Những cánh chim không mỏi
***
Rót mời tôi một ly trà nóng hổi, ông Vương Hồng Lĩnh, Giám đốc Agribank chi nhánh Đắk Lắk mở đầu câu chuyện về việc đồng vốn ngân hàng đã hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp nơi đây. 2023 là một năm vô cùng khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế nói chung, hệ thống ngân hàng nói riêng. Lạm phát tăng cao buộc nhiều nền kinh tế lớn, vốn là các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, phải thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất để ứng phó. Nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường này vì thế sụt giảm mạnh khiến hoạt động xuất khẩu gặp khó khăn. Nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất do thiếu đơn hàng, kéo theo đó nhu cầu tín dụng giảm, nợ xấu tăng cao…
Sự tạo điều kiện của ngân hàng nên doanh nghiệp có được những kết quả sản xuất, kinh doanh khả quan |
Trong bộn bề thách thức đó, ngành nông nghiệp Đắk Lắk đã khẳng định vai trò bệ đỡ cho nền kinh tế của tỉnh khi năm qua, kinh tế nông nghiệp tiếp tục phát triển, các chỉ tiêu tổng hợp hầu hết đều đạt và vượt kế hoạch. Giá trị tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn (theo giá so sánh 2010) đạt 22.398 tỷ đồng (bằng 100,55% kế hoạch), tăng 4,88% so với năm 2022. Những kết quả này có phần đóng góp không nhỏ của đồng vốn ngân hàng.
Ông Lĩnh chia sẻ, trong bối cảnh nền kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn, chi nhánh đã triển khai nhiều quyết sách táo bạo mang lại hiệu quả tích cực trong công tác huy động vốn, tăng trưởng tín dụng và cung cấp sản phẩm dịch vụ cho khách hàng. Cụ thể đến cuối năm 2023, tổng dư nợ cho vay của chi nhánh đạt khoảng 18.500 tỷ đồng, tăng gần 2.000 tỷ đồng so với năm 2022, tương đương tăng hơn 12,1%. Trong đó, dư nợ cho vay tam nông hơn 11.000 tỷ đồng, chiếm 60% trên tổng dư nợ. Thị phần tín dụng tiếp tục duy trì ổn định, dao động trong khoảng từ 15% - 17%.
Để có được kết quả đó, theo Giám đốc Lĩnh, là sự nỗ lực của hàng trăm con người, từ Ban Giám đốc chi nhánh tới từng cán bộ, người lao động, tất cả đều đoàn kết, chung sức đồng lòng vượt qua thách thức, phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Đặc biệt khi nhắc đến tam nông, Giám đốc Lĩnh sôi nổi hẳn lên. Ông cho biết, làm ngân hàng ở Tây Nguyên phải lấy tam nông làm trọng. Dư nợ tín dụng có tăng trưởng được hay không phụ thuộc cả vào bà con nông dân.
Ông Vương Hồng Lĩnh, Giám đốc Agribank Đăk Lăk (bên trái) kiểm tra thực tế vốn tái canh cà phê |
“Vượt lên được những khó khăn ấy mới thấy hết giá trị về việc mình làm được. Góp một phần sức, giúp bà con vươn lên làm giàu, thay đổi và nâng cao chất lượng cuộc sống”, ông chia sẻ và mời tôi theo chân cán bộ tín dụng xuống “mục sở thị” việc đồng vốn ngân hàng phát huy hiệu quả thế nào trên những ruộng, vườn, nương rẫy của bà con nơi đây.
Theo chân cán bộ tín dụng, tôi trở lại huyện K’rông Pắc, nơi được mệnh danh “thủ phủ sầu riêng” để ghi nhận sự thay da đổi thịt của vùng đất này. Đường sá bây giờ đã khang trang, nhà cao tầng san sát… Đan xen với đó, những rẫy cây ăn trái, cây công nghiệp xanh mướt đang mùa nảy lộc.
Đây là một trong những địa phương có nhiều mô hình trồng cây ăn trái mang lại hiệu quả cao. Giám đốc Agribank Krông Pắc Hồ Xuân Bửu Tư là người có nhiều năm cống hiến đối với Đắk Lắk, nơi anh xác định là quê hương thứ 2 của mình. Anh Tư cho biết, những năm qua dư nợ cho vay của ngân hàng tăng liên tục, hiện tổng dư nợ chi nhánh cho vay trên 1.535 tỷ đồng, trong đó gần như 100% dư nợ là cho vay tam nông. “Bà con sử dụng vốn vay rất hiệu quả. Nên đều có cuộc sống ấm no, khấm khá. Đó là điều mừng nhất của người làm tín dụng ngân hàng”, anh cười cho biết.
Vâng, người làm tín dụng nông nghiệp là thế, luôn mang trong mình khát vọng hỗ trợ người dân thay đổi cuộc sống, khát khao giúp cho cuộc sống của người nông dân ngày càng tốt đẹp hơn. Như câu hát của cố nhạc sĩ Vân Đông trong ca khúc “Những cánh chim không mỏi”:
“Như chim hải âu không hề mỏi cánh
Lướt gió tung bay sóng cồn biển cả
Lướt gió tung bay sóng cồn biển cả
Bình minh trên Tổ quốc, bay tới những chân trời…”.
