Cộng đồng kinh tế ASEAN: Cơ hội và thách thức với thị trường tài chính
ASEAN sẽ thành một thị trường chung và cơ sở sản xuất đơn nhất, một khu vực có sức cạnh tranh cao, phát triển kinh tế đồng đều và hội nhập đầy đủ vào kinh tế toàn cầu. ASEAN sẽ trở thành một khu vực tự do lưu chuyển hàng hoá, dịch vụ, đầu tư và tự do lưu chuyển lao động kỹ năng và tự do lưu chuyển hơn luồng vốn.
TS. Nguyễn Viết Lợi – Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính cho biết về các cam kết cụ thể đối tự do hoá trị trường tài chính, đến năm 2015 Việt Nam và các nước sẽ mở cửa, xoá bỏ các hạn chế trong các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, thị trường vốn. Các ngân hàng, CTCK, DN bảo hiểm được mở công ty chi nhánh ở các nước ASEAN khác, cung cấp dịch vụ trực tiếp cho các cá nhân, tổ chức ở nước ASEAN khác. Các cá nhân, tổ chức có thể tự do mua các dịch vụ chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm ở các nước ASEAN khác. Các chuyên gia ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm cũng được tự do kiếm việc làm, cung cấp dịch vụ ở các nước ASEAN khác. Đến cuối năm 2015 sẽ tự do hoá dòng chảy của vốn đầu tư gián tiếp và dịch vụ môi giới sản phẩm tài chính...
Tuy nhiên, tự do hoá trị trường tài chính trong AEC cũng đặt ra không ít thách thức, gia tăng áp lực cạnh tranh cho thị trường tài chính trong nước. Đây là điều đáng lo ngại bởi khoảng cách giữa các tổ chức tài chính trong nước so với nhiều quốc gia trong khu vực còn lớn, tính cạnh tranh không cao.
Bên cạnh đó, “Việt Nam sẽ phải đối mặt với thách thức trong việc kiểm soát dòng vốn chảy vào và ra. Sự gia tăng dòng vốn vào cũng làm gia tăng mối lo về bong bóng giá tài sản”, ông Lợi nhận định. Bởi khi dòng vốn được tự do luân chuyển sẽ làm tăng nguy cơ đảo chiều rút vốn đột ngột. Nếu rút vốn quy mô lớn sẽ gây mất ổn định đối với thị trường tài chính.
Với thị trường ngân hàng, để đón đầu AEC, tại Việt Nam, nhiều NHTM khác tại các nước ASEAN tiếp tục phát triển văn phòng đại diện, mở chi nhánh hoặc thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài. Đây là động thái mang nhiều tín hiệu tích cực, tuy nhiên cũng đặt ra thách thức với NHTM trong nước. Bởi NHTM trong nước còn ít so với các nước trong khu vực và chưa phát triển đồng đều với ngân hàng nước ngoài.
Theo ông Phạm Tuấn Anh – Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính, thách thức quan trọng trên hết đó là Việt Nam làm sao phải có các giải pháp bảo đảm an ninh tài chính, muốn vậy phải thận trọng hơn, giám sát chặt chẽ hơn nhưng lại phải tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN, cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư. “Giám sát chặt hơn nhưng lại phải tạo điều kiện thuận lợi nhất – đó là điều rất khó nhưng phải làm”, ông Tuấn Anh nhấn mạnh.
Việc khó phải làm này chính là nội dung của Hội thảo “Cộng đồng kinh tế ASEAN: Cơ hội và thách thức đối với thị trường tài chính Việt Nam”. Hội thảo do Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Tài chính tổ chức ngày 27/11/2015.
Các thách thức được nhận diện, các giải pháp đã được bàn thảo và TS. Lê Hải Mơ, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính tổng hợp lại rằng, vấn đề trọng tâm là công tác phối hợp xây dựng chính sách giữa các Bộ, ngành, vấn đề cạnh tranh giữa các DN cũng cần được quan tâm khi AEC thành lập. Các đơn vị của Bộ Tài chính sẽ từng bước đưa ra những giải pháp cụ thể để tận dụng tốt những hiệu ứng tích cực do AEC mang lại, qua đó đẩy mạnh sự phát triển của thị trường tài chính Việt Nam trong thời gian tới.