Chắt chiu từng “giọt đắng” Tây Nguyên
Ngành NH phải chuẩn bị tốt Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên lần thứ 4 | |
Vốn ngân hàng chảy mạnh vào Tây Nguyên | |
Ngành Ngân hàng tăng cường đầu tư tín dụng tại khu vực Tây Nguyên |
Dù những đóa dã quỳ vàng đã đi theo mùa đông, song Tây Nguyên cuối tháng 2 không kém phần rực rỡ với những vạt cà phê chỗ xanh sẫm, chỗ đã bung sắc hoa trắng tinh khôi, cùng bạt ngàn sắc vàng của hoa muồng giữa trời xanh ăm ắp nắng. Ngay cả khi len dưới những vạt ngô đã khô vàng sau vụ đông trồng xen giữa những luống muồng ấy, cũng thấy bừng lên những mầm xanh mới từ những luống cà phê tái canh đang vươn lên mạnh mẽ.
Tương lai ấm no của Tây Nguyên đang ngày thêm rõ cùng dòng vốn của ngành Ngân hàng ngày một toả rộng từ sự chỉ đạo sát sao của Thống đốc NHNN trong việc cho vay trồng mới, tái canh cây cà phê, cùng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cùng đoàn cán bộ ngân hàng thị sát tại vườn cà phê tái canh của Công ty TNHH MTV Cà phê 52 |
Từ kiến tạo giá trị
Theo chân Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú đi kiểm tra các chương trình tín dụng chính sách, chúng tôi đến thăm khu cà phê tái canh của Công ty TNHH MTV Cà phê 52, tỉnh Đắk Lắk. 72 ha cà phê tái canh của công ty đã bước sang tháng tuổi thứ 7 là một phần của dự án tái canh cây cà phê đã được Agribank chi nhánh Đắk Lắk cho vay theo gói tín dụng hỗ trợ tái canh cà phê của Chính phủ. Giữa bạt ngàn muồng vàng, những luống cây cà phê đang hiện lên ngày một rõ.
Trong năm 2017, DN sẽ tiếp tục trồng tái canh 130 ha, như vậy chỉ sang đến đầu năm 2018, dự án tái canh 230 ha cà phê của công ty sẽ hoàn thành. Cùng lúc đó, 72 ha cà phê tái canh sẽ cho vụ thu bói đầu tiên với nhiều kỳ vọng khả quan từ giống cà phê năng suất chất lượng cao TRS1.
Đây chỉ là một trong số các DN được hưởng thụ chính sách tín dụng ươm dựng cây cà phê trong những năm qua, đặc biệt là từ sáng kiến gói tín dụng tái canh cây cà phê trên địa bàn Tây Nguyên mà NHNN cam kết với Ban Chỉ đạo Tây Nguyên tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần thứ 2 năm 2013 trước thực trạng báo động về diện tích cà phê già cỗi của khu vực.
Sáng kiến này tăng thêm sức nặng khi NHNN cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, xây dựng phương án cho vay tái canh cây cà phê theo hướng có thể triển khai ngay tại từng tỉnh khu vực Tây Nguyên. Đồng thời, NHNN chủ động tham mưu, đề xuất Chính phủ triển khai chương trình cho vay tái canh cây cà phê thông qua Agribank. Để rồi chính sách cho vay tái canh cà phê tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên giai đoạn 2014-2020 ra đời theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1685/VPCP-KTTH ngày 12/3/2015.
Đã gần 2 năm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về cho vay tái canh cây cà phê, với sự chỉ đạo sát sao của Thống đốc NHNN, sự vào cuộc tích cực của Agribank, chính sách cho vay tái canh cà phê đã đi vào cuộc sống len đến từng buôn làng xa xôi, giúp các hộ dân tái canh cây cà phê, đảm bảo sinh kế lâu bền.
Một ha đất tái canh cà phê của gia đình ông Nguyễn Văn Huynh 61 tuổi, thôn 3, xã Eadar, huyện Eaka, gây trồng từ tháng 8/2015 với nguồn vốn vay 70 triệu đồng từ Agribank chi nhánh Đắk Lắk bắt đầu thu bói vụ đầu tiên. Những bông hoa trắng muốt đợt 2 đã nở xen giữa thấp thoáng những chùm quả cà phê mang theo kỳ vọng về một vụ mùa thu hoạch đầu tiên.
