế đầu tiên là chưa nhận thức đầy đủ phát triển kinh tế vùng như một quy luật tự thân của kinh tế thị trường theo không gian kinh tế. Hạn chế cơ bản nhất là thiếu thể chế quản trị, điều phối vùng hiệu quả.
Tại hội thảo, có gần 30 đại biểu đã tham gia phát biểu. Các ý kiến đều cùng một quan điểm: Cần phải xây dựng thể chế kinh tế vùng, phải có một quyết tâm và áp lực từ cấp Trung ương, gắn với trách nhiệm thực hiện ở cấp dưới. Thể chế này phải có quyền lực đủ mạnh, có nguồn lực đủ mạnh.
“Muốn thoát khỏi giới hạn chật hẹp, kém hiệu quả của cơ chế kinh tế tỉnh, không thể chỉ dừng lại ở việc chỉnh sửa, cải tiến hay "cơi nới" cơ chế phân quyền, phân cấp kinh tế hiện tại mà phải thay nó bằng một cơ chế khác đó là thể chế vùng kinh tế”, TS. Trần Đình Thiên đề xuất.
Thẳng thắn chỉ ra việc thay đổi cấu trúc tổ chức hành chính - Nhà nước luôn luôn là điều không dễ dàng, luôn luôn chứa đựng khả năng gây xung đột lợi ích nhóm một cách gay gắt, ông Thiên cũng đề xuất phương án "quá độ" là thành lập Hội đồng tư vấn phát triển vùng. Vùng chưa thể là một đơn vị hay một khu vực hành chính, nhưng cũng không phải là phép cộng đơn thuần của các đơn vị hành chính nhỏ hơn như tỉnh. Hội đồng gồm lãnh đạo các tỉnh, Chủ tịch hội đồng là một người có vị thế độc lập với các địa phương, có mối liên hệ trực tiếp với Trung ương và trong trường hợp các tỉnh không tạo được sự đồng thuận phát triển thì có thẩm quyền kiến nghị các vấn đề phát triển vùng lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Cùng đóng góp ý kiến, TS.Nguyễn Đình Cung cho rằng, nên có Nghị định về kinh tế vùng, trước hết là 02 Nghị định cho 02 vùng có tính liên kết tốt nhất hiện nay là Duyên hải Miền Trung và ĐBSCL…
“Tỉnh đang có quyền to quá nên xây dựng thể chế vùng đặt lợi ích kinh tế vùng lên trên lợi ích tỉnh là không hề đơn giản. Giải được bài toán này, Ban kinh tế trung ương sẽ phải đối đầu với rất nhiều sức ỳ”, TS. Võ Đại Lược - Tổng Giám đốc Trung tâm Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương phát biểu.
Theo ông, phương án tối ưu nhất là xây dựng luật về vùng và liên kết vùng. Khi Luật được Quốc hội thông qua sẽ có được thể chế vùng. Đây là vấn đề hệ trọng với sự phát triển của đất nước.