Hiệu quả của tín dụng ưu đãi ở vùng ven đô
Tiếp tục nâng cao hơn nữa vai trò, hiệu quả của tín dụng chính sách Hiệu quả của tín dụng chính sách |
Đến thăm gia đình bà Trần Thị Cúc - Tổ dân phố 2, phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội vào chiều muộn nhưng không khí làm việc vẫn hối hả. Bà Cúc và 3 người lao động vẫn tất bật sản xuất bún để chuẩn bị cho chuyến hàng sớm mai. Bà cho biết, mỗi ngày gia đình bà cung cấp ra thị trường gần 1 tấn bún tươi. Công việc sản xuất tập trung từ chiều đến tối sáng sớm mang đi bán vào những ngày nghỉ hoặc dịp lễ Tết, gia đình phải làm cả ngày và đêm mới đủ bún cung cấp cho khách hàng.
Bà Trần Thị Cúc (ngoài cùng bên trái) đang giới thiệu các công đoạn làm bún |
Trước đây, đa số các công đoạn làm bún đều là thủ công nên sản lượng thấp. Tuy nhiên từ ngày được NHCSXH quận Nam Từ Liên cho vay 100 triệu đồng, gia đình bà đã có điều kiện “hiện đại hóa” dây chuyền sản xuất khi mua thêm máy vo gạo, máy ép bột, máy vắt bún giúp nâng cao năng suất và chất lượng sản lượng bún. “Có nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH, chúng tôi vừa đỡ vất vả mà thu nhập lại tăng lên, cảm ơn ngân hàng, cảm ơn nguồn vốn của Nhà nước”, bà Cúc vui vẻ cho biết.
Ngoài phát triển các nghề truyền thống, nguồn vốn ưu đãi còn giúp người vay đầu tư vào các ngành dịch vụ khác. Điển hình như gia đình chị Nguyễn Thị Huyền, ở tổ dân phố 1 phường Phú Đô.
Chia sẻ với phóng viên, chị Huyền cho biết, quán cafe của chị được khang trang như thế này không thể thiếu sự đóng góp của nguồn vốn vay NHCSXH. Năm 2018, ban đầu chị chỉ dám vay 20 triệu đồng, rồi sau tăng lên 50 triệu đồng để đầu tư kinh doanh. Nhưng không may, đại dịch Covid-19 ập tới, cửa hàng phải đóng cửa, bàn ghế, đồ dùng để lâu bị hư hỏng phải đầu tư lại toàn bộ. Không nản lòng, đến cuối năm 2022, chị Huyền được Đoàn thanh niên phường và Tổ trưởng tổ Tiết kiệm và vay vốn hướng dẫn và giúp đỡ, chị mạnh dạn xin vay 100 triệu đồng của NHCSXH từ nguồn vốn hỗ trợ tạo việc làm để đầu tư sửa chữa, cải tạo cửa hàng, mua bàn ghế, đồ dùng, máy pha cà phê, máy đóng hộp.
Cán bộ NHCSXH quận Nam Từ Liêm giới thiệu về các dịch vụ ngân hàng triển khai trên điện thoại di động |
Cửa hàng không chỉ tạo việc làm cho vợ chồng chị mà còn cho một số sinh viên trên địa bàn ngoài giờ học.
Chị Ngô Thị Nhàn - Bí thư Đoàn Thanh niên phường Phú Đô cho biết, nguồn vốn tín dụng chính sách phát huy hiệu quả rất tốt. Đoàn phường đang quản lý 5 tổ tiết kiệm và vay vốn với trên 240 người vay, dư nợ đạt hơn 18 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Sỹ Tuân - Giám đốc NHCSXH quận Nam Từ Liêm cho biết, đây là một quận đang trong quá trình phát triển, đô thị hóa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đặc biệt đang trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp giải thể, thu hẹp sản xuất cho nên ngày càng nhiều lao động thất nghiệp có nhu cầu vay vốn để tự tạo việc làm. Vì vậy ngoài nguồn vốn của Trung ương và Thành phố chuyển về, NHCSXH quận đã tích cực phối hợp với các phòng, ban, cơ quan tham mưu UBND quận bổ sung nguồn vốn ngân sách ủy thác sang NHCSXH để cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho người lao động trên địa bàn. Đến tháng 2/2024, quận Nam Từ Liêm đang triển khai cho vay 4 chương trình tín dụng chính sách, tổng dư nợ đạt trên 344 tỷ đồng trên địa bàn 10 phường với 109 tổ tiết kiệm và vay vốn và trên 4.200 người vay, tăng gần 14 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, năm 2024, UBND quận Nam Từ Liêm đã chuyển bổ sung nguồn vốn ủy thác từ ngân sách quận sang NHCSXH trên 13 tỷ đồng.
Đến tháng 2/2024, Nam Từ Liêm là quận chuyển nguồn vốn ủy thác qua NHCSXH lớn nhất toàn thành phố. Số dư nguồn vốn ủy thác cấp quận đạt trên 101 tỷ đồng. Nguồn vốn ủy thác từ ngân sách quận qua NHCSXH quận Nam Từ Liêm đã giúp 1.281 hộ gia đình tại 10/10 phường trên địa bàn quận được vay vốn. Nhờ nguồn vốn ưu đãi, các hộ gia đình đã mở rộng sản xuất, kinh doanh để tăng thu nhập, đời sống từng bước được cải thiện; mỗi năm bình quân giải quyết cho hàng nghìn lao động có việc làm, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp trên địa bàn.
Đặc biệt, trong gần 10 năm liền, trên địa bàn quận Nam Từ Liêm không có nợ xấu, nợ quá hạn; chất lượng tín dụng luôn được đảm bảo. Điều này cho thấy sự đồng lòng, hợp sức xây dựng một hệ thống tín dụng vững chắc; hiệu quả của lãnh đạo UBND quận, UBND phường, NHCSXH, hội đoàn thể, tổ tiết kiệm và vay vốn, tổ trưởng dân phố và sự ủng hộ của nhân dân. Các cấp, các ngành của thành phố đánh giá cao những thành công của Quận ủy và Chính quyền quận Nam Từ Liêm trong việc giải quyết khó khăn về nguồn vốn cho vay cũng như sự quan tâm đến đời sống của nhân dân và giải quyết an sinh xã hội trên địa bàn.