Chuyện vay vốn ưu đãi thoát nghèo ở Mỹ Đức
Hiệu quả tín dụng ưu đãi ở vùng ven đô Hà Nội | |
Vốn ưu đãi “nở hoa” ở vùng ven đô |
Người dân Phùng Xá vươn lên thoát nghèo nhờ vay vốn đầu tư trang thiết bị dệt hiện đại |
Hiệu quả từ đồng vốn chính sách
Theo chân của cán bộ NHCSXH huyện Mỹ Đức, chúng tôi đến thăm mô hình phát triển nghề thêu truyền thống của gia đình ông Đinh Văn Mý tại thôn Trê, xã Tuy Lai, huyện Mỹ Đức. Trước đây điều kiện kinh tế gia đình ông Mý còn gặp nhiều khó khăn, việc phục hồi và phát triển nghề thêu tại thôn cũng còn lắm gian truân khi đồng vốn eo hẹp.
"Kể từ năm 1982 qua nhiều thăng trầm của lịch sử, nghề thêu bắt đầu mai một, nhân công thêu đều bỏ đi làm ruộng, chật vật đồng áng cả năm nhưng lại không có lãi", ông Mý nhớ lại. Miệng nói, tay làm, hai vợ chồng ông Mý quyết định vực lại nghề thêu truyền thống của cha ông. Được sự giới thiệu và hướng dẫn của Hội người khuyết tật xã, sau khi chuẩn bị những điều kiện cần để phát triển sản xuất, ông Mý mạnh dạn vay 100 triệu đồng của NHCSXH từ dự án “Mở rộng tiếp cận tài chính cho người khuyết tật: Cho vay quy mô nhỏ cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng, phục vụ cho người khuyết tật làm chủ” do quỹ Nippon ủy thác với lãi suất 0,6%/tháng.
Nhờ biết chăm chỉ làm ăn, sử dụng đồng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả, mà từ một cơ sở nhỏ lẻ, ông Mý đã gây dựng cơ xưởng riêng với hàng trăm nhân công. Đời sống của người thợ thêu nơi đây thêm phần khấm khá, với mức thu nhập trung bình từ 4-6 triệu đồng/tháng. Ông Mý, chia sẻ: Cũng nhờ nguồn vốn vay của NHCSXH, chúng tôi đã có đủ điều kiện để đầu tư phát triển sản xuất. Những sản phẩm thêu của xưởng đã đến được tay người tiêu dùng trong nước và quốc tế.”.
Chia tay ông Mý trong niềm vui phục hồi nghề thêu truyền thống, chúng tôi đến tham quan mô hình kinh tế của gia đình chị Nguyễn Thị Thơm (Thôn Hạ, xã Phùng Xá). Đây là một trong những tấm gương tiêu biểu thoát nghèo nhanh từ nghề dệt nhờ nguồn vốn chính sách.
Nghề dệt Phùng Xá, hình thành từ năm 1929, được gìn giữ, duy trì và phát triển cho đến ngày nay. Qua hơn 80 năm xây dựng và phát triển, nghề dệt khăn đã trở thành nghề chính mang lại hiệu quả kinh tế cao, trở thành nguồn thu nhập chính của người dân. Không nằm ngoài truyền thống đó, chị Thơm cũng cùng nhiều người dân trong thôn tiếp bước nghề dệt của thế hệ của cha ông đi trước, thoát nghèo trên mảnh đất quê hương.
Chị Thơm tâm sự: Thời điểm năm 2012, khi nhà chỉ có một khung cửi dệt bằng chân giá trị 7 triệu đồng. Dệt bằng chân năng suất lao động không cao, lại ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe do phải ngồi khung dệt thường xuyên, biết được có khung dệt công nghiệp hiện đại, chị đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng vốn ưu đãi dành cho hộ nghèo để đầu tư.