Gặp chị Bành Thị Thu, ở thị trấn Phước An, Krông Pắc khi chị đang cùng người làm đưa ruột sầu riêng vào kho lạnh cấp đông. Chị là người gốc Nghệ An, gia đình di cư vào Đắk Lắk từ những năm 1990. Những năm đầu đến với Tây Nguyên, lạ đất, lạ người, lại không có vốn liếng để làm ăn, khó khăn chồng chất.
Sau đó, được mách bảo, chị đã tìm đến với Agribank và được vay 50 triệu đồng để làm vốn buôn cà phê. Với sự chịu thương chịu khó, dành dụm, dần dà chị Thu mua được đất phát triển sản xuất nông nghiệp, trồng và buôn bán sầu riêng. Từ đồng vốn vay ngân hàng năm nào, đến nay gia đình chị Thu có cơ ngơi khang trang, cùng hàng chục ha đất nông nghiệp trồng cây ăn trái... Ngoài việc trồng sầu riêng thu về 500-600 triệu đồng/năm, gia đình còn thu mua hơn 1.000 tấn sầu riêng/năm để chế biến xuất khẩu sang Trung Quốc và bán tại thị trường nội địa.
“Có được như ngày nay, đều nhờ vay vốn từ ngân hàng. Đặc biệt, lúc cần vốn để thu mua, cán bộ ngân hàng sẵn sàng hỗ trợ khách hàng một cách nhanh nhất, giúp bà con nắm bắt kịp thời cơ hội làm ăn... Đó là điều đáng trân quý”, chị Thu chia sẻ.
Còn anh Trần Ngọc Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Sản xuất Hùng Phát lại là một tấm gương sáng trong lĩnh vực cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, dù anh còn rất trẻ. Anh Hùng cho hay, công ty hoạt động trong nhiều lĩnh vực, địa bàn hoạt động trải dài trên nhiều huyện, nhưng lĩnh vực chính vẫn là ngành cơ khí, kim khí phục vụ sản xuất nông nghiệp và xây dựng.
Tốt nghiệp đại học, trở về quê, nhìn thấy được tiềm năng của ngành cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp, nên anh bắt đầu khởi nghiệp từ một hộ sản xuất nhỏ. Qua năm tháng, “chiếc áo” này không còn vừa với quy mô hoạt động. Để thực hiện đấu thầu các dự án lớn đòi hỏi phải có tư cách pháp nhân. Công ty Hùng Phát ra đời từ đó và đã ghi tên tham gia vào nhiều dự án lớn trên địa bàn, như thi công dự án xây dựng các nhà xưởng chế biến chuối và hệ thống ròng rọc tải chuối cho Công ty cổ phần KD Green Farm, với tổng khối lượng thầu trên 35 tỷ đồng…
Anh Hùng chia sẻ, cũng nhờ đồng vốn ngân hàng nên công ty mới có được những kết quả như ngày hôm nay. Hiện doanh nghiệp đang tạo việc làm cho hơn 10 lao động thường xuyên và trên 45 lao động thời vụ, với mức lương 12 triệu đồng/tháng/người, chưa tính phụ cấp, lương thưởng… “Công việc đảm bảo thường xuyên, cộng thêm lương thưởng Tết nên anh em công nhân nay phấn khởi lắm”, anh Hùng bộc bạch.
Ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk cho hay, năm 2023, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song nhìn chung tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục duy trì phát triển. Quy mô nền kinh tế cơ bản ổn định, duy trì ở mức khá. GRDP của Đắk Lắk đứng đầu khu vực Tây Nguyên. Cơ cấu kinh tế từng bước chuyển dịch đúng định hướng.
Đóng góp vào thành công đó, có sự nỗ lực lớn của ngành Ngân hàng, đã kịp thời cung ứng vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của địa phương. Ông Nguyễn Kim Cương, Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Đắk Lắk cũng chia sẻ, bối cảnh năm 2023 không thuận lợi, dẫn đến tín dụng cho vay tiếp tục gặp khó. Tuy nhiên, ngành Ngân hàng Đắk Lắk đã nỗ lực giảm lãi suất và triển khai nhiều giải pháp để khơi thông, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân và doanh nghiệp. Năm 2023, dư nợ tín dụng toàn địa bàn khoảng 148.600 tỷ đồng, tăng 9,24%, tăng 12.566 tỷ đồng so với cuối năm 2022.
Đó cũng là minh chứng cho sự nỗ lực không biết mệt mỏi của những người làm ngân hàng trên mảnh đất Tây Nguyên này. Họ được ví như những con ong chăm chỉ, những cánh chim không mỏi để đưa đồng vốn ngân hàng đến với người dân, doanh nghiệp.
***
Một mùa xuân nữa lại về. Đại ngàn Tây Nguyên thêm rộn rã tiếng cồng chiêng. Với hoa cà phê nở trắng trời, tỏa hương thơm ngát, con người nơi đây như say trong những vũ điệu tưng bừng lễ hội. Bên ché rượu cần đượm nồng, tâm hồn như thăng hoa với trời đất Tây Nguyên.