Tăng trưởng GDP 2024: Cần sự phục hồi lan tỏa, đồng đều
Tăng trưởng quý II khó tăng tốc mạnh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa cập nhật dự báo 2 kịch bản tăng trưởng GDP năm 2024. Với kịch bản 1, tăng trưởng cả năm dự kiến đạt 6%; trong đó tăng trưởng quý II là 5,85%, quý III và IV lần lượt là 6,22% và 6,28%. Ở kịch bản 2, tăng trưởng cả năm đạt 6,5%; trong đó tăng trưởng quý II là 6,32%, quý III và quý IV lần lượt là 6,79% và 7,08%.
Cần lan tỏa tăng trưởng từ lĩnh vực thương mại quốc tế tới các lĩnh vực trong nước |
Các mức tăng trưởng GDP dự kiến trong quý II dù ở mức thấp (5,85%, theo kịch bản 1), hay ở mức cao hơn (6,32% theo kịch bản 2) đều cho thấy nền kinh tế giữ được đà phục hồi, song chưa có sự bứt phá đáng kể. Tăng trưởng nửa đầu năm vì vậy chỉ sát mức 6%.
Đáng chú ý, các dự báo mới nhất đến từ các tổ chức trong và ngoài nước cũng cho thấy sự tương đồng này. Đơn cử, theo kịch bản cơ sở trong báo cáo “Kinh tế Việt Nam quý I và dự báo cả năm 2024” do TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV vừa công bố, tăng trưởng GDP quý II có thể đạt 5,9-6,3% và nửa đầu năm là 5,8-6,2%. Trong khi đó, Báo cáo của Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC dự báo, tăng trưởng quý II ở mức 6%.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: phải nỗ lực cao nhất, thực hiện tốt nhất, phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu trong năm 2024, nhất là chỉ tiêu tăng trưởng GDP ở mức khoảng 6,5%. |
Sự khác biệt trong các dự báo nằm nhiều hơn ở nửa cuối năm. “Trong bối cảnh kinh tế thế giới dự báo tăng trưởng chậm lại nhưng lạm phát và lãi suất giảm, cùng với đà phục hồi nội tại và các nỗ lực cải thiện thể chế, môi trường đầu tư - kinh doanh, kinh tế Việt Nam năm 2024 dự báo tăng trưởng cao hơn, trong khi lạm phát được kiểm soát trong mục tiêu”, TS. Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV cho biết.
Cụ thể, theo kịch bản cơ sở của Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, tăng trưởng GDP quý III dự báo trong khoảng 6,2-6,5%, quý IV trong khoảng 6,3-6,8%. Các dự báo này đều quanh ngưỡng 6,5% - sự bứt tốc khá tốt so với quý II và nửa đầu năm. Tổng thể năm 2024, dự báo GDP tăng trong khoảng 6-6,5%, CPI bình quân tăng 3,4-3,8%, theo kịch bản cơ sở này.
Từ góc nhìn của mình, bà Yun Liu, chuyên gia kinh tế phụ trách thị trường ASEAN, Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC nhận định: “Việt Nam vẫn duy trì vững vàng lộ trình phục hồi với mũi nhọn dẫn đầu là triển vọng thương mại tươi sáng hơn”. Phân tích cụ thể, chuyên gia này cho biết, việc xuất khẩu hàng hóa tăng trưởng hơn 14% trong tháng 3 và tăng trưởng cả quý I ở mức 17% so với cùng kỳ năm trước có nguyên nhân chủ yếu là do một đợt đi lên của chu kỳ hàng điện tử mà Việt Nam được hưởng lợi nhờ đóng vai trò trung tâm sản xuất quan trọng cho điện thoại thông minh của Samsung. Bên cạnh điện tử, sự phục hồi của xuất khẩu tiếp tục mở rộng sang những ngành hàng khác như dệt may, da giày... mặc dù đóng góp vào tăng trưởng kinh tế vẫn còn thấp. Cùng với đó, dù tăng trưởng nhập khẩu cũng phục hồi lên mức hai con số (tăng 14%) trong quý I, song vẫn thấp hơn mức tăng của xuất khẩu và giúp thặng dư thương mại tăng lên hơn 8 tỷ USD.