Từ khi sử dụng máy dệt công nghiệp, hiệu suất công việc và hiệu quả kinh tế tăng lên rõ rệt. Ngày trước một máy thủ công đem lại thu nhập từ 3 triệu đồng - 3,5 triệu đồng/máy, giờ đây một máy dệt có thể mang lại 12 triệu đồng/tháng. Hơn nữa, một mình chị Thơm có thể điều khiển được 4 máy, không phải đứng ở máy nhiều nên sức khỏe đảm bảo hơn. Có thêm thu nhập, chị tích góp dần, thêm vốn vay từ chính sách, chị mua thêm 3 máy dệt.
Đến nay, số vốn chị đầu tư đã hoàn lại, anh chị có “của ăn của để”, lo được cho 3 người con đều đang trong độ tuổi đi học. “Nguồn vốn từ NHCSXH tuy không nhiều nhưng nó đã giúp gia đình mình trong lúc khó khăn nhất, lập nghiệp để phát triển kinh tế, có thể sống bằng chính nghề truyền thống của quê hương” - chị Thơm khoe với chúng tôi.
Chính sách giúp gần dân hơn
Trên đây chỉ là hai trong vô vàn những câu chuyện của các hộ dân nơi đây thoát nghèo, có công ăn việc làm nhờ nguồn vốn hỗ trợ từ NHCSXH. Điều này đã cho thấy những chương trình hỗ trợ vốn cho các cơ sở sản xuất kinh doanh và hộ gia đình mở rộng sản xuất, giải quyết việc làm cho người dân … đã và đang phát huy được hiệu quả. Góp phần hướng tới thành công chung của chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, tạo việc làm và các chính sách bảo đảm an sinh xã hội.
Nhìn lại việc triển khai hoạt động tín dụng chính sách thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo trong thời gian qua tại huyện Mỹ Đức, điều mà Giám đốc NHCSXH huyện Tạ Đức Thức tâm đắc nhất là nguồn vốn ưu đãi phần lớn đã đáp ứng được nhu cầu của người dân, nhiều năm nay nguồn tín dụng chính sách đã tạo sự thay đổi rõ rệt trong đời sống của người dân.
Theo ông Thức, với đặc điểm của địa phương có nhiều xã phát triển ngành nghề truyền thống, nguồn vốn chính sách đã góp phần tích cực trong việc phát triển kinh tế, xây dựng làng nghề. Với mạng lưới các tổ vay vốn của NHCSXH trải khắp địa bàn trên toàn huyện với 351 tổ vay vốn, mỗi tổ đều có một tổ trưởng, là cầu nối giữa ngân hàng và bà con nhân dân.
Thông qua việc phối hợp với các hội, đoàn thể các cấp tổ chức tập huấn cho cán bộ hội, tổ trưởng tổ vay vốn đã nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác, tuyên truyền, phổ biến chính sách tới hộ nghèo, thực hiện đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn và xử lý nợ bị rủi ro.
Ngoài ra, để đảm bảo bà con được vay vốn một cách thuận tiện nhất, ngân hàng còn chú ý tới việc cải cách thủ tục hành chính, linh hoạt trong cách xử lý. Theo đánh giá của các cấp chính quyền, tín dụng chính sách đã trở thành công cụ quan trọng góp phần vào mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn huyện.
Nhờ đó, toàn huyện Mỹ Đức có 15.000 hộ đang được vay vốn tại NHCSXH, trong đó từ đầu năm đến nay có 1.050 hộ mới thoát nghèo, giải quyết việc làm mới cho gần 1.400 lao động. Dư nợ ủy thác qua 4 tổ chức chính trị - xã hội đạt hơn 373 tỷ đồng chiếm 99,5% tổng dư nợ được Ngân hàng đã thực hiện thông qua 13 chương trình cho vay.
Tuy nhiên, để tiếp nối những thành công đã đạt được, trong thời gian tới, ban lãnh đạo NHCSXH huyện Mỹ Đức sẽ tiếp tục tham mưu với Ban đại diện HĐQT NHCSXH phân bổ chỉ tiêu cho vay đến từng xã trên địa bàn huyện, thường xuyên quan tâm xây dựng, củng cố các tổ tiết kiệm và vay vốn ở cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhân dân được vay vốn đầu tư sản suất kinh doanh, tăng thu nhập và giải quyết việc làm.