Cây xanh và sắc màu đô thị
Cả hai lĩnh vực đều nằm trong vấn đề chỉnh trang đô thị. Hiển nhiên thôi, khi bộ mặt đô thị còn lộn xộn và có quá nhiều khuyết điểm, thì việc chỉnh trang đô thị là việc làm cần thiết. Chương trình trồng một triệu cây xanh từ nay đến năm 2020 tại Hà Nội cũng vô cùng cần thiết, góp phần mang lại diện mạo và cảnh quan mới cho Thủ đô.
Phía cơ quan thực hiện là Công ty công viên Cây xanh Hà Nội khẳng định trồng 300 cây phượng ở dải phân cách thuộc các tuyến phố Xã Đàn - Ô Chợ Dừa - Đại Cồ Việt, Trần Khát Chân… là hợp lý và đã được thành phố phê duyệt.
Nhiều ý kiến trái chiều trong việc trồng phượng ở dải phân cách |
Còn ông Triệu Văn Hùng (Hội Khoa học Kỹ thuật và Lâm nghiệp Việt Nam), cũng như nhiều chuyên gia cho rằng, phần đất ở dải phân cách ngoài diện tích chật hẹp, thiếu ổn định bởi có thể trong tương lai sẽ mở rộng đường, làm công trình ngầm hay đường sắt trên cao.
Do đó, trồng cây lâu năm tại vị trí này là không hợp lý. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội ủng hộ những nỗ lực của thành phố, nhưng cũng nêu ý kiến rằng trồng cây gì thì phải tính toán cho hợp lý. Trong quá trình đặt hạ ngầm các đường dây nổi, thì nếu trồng cây ở dải phân cách sẽ làm hỏng công trình dây ngầm. Vì sao lại có hai luồng ý kiến va nhau “chan chát”, thật sự rất cách xa nhau? Một bên thì ủng hộ, phía bên kia thì không?
Rất nhiều chuyên gia cho rằng, việc Hà Nội từng chặt quá nhiều cây, cộng với gió bão, quá nhiều cây xanh bị ngã khuỵu nên mảng xanh đã giảm rất nhanh. Với những ý kiến trái chiều vừa qua, thậm chí có cả những phản ứng gay gắt, chứng tỏ cơ quan chức năng lúng túng.
Cây xanh đô thị, thật sự là một môn khoa học, cần những người có trình độ, không chỉ hiểu về văn hóa đô thị, mà phải hiểu về kiến trúc, cây xanh, tập quán sinh trưởng của từng loài cây. Đồng thời phải hiểu thực trạng và có nghiên cứu rõ ràng về các công trình ngầm, vốn gây ảnh hưởng lớn đến sự sinh trưởng và phát triển của cây.
Thực tế ở ta, trong quá trình tìm hiểu thực tế, nhận thấy cán bộ làm quy hoạch cây xanh, trồng cây, cắt tỉa cây đều thiếu trình độ về môn khoa học này. Thậm chí nhiều người chưa từng được học, và chỉ làm kiêm nhiệm, rồi rẽ ngang.
Hà Nội đã có những con phố đặc trưng về cây xanh. Nói đến phố Nguyễn Du là nói đến hoa sữa. Phố Lò Đúc có cây sao đen. Phố Phan Đình Phùng là cây sấu. Đó là các tuyến phố người Pháp quy hoạch. Điều đó chứng tỏ họ nghiên cứu rất kỹ. Dù không phải lúc nào cũng đúng toàn bộ.
Lúc này, trước những ý kiến trái chiều và bộc lộ sự lúng túng, chúng ta nhận ra suốt những năm qua, cơ quan quản lý có đủ thời gian nhưng đã không tìm cách nghiên cứu, thử nghiệm để có thể ứng xử tốt với cây xanh đô thị. Khi có quyết định trồng cây, cơ quan chức năng cũng không lấy ý kiến chuyên gia và người dân để có sự đồng thuận.
Chúng ta đều biết, một khi đã trồng lỗi, thì việc khắc phục hậu quả sau này sẽ khó gấp nhiều lần so với việc ngay từ đầu đã nghiên cứu kỹ, làm chuẩn chỉ. Hiện nay ngay cả cây hoa sữa, trồng thưa và trên phố ngắn thì được, nếu trồng dày trên phố dài thì lại phản tác dụng. Lại thành “tra tấn” các hộ gia đình ở gần đó vào mùa hoa nở.
Cây xanh là một phần văn hóa Hà Nội. Cây xanh tạo nên sự độc đáo trong sắc màu đô thị. Không ít người cho rằng cây xà cừ với loại rễ chùm, tán rộng không còn phù hợp. Cây phượng trồng ở dải phân cách cũng vậy. Do đó, nghiên cứu quy hoạch cây đô thị cũng chính là công tác văn hóa, góp phần làm cho Hà Nội đẹp, xanh và đáng sống.