Cho vay tiêu dùng: Làm gì để “đánh thức” tiềm năng
Cho vay tiêu dùng nhích nhẹ | |
Hoạt động cầm đồ và những khuyến cáo | |
Vay tài chính tiêu dùng: Khoác áo mới cho sinh viên |
Theo một nghiên cứu mới đây của Viện Chiến lược NH (NHNN) tiềm năng cho vay lĩnh vực tiêu dùng của Việt Nam còn rất lớn. Nếu như ở các nước, cho vay tiêu dùng có tỷ lệ khá cao trên tổng dư nợ chẳng hạn Philippines, Ấn Độ, Malaysia… cho vay tiêu dùng khoảng 25 - 30%/tổng dư nợ, thì thống kê năm 2015 ở Việt Nam mới chiếm gần 12%/tổng dư nợ. Dư nợ cho vay tiêu dùng của các TCTD chiếm khoảng trên dưới 6% so với GDP.
Hưởng thụ cuộc sống trong tầm tay khi sử dụng dịch vụ vay tiêu dùng |
Theo các chuyên gia NH, con số trên là rất thấp so với tiềm năng của lĩnh vực cho vay tiêu dùng ở Việt Nam, với khoảng hơn 90 triệu dân.
Khi nói về một trong những nguyên nhân dẫn tới dư nợ trong cho vay tiêu dùng ở Việt Nam còn thấp, một chuyên gia NH dẫn chuyện về việc mua một chiếc xe ô tô: Nếu như một người Việt Nam thường có tâm lý ăn chắc mặc bền, phải tích cóp số tiền ít nhất một nửa chiếc mới dám đi vay thêm để mua xe (thời gian tích cóp cỡ 10 năm), thì người nước ngoài họ thường nhờ tới dịch vụ tài chính của các NH hoặc CTTC tiêu dùng (TCTD) để được hỗ trợ.
Điều đó cũng cho thấy mức độ hưởng thụ của họ cao hơn và họ thường tìm đến dịch vụ cho vay tiêu dùng sớm hơn, thay vì phải chờ tới 10 năm, thậm chí lâu hơn nữa để được sử dụng xe hơi.
Gần đây, cũng đã có một số thông tin cho rằng, có thể tăng trưởng cho vay tiêu dùng chưa như kỳ vọng là do lãi suất cho vay của lĩnh vực này còn cao. Tuy vậy, nếu hiểu rõ bản chất của vấn đề này thì rào cản “ngại” lãi suất sẽ được loại bỏ vì trên thực tế những khoản cho vay lãi suất cao trong cho vay tiêu dùng là rất nhỏ.
Việc lãi suất cho vay tiêu dùng cao hơn các khoản cho vay thông thường theo lý giải của phía nhà băng cũng là dễ hiểu. Thường khi vay tiêu dùng NH yêu cầu người đi vay sao kê mức lương, xác nhận của cơ quan, kèm hợp đồng lao động. Mức cho vay tín chấp tiêu dùng thường được phía NH duyệt gấp 10-15 lần lương.
Thực tế, có những khoản vay được thực hiện theo đúng quy định của NH, chẳng hạn như có thể NH tính lãi suất trên cơ sở dư nợ hiện tại nhưng có khoản vay thực hiện theo “lãi suất phẳng”, có nghĩa lãi suất hàng tháng khách hàng phải trả không giảm theo dư nợ gốc. Do đó, người đi vay cần tìm hiểu kỹ để khi đã “thuận mua, vừa bán” thì không nên kêu lãi suất cao.
Thực tế cho thấy trong giai đoạn cơ cấu lại hệ thống các TCTD vừa qua, thị trường tài chính – NH đã chứng kiến hàng loạt NH thành lập hoặc mua lại CTTC như VietinBank sau khi sáp nhập PGBank, chuyển một phần PGBank thành CTTC PG Finance, Maritime Bank mua CTTC Dệt may, VPBank mua lại Công ty TNHH MTV Tài chính Than Khoáng sản Việt Nam (CMF), Techcombank mua CTTC Hóa chất…
Nhìn nhận về vấn đề này, các chuyên gia NH cho rằng, nhiều NH khi thành lập hoặc mua lại các CTTC là để phát triển mạnh mảng dịch vụ cho vay tiêu dùng. Tuy nhiên, khi mà hệ thống các TCTD vẫn đang phải tiếp tục xử lý khối nợ xấu của giai đoạn trước thì việc đẩy mạnh cho vay tiêu dùng cũng có phần gặp khó khăn. Bởi khi mà nợ xấu cũ vẫn còn đang xử lý thì việc hạn chế nợ xấu mới là điều các TCTD phải đặt ra, trong khi cho vay tiêu dùng có nhiều khoản vay rủi ro cao.
Song trong thời gian tới mảng cho vay tiêu dùng vẫn được các NH quan tâm và các nhà quản lý cần xây dựng hành lang pháp lý cho lĩnh vực này. “Pháp luật hiện hành chủ yếu liên quan tới tín dụng DN, rất ít nói tới tín dụng cá nhân, tín dụng tiêu dùng. Vì vậy, cần phải có hành lang pháp lý cho tín dụng cá nhân như thanh lý tài sản thế nào, lãi suất thế nào, để tín dụng tiêu dùng đi vào chuyên nghiệp” – một chuyên gia NH bày tỏ quan điểm.
Theo nguồn tin của phóng viên Thời báo NH, hiện nay các vụ cục chức năng của NHNN đang xây dựng một Thông tư riêng về hoạt động cho vay của các CTTC và có thể ban hành vào cuối năm nay.
TS. Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia NH nhận định, khi có hành lang pháp lý cho hoạt động này thì tín dụng tiêu dùng sẽ tăng hơn, bởi tín dụng tiêu dùng rất quan trọng trong xã hội. Chỉ số tiêu dùng tăng thể hiện sự phát triển của nền kinh tế. Một nền kinh tế mà có chỉ số tiêu dùng giảm thì chứng tỏ nền kinh tế đó trì trệ. Thành ra, tín dụng tiêu dùng đóng góp nhiều trong tăng trưởng kinh tế.