Cần mạnh tay hơn với sự chây ì
Pháp lý “nuông chiều”?
Theo TS. Trần Thị Hồng Hạnh, Tổng thư ký Hiệp hội NH, thời gian qua có tình trạng con nợ được pháp lý “nuông chiều”. Vì thế, họ phớt lờ chủ nợ bằng nhiều cách như bỏ khỏi nơi cư trú… để trốn nghĩa vụ trả nợ. Khi TCTD khởi kiện, mặc dù trong đơn đã ghi rõ tên, địa chỉ của bị đơn, nhưng nhiều Tòa án yêu cầu TCTD phải xác minh tình trạng cư trú hiện tại của khách hàng, hoặc phải có xác nhận của chính quyền địa phương thì mới thụ lý hồ sơ. Nếu không thực hiện được điều này, Tòa án từ chối thụ lý vụ án, trả lại đơn khởi kiện với lý do “Chưa đủ điều kiện khởi kiện”, hoặc đã thụ lý thì sẽ ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án.
Những vướng mắc về pháp lý đã cản trở rất nhiều đến xử lý tài sản bảo đảm |
Thực tế có trường hợp khi xảy ra nợ xấu, khách hàng vay cố tình trốn tránh, bỏ đi khỏi nơi cư trú, TCTD không thể liên lạc, xác minh được. Mặc dù, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cũng đã có hướng dẫn về việc thụ lý giải quyết vụ án theo hướng dẫn tại Khoản 6, Điều 9, Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 3/12/2012, nhưng nhiều Tòa án địa phương không xử lý. Như vậy, có thể thấy pháp luật đang bó tay!
Nếu một vụ việc, ngoài bên vay còn bên thế chấp bảo lãnh, thì theo LS. Trương Thanh Đức, tình hình còn bi đát hơn bởi nhiều thủ tục. Một số Tòa án đã không chấp nhận hợp đồng thế chấp ký 3 bên giữa NH với bên vay và bên thế chấp. Nếu như người đại diện bên vay vốn là DN, đồng thời là chủ sở hữu tài sản thế chấp, Tòa cho rằng người đại diện của DN dùng tài sản cá nhân để bảo đảm nghĩa vụ cho DN mình đại diện là trái pháp luật. Do đó, Tòa tuyên hợp đồng thế chấp vô hiệu.
“Như vậy, chỉ căn cứ vào bề mặt câu chữ giản đơn là hiểu ngược tinh thần của điều Luật và trái hẳn với bản chất của vấn đề. Đây là một trong hàng chục nỗi hiểm nguy oan uổng của các TCTD. Hàng chục, hàng trăm nghìn tỷ đồng cho vay có nguy cơ mất trắng nếu cứ xác định đó là các hợp đồng thế chấp vô hiệu”, LS. Trương Thanh Đức tỏ ra bức xúc.
Một lý do nữa cũng khiến con nợ có điều kiện chây ỳ, cố tình không trả nợ được một chuyên gia NH đưa ra, đó là cách tính lãi suất trong bản án chưa phù hợp. Theo quy định Luật Các TCTD thì TCTD và khách hàng thực hiện lãi suất theo thỏa thuận. Tuy nhiên, khi giải quyết tranh chấp, một số Tòa án đã vận dụng quy định tại Điều 476 Bộ luật Dân sự năm 2005 để giải quyết gây thiệt hại cho TCTD. Ví như, tòa án chỉ chấp nhận lãi suất thỏa thuận cho đến thời điểm hòa giải/xét xử, sau đó áp dụng theo lãi suất cơ bản hiện là 9%/năm… Việc Tòa án không công nhận lãi suất theo thỏa thuận giữa TCTD và khách hàng mà áp dụng theo lãi suất cơ bản đã dẫn đến thiệt hại cho TCTD.
“Điều đó vô hình trung đã khuyến khích khách hàng chây ỳ, không thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo cam kết với TCTD, thậm chí còn mong muốn TCTD khởi kiện để được Tòa án tuyên áp dụng lãi suất thấp mà không phải đề nghị TCTD xem xét giảm lãi suất”, vị luật sư trên tỏ ra quan ngại.
Gốc vấn đề là hành lang pháp lý
Những vướng mắc về pháp lý đã cản trở rất nhiều đến xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ của các NH. Thậm chí TS. Nguyễn Trí Hiếu còn nhấn mạnh, đây là nguyên nhân làm chậm tất cả những giải pháp liên quan đến xử lý nợ xấu. Bản thân các NH lại không đủ sức để giải quyết vướng mắc này. Và hệ thống tư pháp, tòa án… là những cơ quan cần vào cuộc một cách mạnh mẽ nhất, tạo cơ sở pháp lý thông thoáng, trao quyền cho chủ nợ nhiều hơn và mạnh tay với những con nợ chây ỳ.
NH và khách hàng đều bị thiệt khi thời gian kiện tụng kéo dài |
TS. Trần Thị Hồng Hạnh cũng mạnh dạn đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích rõ các khái niệm theo quy định của Luật liên quan đến bảo lãnh, thế chấp để ngành Tòa án áp dụng thống nhất, không tuyên vô hiệu hợp đồng thế chấp Quyền sử dụng đất của bên thứ ba, tránh rủi ro mất vốn cho các TCTD; Sửa đổi Nghị định 163/2006/NĐ-CP theo hướng quy định rõ trách nhiệm của Cơ quan Công an trong việc hỗ trợ TCTD thực hiện việc thu giữ tài sản bảo đảm và chế tài xử lý nếu bên nắm giữ tài sản (hoặc bên thứ ba) chống đối, cản trở việc TCTD thực hiện thu giữ tài sản nhằm tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu của TCTD.
Một số chuyên gia NH khác đề xuất sự vào cuộc mạnh mẽ của Bộ Tư pháp qua việc chỉ đạo Tòa án các cấp thực hiện đúng quy định của Bộ luật Tố dụng dân sự về thủ tục tố tụng, như không yêu cầu các đương sự phải thực hiện thêm các thủ tục trong quá trình thụ lý vụ án và xét xử tại Tòa; thực hiện đúng quy định về thời hạn chuẩn bị xét xử và chuyển giao bản án...
Đồng quan điểm, LS. Trương Thanh Đức cho rằng, Bộ Tư pháp nên phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất với Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ quy định người được thi hành án phải nộp mức phí thi hành án 3% trên số tiền hoặc giá trị tài sản thực nhận, và việc nộp phí phải thuộc trách nhiệm của người phải thi hành án. Đây là loại phí mà người được thi hành phải gánh “oan” cho người thi hành án trong thời gian qua.
“Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, NHNN cần phối hợp hoàn chỉnh và ban hành các thông tư hướng dẫn trình tự, thủ tục mua bán nợ, bán đấu giá tài sản của VAMC. Tránh trường hợp khi cần áp dụng chính sách xử lý nợ nào đó thì lại gặp phải những cản trở về pháp lý trong thực thi”, Viện Trưởng Viện Khoa học Quản trị DNNVV, TS. Phạm Ngọc Long bổ sung thêm giải pháp.