Có một nốt trầm nơi ấy...
Cùng lang thang Sa Pa, ngắm đỉnh Hàm Rồng, nhà thờ đá, những hàng thông cao vút và đặc biệt là được hít thở không khí mát lạnh, trong lành chỉ có ở những vùng núi cao anh họa sĩ cười, có lẽ thứ không thay đổi được ở Sa Pa là… không khí ông à. Còn thì tất cả đã “biến đổi” theo nhu cầu của khách du lịch.
Ông thấy không, Thắng Cố ngựa là đặc sản của vùng cao, đặc sản của Sa Pa cũng đã được biến đổi để phù hợp với khẩu vị của du khách nhưng sự “biến đổi” ấy làm mất đi cái “mùi” thum thủm đã tạo nên danh tiếng cho món ăn này. Rồi cũng vì “du khách” ngại trèo núi mà cáp treo lên đỉnh Phanxipang được xây dựng, những quán bar, khách sạn cũng mọc lên khắp nơi dần phá đi sự tĩnh lặng của núi rừng...
Những thửa ruộng bậc thang xanh ngút ngàn của người dân, bản làng Sa Pa |
Thế nhưng, quan trọng hơn là cùng với sự biến đổi ấy những nét văn hóa truyền thống của người dân tộc cũng dần biến đổi theo. Những chiếc váy thổ cẩm do người dân dệt nên đã không đủ để phục vụ nhu cầu của du khách và thế là họ nhập hàng lô về để bán.
Phiên chợ tình Sa Pa vốn nổi tiếng với những tiếng khèn lá người H’mông, vũ điệu khèn của người Tày, Dao Đỏ những cô gái xòe ô quay vòng uyển chuyển bước theo chân, theo tiếng khèn của chàng trai thì nay tiếng khèn ấy đã được thay bằng tiếng… điện thoại các chàng trai, cô gái chỉ “diễn” cho khách “tham quan”.
Thào A Minh một người dân Sa Pa cho biết, ngày xưa tiếng khèn chính là “tiếng lòng” của các chàng trai hướng đến người con gái mình thương, mình nhớ. Người con gái nào thuận lòng thì sẽ múa theo tiếng khèn ấy… Giờ muốn kiếm vợ thì vào tận bản chứ ai lại mang khèn ra thổi giữa cả “rừng” người.
Theo quan niệm của người Mông, tiếng khèn thể hiện sắc thái tình cảm, tiếng khèn là tín hiệu để tìm thấy sự đồng cảm. Thế nên, những người con trai ở Sa Pa đều biết thổi khèn từ nhỏ, có những điệu khèn bày tỏ niềm vui, điệu khèn tỏ tình có thể vượt qua đỉnh núi để đến với người thương, thế nhưng với sự xuất hiện của những chiếc xe máy thì tiếng khèn giờ đã ít đi nhiều lắm rồi.
Bên cạnh những thay đổi, một điều đáng mừng ở Sa Pa là các bản làng Tả Phìn, Tả Van, Bản Hồ… vẫn còn giữ được nét nguyên sơ của Sa Pa. Đây cũng chính là điều thu hút hàng chục ngàn lượt khách ngoại quốc đổ về Sa Pa mỗi năm.
Lang thang trên đỉnh núi ngắm nhìn những thửa ruộng bậc thang xanh ngút ngàn quanh co ở Tả Van, uống chén rượu ngô cay nồng ở Tả Phìn mới thật sự cảm nhận được Sa Pa. Một Sa Pa trong lành và bình yên, những cụ già ngồi dệt thổ cẩm, những em bé với đôi mắt trong veo vô tư chơi đùa.
Chúng tôi trở về Lào Cai với những nỗi niềm băn khoăn, hy vọng rồi cùng với sự đầu tư phát triển du lịch của tỉnh Lào Cai, Sa Pa sẽ ngày càng khởi sắc hơn, đời sống của người dân các bản làng Sa Pa sẽ khấm khá no đủ hơn, không còn là một trong những huyện nghèo nữa.
Thế nhưng chúng tôi cũng mong Sa Pa sẽ không đánh mất mình trong cơn bão của thị trường. Những tiếng khèn, điệu múa của người bản địa sẽ mãi vang xa, theo gió vượt lên trên đại ngàn Hoàng Liên Sơn.
Bởi chính họ và chính nền tảng văn hóa của người bản địa mới làm nên một Sa Pa thật sự của riêng mình. Giữ gìn được truyền thống văn hóa, được những nét đặc sắc của người bản địa mới là cách để phát triển bền vững, lâu dài.