“Không chỉ bói hơn, hạt cà phê vối giống mới này to hơn cả quả cà phê giống cũ” ông Huynh khoe. Nguồn thu từ chăn nuôi đàn dê 12 con, 5 con bò và đàn lợn là điểm tựa giúp ông Huynh mạnh dạn phá bỏ diện tích cà phê cũ, tái canh. Và nếu mọi việc tốt đẹp, năm sau ông sẽ lên kế hoạch tái canh nốt 1,6ha cà phê đang nhận khoán. Ông còn trồng xen canh bơ và tắc để tăng thêm thu nhập trong vườn cà phê của mình.
Để chương trình tái canh cà phê thực sự hiệu quả, cần sự vào cuộc của ngành Ngân hàng, sự hỗ trợ của địa phương cũng như các ngành các cấp |
Giám đốc Agribank Chi nhánh Đắk Lắk Trần Đình Chánh cho biết, chi nhánh tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân và DN vay tái canh cà phê. Nhất là với các hộ dân, việc giải ngân chỉ trong ngày. Dư nợ cho vay tái canh cà phê của chi nhánh đã đạt 54 tỷ đồng với 555 ha cà phê trên tổng cam kết giải ngân 800 ha.
Nhìn rộng ra toàn vùng Tây Nguyên, những nỗ lực của từng người dân và DN cùng ngành Ngân hàng đã ươm mầm xanh cho 10.436 ha cà phê tái canh (tăng 1.928 ha so với cuối năm 2015) với 5.716 khách hàng đã được tiếp cận nguồn vốn lãi suất ưu đãi, dư nợ cho vay là 738,2 tỷ đồng, tăng 1,18% so với cuối năm 2015. Agribank đã cam kết cho vay tái canh cà phê tại khu vực Tây Nguyên với số tiền đạt 1.086 tỷ đồng.
Đến tương lai lâu bền
Tương lai của ngành cà phê thêm rộng mở, khi các TCTD cùng các chính sách của ngành Ngân hàng đang đồng hành cùng Đề án phát triển ngành cà phê bền vững đến năm 2020, giúp Việt Nam không chỉ giữ vững vị thế xuất khẩu cà phê số 1 thế giới mà còn nâng cao giá trị gia tăng, trở thành một trong các sinh kế giúp người dân Tây Nguyên xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế hàng hoá.
Ngay cả vốn tín dụng từ NHCSXH cũng đang góp phần vào công cuộc này. Ví như hộ H Trưk BKrông, sinh năm 1983, dân tộc Ê Đê, buôn Buôr, xã Hòa Xuân, TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk, sau 3 năm vươn lên thoát nghèo từ 10 triệu đồng vay NHCSXH vốn hộ nghèo, để chăn nuôi bò, kinh tế gia đình đang hứa hẹn những nguồn thu bền vững từ việc vay 30 triệu đồng vốn hộ mới thoát nghèo ươm trồng 500 gốc cà phê.
Chủ tịch xã Hòa Xuân, Nguyễn Đức Thuận cho biết, cà phê là một trong những cây trồng mà nhiều hộ dân trong xã chọn để xoá đói giảm nghèo và khởi đầu cho phát triển kinh tế hàng hoá, bởi suất đầu tư thấp chỉ 150 triệu/ha, trong khi đó những cây trồng khác, như hồ tiêu, suất đầu tư cao hơn gấp 3-5 lần.
Giá trị gia tăng cao hơn từ cà phê đang theo về với DN cùng trợ lực vốn của ngân hàng. Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Cà Phê Phước An huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk, Dương Kim Nhung tự hào cho doanh thu hàng năm hơn 300 tỷ đồng và 95% sản phẩm của công ty xuất khẩu ra thị trường thế giới với những địa chỉ khó tính của EU, Singapore, Hàn Quốc, Nga đặc biệt là Nhật. Và trên bước đường trở thành doanh nghiệp trồng, chế biến, thu mua và xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam, điều mà Phó giám đốc Nhung tâm huyết đó chính là sự đồng hành của các TCTD đặc biệt là Agribank Chi nhánh Đắk Lắk.
