Chính sách tín dụng ngân hàng thúc đẩy phát triển kinh tế Tây Nguyên
Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nguyên tham dự và chủ trì hội nghị. Dự hội nghị còn có đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo chính quyền các tỉnh khu vực Tây Nguyên và giáp Tây Nguyên…
Đại tướng Trần Đại Quang phát biểu chỉ đạo Hội nghị |
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, trong 6 tháng đầu năm 2015, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng kinh tế các tỉnh Tây Nguyên đã có phục hồi, chuyển biến tích cực: Tổng sản phẩm (GDP) tăng 7,34% so với cùng kỳ; huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 5,46%(29.045 tỷ đồng); hoạt động doanh nghiệp có chuyển biến; chỉ số sản xuất công nghiệp duy trì mức tăng 8,65%.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, trong nhiều năm qua, ngành Ngân hàng đã bám sát chủ trương, định hướng của Đảng và Chính phủ trong việc phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh trong khu vực để đẩy mạnh đầu tư tín dụng, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong vùng, góp phần từng bước nâng cao đời sống nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc. Tốc độ tăng trưởng huy động vốn, đầu tư tín dụng của khu vực Tây Nguyên thậm chí còn cao hơn mức bình quân của cả nước.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại Hội nghị |
Theo đó, đến 30/6/2015, nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt 89.988 tỷ đồng, tăng 6,19% so với cuối năm 2014, cao hơn bình quân của cả nước (6,1%); tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn các tỉnh vùng Tây Nguyên đạt 161.389 tỷ đồng, tăng 10,94% so với 31/12/2014.
Trong đó, dư nợ tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn đạt 74.431 tỷ đồng, tăng 5,36% so với 31/12/2014. Riêng tín dụng ngành cà phê ước đạt 33.000 tỷ đồng, tăng 9,95% (chiếm khoảng 78% dư nợ cho vay cà phê toàn quốc)...
Đặc biệt, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần 3 năm 2015, các ngân hàng đã cam kết tài trợ vốn vào khu vực Tây Nguyên gần 15.000 tỷ đồng đầu tư cho các lĩnh vực như: thủy điện, nhiệt điện, giao thông, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…
Đó là chưa kể các chương trình tín dụng chính sách như: cho vay hộ nghèo, cho vay học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn… với tổng dư nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội ước đạt: 11.431 tỷ đồng, chiếm 8,5% tổng dư nợ toàn quốc với hơn 660.000 khách hàng đang vay vốn, tăng 4,81% so với 31/12/2014.
Tại Hội nghị, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng thông tin về một số điểm mới của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Phó Thống đốc nhấn mạnh, Nghị định 55 là chính sách hết sức cởi mở, là bước đột phá trong chính sách tín dụng đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn khi đã tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong Nghị định 41 trước đây, góp phần tái cơ cấu nền nông nghiệp nói riêng và tái cơ cấu nền kinh tế nói chung.
Về công tác an sinh xã hội, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, nhiều năm qua ngành Ngân hàng đã đóng góp tích cực cho việc xóa đói, giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng đời sống cho người nghèo, tại các tỉnh thuộc Tây Nguyên, trong đó tập trung vào các chương trình hỗ trợ cho mục đích y tế, giáo dục và hỗ trợ hộ nghèo… Tính từ năm 2008 đến 2014, ngành Ngân hàng đã dành trên 556 tỷ đồng, riêng năm 2015 cam kết hỗ trợ hơn 100 tỷ đồng cho các hoạt động an sinh xã hội khu vực Tây Nguyên.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Đại tướng Trần Đại Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên nhấn mạnh, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, kinh tế khu vực đã có nhiều chuyển biến hết sức tích cực. Tăng trưởng kinh tế đạt 7,34%, tình hình hoạt động của doanh nghiệp có nhiều chuyển biến, chỉ số sản xuất công nghiệp duy trì mức cao và huy động vốn xã hội đều đạt khá. Công tác xây dựng nông thôn mới có nhiều tiến bộ. Đặc biệt, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, an ninh biên giới được tăng cường, tạo điều kiện phát triển kinh tế, ổn định và cải thiện đời sống nhân dân.
Đại tướng Trần Đại Quang cho biết, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã phát huy vai trò trách nhiệm của các đồng chí thành viên gắn với chức năng nhiệm vụ của các bộ, ban, ngành trung ương tham gia giải quyết những vấn đề cụ thể của vùng như: tham mưu với Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ tín dụng tái canh cà phê và triển khai chủ trương thành lập Quỹ phát triển cà phê Việt Nam; đề xuất chủ trương về hoạt động liên kết vùng…
Đại tướng cũng chỉ đạo, trong 6 tháng cuối năm các tỉnh Tây Nguyên cần tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông, thủy lợi; chăm lo bảo vệ và phát triển rừng, giải quyết việc làm, ổn định đời sống cho số bà con di cư ngoài kế hoạch…