Còn nhiều dư địa để tăng trưởng, nhưng phải quyết tâm, quyết liệt hơn nữa
CPI tháng 6 tiếp tục giảm 0,17% | |
Quý 2 khởi sắc kéo GDP 6 tháng tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm trước | |
Thủ tướng đặt vấn đề kỷ luật nếu không hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị tại phiên họp quan trọng này, các thành viên Chính phủ, các địa phương tập trung vào đề xuất giải pháp cụ thể. Ảnh: VGP |
Nền kinh tế đang tăng tốc
Nhìn chung 6 tháng đầu năm kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định; lạm phát ở mức thấp, 6 tháng chỉ tăng 0,2%. Trong khi tăng trưởng phục hồi mạnh, nếu như quý 1 tăng trưởng GDP chỉ đạt 5,15%, thì quý 2 đã đạt tới 6,17%; qua đó đưa tăng trưởng GDP 6 tháng đạt 5,73%, cao hơn mức tăng 5,52% của cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, các cân đối lớn của nền kinh tế được giữ vững. Thu ngân sách tăng mạnh, có nhiều giải pháp bảo đảm nguồn thu. Vốn FDI tăng mạnh, tổng vốn đăng ký mới, bổ sung và góp cổ phần đạt trên 19 tỷ USD, tăng 54,8%, vốn thực hiện 7,7 tỷ USD, tăng 6,5%. Xuất khẩu tăng gần 19%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ; tính cả xuất nhập khẩu thì 6 tháng kim ngạch thương mại hai chiều đạt khoảng 200 tỷ USD.
Đặc biệt, môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ, xu hướng kinh doanh tốt hơn, có trên 61.000 doanh nghiệp đăng ký mới với tổng số vốn gần 600.000 tỷ đồng. Tín dụng tăng 8%, cao nhất so với cùng kỳ trong 6 năm cho thấy khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế đang được cải thiện tích cực…
“Trong mức tăng trưởng 5,73% 6 tháng đầu năm, chúng ta chưa có biện pháp nào để tăng khai thác dầu khí cả. Dầu khí vẫn giữ con số cũ, chưa có tăng thêm”, Thủ tướng đánh giá và cho rằng, chưa hề có giải pháp nào đẩy mạnh khai khoáng mà tăng trưởng 6 tháng đầu năm có được là do sức sống, chuyển động mạnh mẽ của nền kinh tế.
Tuy nền kinh tế vẫn còn không ít khó khăn, thách thức. Trước hết, trong nông nghiệp, việc tiêu thụ một số nông sản còn khó khăn, giá bán giảm, ảnh hưởng đến người sản xuất. Tăng trưởng công nghiệp, xây dựng còn thấp hơn cùng kỳ, trong đó khai khoáng giảm đến 8,2%, riêng dầu khí giảm 11,6%.
Sản xuất kinh doanh có phát triển nhưng doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn. Chi phí sản xuất còn cao. Giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, nửa năm mới đạt 30% kế hoạch Thủ tướng giao và gần 26% dự toán Quốc hội giao. Cổ phần hóa DNNN, thoái vốn còn chậm, mới cổ phần hóa 20 doanh nghiệp và xây dựng phương án cổ phần hóa 21 doanh nghiệp, mới thoái vốn 11.600 tỷ đồng trong khi kế hoạch đề ra là 60.000 tỷ đồng…
Còn nhiều dư địa để tăng trưởng, nhưng phải quyết tâm
Từ những thành quả, bất cập nêu trên, Thủ tướng cho rằng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm còn rất nặng nề. Riêng về tăng trưởng, để cả năm 6,7% thì 6 tháng cuối năm phải tăng 7,42%. “Đây là mục tiêu cao nhưng chúng ta có cơ sở, căn cứ để đạt được bởi các ngành, các lĩnh vực chủ yếu có thể nói đang phục hồi mạnh. Xu hướng quốc tế, trong nước đều thuận lợi”, Thủ tướng cho biết.
Khẳng định vẫn còn nhiều dư địa để tăng trưởng, Thủ tướng cho rằng, vấn đề đặt ra là chúng ta phải quyết tâm, nỗ lực hơn nữa, hành động quyết liệt hơn nữa, cải cách đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, nhất là các bộ quản lý sản xuất kinh doanh và vùng kinh tế trọng điểm, các thành phố lớn.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ, các địa phương tập trung vào đề xuất giải pháp cụ thể. “Chính phủ phải làm gì, từng bộ, ngành, địa phương phải làm gì để bảo đảm tăng trưởng từng ngành, từng lĩnh vực và cả nền kinh tế”; “Làm gì để thúc đẩy công nghiệp và xây dựng tăng trưởng mạnh mẽ hơn? Cần kích cầu không? Sáu tháng tăng trưởng tín dụng 8% thì có nhiều ý kiến góp ý năm nay tín dụng có thể tăng 18-20% được không?”, Thủ tướng đặt vấn đề.
“Trong 6 tháng đầu năm, chúng ta đã đưa ra nhiều cơ chế, nhiều giải pháp, chính sách đồng bộ, đầy đủ nhưng việc triển khai còn thiếu lửa, không quyết liệt trong một bộ phận cán bộ, công chức”, Thủ tướng nêu rõ. Một số cơ quan, địa phương tổ chức thực hiện còn cầm chừng, không tâm huyết, kém hiệu quả. Một bộ phận cán bộ chính quyền còn để xảy ra tai tiếng do tham nhũng và lợi ích nhóm.
Vì vậy, Thủ tướng đề nghị chú trọng tập trung bàn, đề xuất phương pháp, cách làm cụ thể để chủ trương, cơ chế, chính sách đi vào thực tiễn cuộc sống, phát huy hiệu quả, góp phần thực hiện vượt các chỉ tiêu, Đảng, Quốc hội giao.