“Có quan hệ với nhau kể từ ngày đầu thành lập, NH và DN đã cùng nhau trải qua bao nhiêu thăng trầm, từ lúc cà phê hơn 50.000 đồng/kg cho đến lúc rớt còn 4.000 đồng/kg, NH vẫn là một trụ đỡ quan trọng cho DN vượt qua khó khăn” ông Nhung kể. Thế rồi ông nhắc lại câu chuyện ngân hàng lặn lội cùng DN làm hồ sơ đi xin đất vỡ hoang trồng 1.000 ha cà phê tại huyện Krông Búk, đầu tư nhà máy để sản xuất cà phê chất lượng theo tiêu chuẩn UTZ Certified (cà phê sạch đảm bảo truy nguyên nguồn gốc).
Sự hồ hởi của từng người dân và DN với cây cà phê càng thêm rõ trong bức tranh tín dụng. Đến cuối năm 2016, dư nợ cho vay đối với ngành cà phê tại khu vực Tây Nguyên đạt trên 45.000 tỷ đồng, tăng 13,53% so với 31/12/2015 (chiếm 92,4% dư nợ cho vay đối với ngành cà phê toàn quốc).
“Chuyến đi công tác lần này của chúng tôi vừa là đến thăm, tiếp cận thực tế vừa khảo sát, nghiên cứu, thì thấy rằng các chính sách hỗ trợ DN và người dân Tây Nguyên phát triển cây cà phê đang đi vào cuộc sống rất tích cực, nhất là trong điều kiện kinh tế thị trường cạnh tranh cũng như điều kiện thiên nhiên có nhiều khắc nghiệt như năm 2016”, Phó thống đốc Đào Minh Tú nhìn nhận.
Tuy nhiên, qua thực tế khảo sát tại địa bàn Tây Nguyên cho thấy việc triển khai tín dụng cho tái canh 120.000 ha cà phê theo quy hoạch vẫn còn gặp khó khăn. Bởi dù cà phê là cây công nghiệp có lợi thế của khu vực, nhưng người dân vẫn chưa mặn mà với việc tái canh thay thế vườn cà phê già cỗi mà có xu hướng chặt bỏ cà phê để trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn như hồ tiêu, bơ, sầu riêng. Mặt khác, do việc tái canh toàn bộ vườn cà phê sẽ ảnh hưởng đến thu nhập hiện tại của người dân cũng như phải đầu tư thêm chi phí, nên nhiều hộ dân lựa chọn phương pháp chỉ chặt bỏ cây cà phê già cỗi để trồng lại.
Vì vậy, để chương trình tái canh cà phê thực sự hiệu quả sự vào cuộc của ngành Ngân hàng chưa đủ nếu thiếu sự hỗ trợ của địa phương cũng như các ngành các cấp trong việc hỗ trợ người dân các sinh kế ngắn hạn tạo nguồn thu trong giai đoạn tái canh cà phê. Thêm vào đó, trong bối cảnh tình hình hạn hán tại Tây Nguyên rất nghiêm trọng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần cân nhắc đưa nội dung cho vay đầu tư tưới nước tiết kiệm khi Bộ sửa đổi Quyết định 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với việc phát triển cây cà phê nói chung, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết, thời gian qua, không chỉ các TCTD trên địa bàn mà toàn ngành Ngân hàng đang tích cực trong việc điều chuyển nguồn vốn cho khu vực Tây Nguyên khi huy động tại chỗ chỉ đáp ứng chưa đầy 50% nhu cầu tín dụng. Bên cạnh đó, các DN cũng cần phải gia tăng tính chủ động hơn nữa về nguồn vốn. Về phía ngành Ngân hàng, trong thời gian tới NHNN sẽ tiếp tục có sự chỉ đạo quyết liệt hơn nữa để các TCTD cởi mở, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho DN, giúp DN có khả năng tiếp cận vốn được nhanh hơn, gia tăng thêm sức cạnh tranh góp phần đưa cà phê thực sự trở thành một đòn bẩy phát triển kinh tế Tây Nguyên trong dài hạn.