Cổ phiếu ngành gỗ sẽ như thế nào?
Nhìn lại kim ngạch xuất nhập khẩu gỗ của Việt Nam trong các năm gần đây, thấy tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đã chững lại từ năm 2010 và chưa có dấu hiệu tăng trở lại. Theo đó năm 2015, tốc độ tăng trưởng ngành có thể chỉ quanh mốc 10%.
Điều này trái với dự đoán từ đầu năm khi TPP được kỳ vọng sẽ có ảnh hưởng tích cực đến kim ngạch xuất khẩu các ngành được hưởng lợi trực tiếp như gỗ, thủy sản, dệt may.
Với tỷ lệ tăng trưởng đó, những tưởng sẽ ảnh hưởng đến cổ phiếu các DN ngành gỗ, nhưng thực tế thì ngược lại. Theo đó, các con số trên sàn chứng khoán vẫn đang thể hiện rất tích cực. Vì nhà đầu tư cho rằng chỉ trong thời gian ngắn các chỉ số tích cực sẽ phản ánh triển vọng khả quan của ngành này.
Cổ phiếu những công ty chế biến gỗ được cho là đáng chú ý hơn trong năm nay |
Cụ thể, tính từ đầu năm cho đến nay, nhà đầu tư nhắm vào hai lĩnh vực thủy sản và dệt may vốn là những ngành được hưởng lợi trực tiếp từ TPP gần như không nhận được thành quả đầu tư nếu nắm giữ trong 1 năm. Trong khi đó, các cổ phiếu ngành gỗ lại cho thành quả đầu tư khả quan với những diễn biến giá trong thời gian gần đây.
Vì thực chất, với kim ngạch xuất khẩu chưa ghi nhận ảnh hưởng rõ nét từ việc ký kết TPP, diễn biến giá các cổ phiếu trong ngành gỗ tăng trưởng có phần ổn định trong năm. Trong hai tháng trở lại đây, diễn biến giá các cổ phiếu trong ngành đã có sự phân hóa khá rõ rệt và gần như đều diễn biến tương tự như kết quả kinh doanh quý III/2015 đã công bố của DN.
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như TTF, GDT… ghi nhận diễn biến giá tích cực, có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận quý III/2015 đều trên 2 con số. Trong khi đó, ở chiều ngược lại nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ như SAV, NAV ghi nhận diễn biến giá và kết quả kinh doanh đều kém khả quan.
Tuy chưa có tác động cụ thể đến ngành trong thời gian qua, nhưng nhà đầu tư vẫn kỳ vọng TPP sẽ có phản ánh rõ nét hơn đến triển vọng ngành trong ngắn hạn. Hiện nay, xét về gỗ và các sản phẩm từ gỗ, Việt Nam hiện có kim ngạch xuất khẩu lớn trên thế giới và các ưu thế về thuế và thị phần so với các đối thủ khác trong ngành như Trung Quốc, Đức, Ý…
Ngoài ra, nhà đầu tư có quyền kỳ vọng vào ngành gỗ vì kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam đứng thứ 6 trên toàn thế giới, theo thống kê của tổ chức WoldRichestCountries. Cụ thể: kim ngạch xuất khẩu gỗ trong năm 2014 đạt hơn 6 tỷ USD, tương đương 2,7% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn cầu và chỉ đứng sau các nước Trung Quốc, Đức, Ý, Hà Lan, Mỹ và Mexico.
Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam trong 10 năm gần đây luôn giữ ở mức dương và trong 5 năm gần nhất tốc độ tăng trưởng hàng năm của Việt Nam vẫn luôn giữ ở mức 2 con số. Theo số liệu báo cáo của Tổng cục Hải quan, các thị trường xuất khẩu gỗ chính của Việt Nam bao gồm Hoa Kỳ (40,7%), EU (15,8%), Nhật Bản (15,6%), Trung Quốc (14,0%) và Hàn Quốc (7,7%).
Trong cuộc chiến cạnh tranh ở các thị trường nhập khẩu gỗ lớn, Việt Nam sở hữu không ít ưu thế: được lợi về giá hơn so với đối thủ lớn nhất là Trung Quốc do không bị áp thuế chống bán phá giá vào thị trường Mỹ; hay việc các nước xuất khẩu gỗ lớn trong khối châu Âu như Đức, Hà Lan đều đang chuyển dần từ phân khúc cấp thấp sang cung cấp các sản phẩm cho phân khúc cao cấp.
Ngoài các lợi thế trên, thì các thiết bị sản xuất gỗ nhập khẩu về Việt Nam từ các nước tham gia TPP sẽ có mức thuế nhập khẩu được điều chỉnh từ mức hiện hành vào khoảng 17%-20% về còn 3%-4% khi TPP chính thức có hiệu lực. Do vậy, ngành gỗ Việt Nam đang đứng trước một cơ hội lớn để tăng trưởng doanh thu xuất khẩu nếu tận dụng được hết các ưu thế sẵn có.
Nếu tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu giữ ở mức ổn định (10%) và ngành gỗ Việt thành công trong việc tăng trưởng thị phần từ mức 11% hiện nay lên 12% tại thị trường Mỹ, tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành có thể tăng trưởng lên đến 20% so với cùng kỳ. Hiện các CTCK đang khuyên nhà đầu tư nên để ý đến những cổ phiếu ngành gỗ trong năm 2016 để tận dụng được những ưu thế của ngành này.