“Không chỉ chu kỳ thương mại ngắn hạn xoay chiều mà triển vọng FDI dài hạn tích cực cũng tiếp tục kéo dài”, bà Yun Liu bổ sung và chỉ ra, tổng vốn FDI đầu tư mới trong quý I/2024 tăng gần 60% so với cùng kỳ năm trước, tới 65% trong số đó tập trung vào lĩnh vực trụ cột là sản xuất…
Cần sự phục hồi lan tỏa, đồng đều
Tuy nhiên theo chuyên gia HSBC, mặc dù chu kỳ xuất khẩu của Việt Nam đã bắt đầu nhìn thấy tín hiệu phục hồi, nhưng vẫn chưa đủ để chuyển hóa thành một cú hích đáng kể cho các lĩnh vực trong nước. Nói cách khác, quá trình phục hồi diễn ra theo nhiều chiều hướng khác nhau. Sự “không đồng đều” có thể thấy rõ nét nhất trong khu vực dịch vụ. Trong khi có những điểm sáng như lĩnh vực sản xuất phục vụ xuất khẩu đang trên đà lấy lại “phong độ” trước đây, hay các dịch vụ liên quan đến du lịch tiếp tục duy trì đà tăng trưởng rất tích cực khi lần đầu tiên kể từ COVID-19, lượng khách quốc tế đến Việt Nam hàng tháng đã gần chạm mốc 1,6 triệu trong tháng 3 vừa qua và vượt 13% so với mức trước đại dịch; thì đồng thời, chúng ta cũng thấy các dịch vụ như thông tin và truyền thông, tài chính… tiếp tục đà chậm lại từ quý IV/2023, trong khi lĩnh vực bất động sản vẫn đóng góp ít ỏi cho tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng doanh số bán lẻ cũng chưa trở lại mức xu hướng trước đại dịch… Kết quả là sự sụt giảm tốc độ tăng chung khu vực dịch vụ, khi lĩnh vực này chỉ tăng trưởng 6,1% trong quý I vừa qua.
“Để lấy lại mức tăng trưởng như trước đại dịch, Việt Nam cần lan tỏa tăng trưởng từ lĩnh vực thương mại ra các dịch vụ trong nước”, chuyên gia kinh tế Yun Liu nêu quan điểm, đồng thời lưu ý, mặc dù GDP quý I vừa qua tăng trưởng tích cực, song vẫn thấp hơn kỳ vọng (mức tăng 5,66%, thấp hơn dự báo của HSBC và thị trường là 6,4%). Do GDP quý I yếu hơn dự báo, nhưng kỳ vọng hoạt động kinh tế sẽ gia tăng mạnh hơn trong 6 tháng cuối năm khi cần thêm thời gian để sự phục hồi lan tỏa rộng khắp, Bộ phận Nghiên cứu toàn cầu HSBC giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP 6,0% cho năm nay, trong đó có điều chỉnh dự báo với 3 quý còn lại. Cụ thể, bên cạnh con số quý II đã đề cập ở trên, các mức dự báo tăng trưởng quý III và quý IV đều ở mức 6,2%.
TS. Cấn Văn Lực cho rằng, bên cạnh những điểm sáng tích cực, diễn biến quý I vừa qua cũng cho thấy kinh tế Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó, cùng với thực tế các rủi ro từ bên ngoài vẫn hiện hữu và có thể ảnh hưởng tiêu cực đến Việt Nam thì các yếu tố trong nước, nhất là một số động lực tăng trưởng truyền thống như đầu tư tư nhân, tiêu dùng phục hồi chậm, trong khi thể chế cho các động lực tăng trưởng mới chậm ban hành là những vấn đề cần tập trung hóa giải.
Tăng trưởng ổn định của khu vực nông nghiệp, tiếp tục giữ được đà phục hồi tích cực ở khu vực công nghiệp, trong khi có những bứt phá tốt và đồng đều hơn ở khu vực dịch vụ là điều mà các chuyên gia kỳ vọng để kinh tế Việt Nam đạt được mức tăng trưởng GDP 6-6,5% trong năm nay. Trong bối cảnh còn nhiều bất định, rủi ro, dù ở kịch bản đạt 6% (cận dưới) hay 6,5% (cận trên) đều cần những nỗ lực và quyết tâm cao nhất. Và tất yếu khi đã có những nỗ lực không ngừng, cộng hưởng với những điều kiện thuận lợi hơn - hoặc ít nhất không xấu đi từ môi trường kinh tế toàn cầu, thậm chí tăng trưởng kinh tế năm nay có thể vượt mục tiêu đặt ra. Như theo kịch bản tích cực trong báo cáo của Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV dự báo, tăng trưởng GDP năm nay có thể ở khoảng 6,5-7%.