Cho vay tiêu dùng nhích nhẹ
Vay tài chính tiêu dùng: Khoác áo mới cho sinh viên | |
Cho vay tiêu dùng: Càng cạnh tranh, càng có lợi | |
Vay tại công ty tài chính: Phải hỏi kỹ trước khi vay |
Ngoại rẻ hơn nội
Tại một NHTMCP, chị Bích Liên (nhà ở quận Bình Thạnh) nhẩm tính số tiền cần vay phải trả lãi cao hơn so với thời điểm tháng 2. Chị Liên chia sẻ, vài tháng trước chị định vay tiền mua ô tô nhưng vì chưa đủ tiền mặt đối ứng nên hoãn tới giờ. Không ngờ, thời điểm này lãi suất vay cao hơn thời điểm trước trung bình khoảng 0,1-0,3% tuỳ NH. Theo đó, nếu chị vay 500 triệu thì lãi suất sau 5 năm phải trả gần 150 triệu đồng. Trong khi trước đó, chị tính nhẩm số lãi phải trả chỉ tầm 120 triệu đồng. "Thôi thì về tính lại đã", chị Liên tỏ ra khá cân nhắc.
Người tiêu dùng nên so sánh các chương trình cho vay tiêu dùng tại các NHTM để lựa chọn mức lãi suất ưu đãi nhất |
Rảo một vòng qua các NH để tìm hiểu về lãi suất cho vay tiêu dùng, quả thật lãi suất này đang nhích nhẹ so với đầu năm. Theo đó, lãi suất cho vay cá nhân tại các NHTMCP hiện đang dao động quanh mức 10 - 13%/năm, tùy từng NH. Nếu so với thời điểm cuối năm 2015 và đầu năm 2016, lãi suất cho vay tiêu dùng thực sự đã nhích lên từ 0,1-0,3%/năm.
Cụ thể hơn, đối với lãi suất cho vay bán lẻ (áp dụng cho khách hàng cá nhân và DN siêu nhỏ), một số NH đã điều chỉnh tăng thêm 0,1-0,5% áp dụng cho khoản vay tín chấp (tức không có tài sản đảm bảo) và tăng thêm 0,1-0,7% với khoản vay có tài sản đảm bảo, tùy từng kỳ hạn vay. Tuy nhiên, nhìn chung kỳ hạn vay càng dài thì mức lãi suất tăng thêm được NH điều chỉnh càng cao.
Còn đối với những chương trình cho vay mua nhà với lãi suất ưu đãi cố định 12-36 tháng cũng được NH này điều chỉnh tăng thêm 0,2%. Mặt khác, đối với lãi suất áp dụng cho vay thấu chi, biên độ lãi suất đã được điều chỉnh tăng thêm 1%, lên 4,5-5%.
Một số NH quy mô nhỏ, có lãi suất huy động cao hơn các NH lớn nên lãi suất cho vay cũng đang cao hơn chút đỉnh so với mặt bằng chung.
Theo lý giải của một số lãnh đạo NH, lãi suất cho vay tiêu dùng tăng xuất phát từ việc tăng lãi suất huy động. Cụ thể hơn, lãi suất cho vay được tính theo công thức lãi suất huy động 12 tháng cộng với biên độ từ 3,5-4%. Ngoài ra, một yếu tố góp phần làm tăng lãi suất cho vay đó là nhu cầu vay tiêu dùng của người dân tăng cao.
Thừa nhận điều này, một lãnh đạo Sacombank cho biết, tăng trưởng dư nợ tín dụng của NH tăng trưởng trong hơn 5 tháng đầu năm nay một phần chủ yếu từ cho cá nhân vay.
Tương tự, một Phó tổng giám đốc của ACB cũng cho hay, dư nợ tín dụng tăng trưởng trong 4 tháng đầu năm của ACB thì khối cá nhân chiếm khoảng 40%. Theo thống kê của ACB, các khoản vay của khách hàng cá nhân đối với bất động sản chỉ từ 800 triệu đồng mua nhà ở.
Hay với VIB cũng vậy, năm qua NH đưa ra gói tín dụng 2.000 tỷ đồng ưu đãi cho khách hàng cá nhân vay mua nhà, với lãi suất cố định 6 tháng đầu từ 7,99%/năm. Chỉ trong thời gian ngắn vừa qua, VIB đã giải ngân gần hết gói tín dụng trên và tiếp tục đưa ra thêm khoảng 1.000 tỷ đồng.
