Chuyển giá làm sai lệch tính toán GDP
Ảnh minh họa |
Trước đó, trong mấy ngày qua, có ý kiến cho biết mức tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2015 như vừa công bố (6,28%) là mới tính theo phương pháp sản xuất, trong khi tính theo phương pháp sử dụng cuối cùng thì chỉ cho kết quả là 5%.
Về vấn đề này, Tổng cục Thống kê cho biết, GDP được tính theo 3 phương pháp: phương pháp sản xuất, phương pháp sử dụng cuối cùng và phương pháp thu nhập. Ở Việt Nam, xuất phát điểm từ hệ thống bảng cân đối vật chất (MPS) chuyển sang hệ thống tài khoản quốc gia (SNA) nên sử dụng hệ thống thông tin hiện có để tính GDP theo phương pháp sản xuất trước, sau đó tính GDP theo phương pháp sử dụng cuối cùng và sẽ tiến hành tính GDP theo phương pháp thu nhập trong những năm tới.
“Việc tính toán GDP theo phương pháp sử dụng cuối cùng theo quý mới bắt đầu triển khai ở Việt Nam từ năm 2010 đến nay, sự khác nhau (kết quả tính toán GDP – PV) giữa các phương pháp tính là hiển nhiên, do nguồn thông tin khác nhau, mà hiện nay các nguồn thông tin còn có hạn chế, bất cập. Chênh lệch giữa 2 phương pháp sản xuất và sử dụng cuối cùng được đưa vào sai số thống kê”, Tổng cục Thống kê giải thích.
Cũng theo cơ quan này, khi tính tốc độ tăng trưởng GDP, các nước đều công bố theo phương pháp sản xuất, nhất là trong điều kiện Việt Nam thì phương pháp này được tính cho thời gian dài, phù hợp với điều kiện nguồn thông tin hiện có. Phương pháp sử dụng cuối cùng chỉ là cân đối sử dụng GDP và để kiểm chứng mức độ tin cậy của số liệu tính theo phương pháp sản xuất.
Đáng chú ý là theo cơ quan thống kê, có một vấn đề là, hiện tượng chuyển giá có thể tác động đến tính toán GDP. “Hiện nay khu vực FDI xuất khẩu chiếm tới 70% tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam, hiện tượng chuyển giá để tránh thuế thu nhập DN (qua điều tra DN hàng năm tỷ lệ lớn các công ty FDI có lợi nhuận âm hoặc rất thấp) cũng làm cho GDP theo phương pháp sử dụng cuối cùng thấp hơn phương pháp sản xuất”, Tổng cục Thống kê cho biết.