Nhìn chung, vào cuối năm 2010 cho vay tiêu dùng chỉ chiếm 2,3% tổng dư nợ. Nhưng đến cuối năm ngoái, dư nợ cho vay tiêu dùng đã tăng gấp 3, chiếm 6,8% tổng dư nợ, đạt 90.000 tỷ đồng và dự báo sẽ còn tăng thêm trong những năm tới.
Điều này cho thấy nhu cầu vay tiêu dùng của người dân đang tăng mạnh, qua đó các NH phải tăng lãi suất gửi tiết kiệm để huy động vốn cho vay.
Lựa chọn NH có lãi suất tốt
Trong xu thế lãi suất tăng, đối với người vay, để hưởng được tối đa ưu đãi, một chuyên gia cho rằng người tiêu dùng nên so sánh các chương trình cho vay tiêu dùng tại các NHTM để lựa chọn mức lãi suất ưu đãi nhất.
Dẫn đầu vẫn là những ông lớn có cổ phần của nhà nước cho vay tiêu dùng là Vietcombank. Trung bình lãi suất thường là 7,5%/năm cố định năm đầu và biên độ cộng là 3,5%.VietinBank thì cho vay cao hơn, lãi suất khoảng 7,8%/năm trong 12 tháng đầu nhưng cộng biên độ chỉ khoảng 3%.
Thậm chí, thời điểm này người tiêu dùng cũng có thể đến các NH ngoại tìm hiểu lãi suất cho vay, vì qua quan sát, lãi suất cho vay của khối ngoại đang rất tốt.
Đơn cử, cùng một khoản vay vốn mua xe, lãi suất của NH UOB (Singapore) đang chiếm thế thượng phong trên thị trường. Đó là, lãi suất ưu đãi của NH chỉ 5,8% trong 6 tháng. Những tháng tiếp theo, NH áp dụng theo công thức lấy lãi suất 12 tháng của Vietcombank cộng với biên độ 3,5%, tức là khoảng 8,9%/năm.
Tương tự, lãi suất cho vay của Shinhanbank và Hongleong Bank cũng cạnh tranh rất tốt, không thua kém các NH khối nhà nước. Điển hình, Shinhanbank với lãi suất từ 7,25%/năm đến 7,8%/năm cố định trong 24 tháng đầu. Đồng thời phê duyệt các khoản vay tại khối ngoại đã không còn chặt chẽ và mất nhiều thời gian như trước đây.
Như đã nói ở trên, lãi suất cho vay tiêu dùng đang có xu hướng tăng vì các NH phải sử dụng nguồn vốn huy động ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, vậy khó lòng giảm lãi suất được. Mặt khác, dù đạt tăng trưởng khá tốt về tín dụng cũng như thu nhập lãi, thế nhưng có thể thấy các chi phí hoạt động và trích lập dự phòng đã tăng mạnh trong quý I/2016 và chia sẻ phần lớn thu nhập của các NH.
Cụ thể, tỷ lệ chi phí hoạt động/Tổng thu nhập hoạt động duy trì ở mức trung bình trên 40% và đặc biệt tăng mạnh trong quý I/2016. Theo tìm hiểu, chi phí hoạt động của NH tăng mạnh chủ yếu do hai nguyên nhân: Chi phí đầu tư công nghệ và Chi phí lương cho nhân viên. Điều này cho thấy, lãi suất tiêu dùng khó có thể giảm trở lại.
Thế nên, đối với những khoản vay dài hạn như mua nhà, mua xe ô tô, thì người vay nên tìm hiểu lãi suất vay tại các NHTM cổ phần lớn, thậm chí có thể vay tại các NH ngoại, có 100% vốn nước ngoài để hưởng lãi suất cố định thấp, thay vì lãi suất thả nổi tại các NH nhỏ.
Việc lãi suất huy động kỳ hạn dài tăng cũng kéo lãi suất thả nổi tăng theo. Trên thực tế, để cạnh tranh, các NH vẫn đưa ra các gói ưu đãi lãi suất vay tiêu dùng với lãi suất khá thấp so với lãi suất huy động hiện nay, 7,5-7,7% cố định trong 12 tháng đầu, hay 9-9,5% cố định trong 2-3 năm đầu cho những khoản vay có kỳ hạn lên đến 10 năm. Cho nên, lãi suất trong thời gian ưu đãi không bị thay đổi. Nhưng các năm tiếp theo lãi suất được tính bằng lãi suất huy động tiền gửi kỳ hạn 12, 13, 24 và 36 tháng (tùy NH) cộng biên độ (margin) – hiện biên độ này phổ biến ở mức 3,5 điểm phần trăm. Vì vậy lãi suất huy động kỳ hạn dài tăng đã khiến lãi suất cho vay tăng theo |