Công khai ngân sách tỉnh: Nhiều cải thiện nhưng vẫn kém xa kỳ vọng
5 tháng, thu ngân sách nội địa tăng 14,1% so với cùng kỳ | |
5 tháng, giải ngân vốn đầu tư chưa nổi 25% kế hoạch |
Đây là thông tin đáng chú ý trong kết quả khảo sát Chỉ số công khai ngân sách tỉnh (POBI) 2018 vừa được Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) và Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) công bố.
Kế hoạch đầu tư công là tài liệu cần công khai với người dân theo thông lệ quốc tế |
Mức độ công khai được cải thiện
Theo quy định tại Luật Ngân sách Nhà nước, có nhiều loại tài liệu bắt buộc phải công khai như Báo cáo dự thảo dự toán ngân sách tỉnh năm 2019 trình HĐND tỉnh; Báo cáo dự toán ngân sách tỉnh; Báo cáo tình hình thực hiện ngân sách tỉnh; Báo cáo quyết toán ngân sách tỉnh... Khảo sát dựa trên việc công khai các tài liệu này tại cổng thông tin điện tử của UBND, HĐND, Sở Tài chính và Sở Kế hoạch và Đầu tư của các tỉnh. Đây là năm thứ 2 liên tiếp POBI được thực hiện.
Đại diện nhóm nghiên cứu, PGS.TS. Vũ Sỹ Cường cho biết, mức độ công khai năm 2018 đã được cải thiện điểm số trung bình là 51/100 điểm, cao hơn khá nhiều so với năm 2017 là 30,4 điểm.
Trong đó, tín hiệu đáng khích lệ đầu tiên là năm 2018, đã có 6 tỉnh lọt vào nhóm công khai đầy đủ (nhóm A, điểm xếp hạng từ 75-100 điểm), tiến bộ rõ rệt so với năm 2017 là không có tỉnh nào. Trong 6 tỉnh xếp nhóm A, Vĩnh Long xếp đầu tiên với 90,52 điểm, tiếp đến là Bà Rịa-Vũng Tàu (85,91 điểm), Đà Nẵng (83,09 điểm), Vĩnh Phúc (82,05 điểm)...
Bên cạnh đó, có 27 tỉnh công khai tương đối, thuộc nhóm B (điểm xếp hạng từ 50 đến dưới 75 điểm); có 21 tỉnh công khai chưa đầy đủ thuộc nhóm C, và chỉ có 9 tỉnh công khai ít thuộc nhóm D (điểm xếp hạng dưới 25).
Như vậy khác với năm 2017 có tới 4 tỉnh hoàn toàn không công khai ngân sách, trong năm 2018 vừa qua không còn tỉnh nào có điểm số POBI bằng 0. Điều này cho thấy đã có sự dịch chuyển đáng kể trong việc tuân thủ công khai ngân sách trên cấp độ toàn quốc. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 50% tỉnh thành cần tuân thủ và cải thiện mức độ công khai, minh bạch ngân sách.
Cụ thể hơn, ông Cường cho biết, số lượng tài liệu ngân sách được các tỉnh công khai năm 2018 đã tăng so với 1 năm trước đó. Trong số này, dự thảo dự toán trình HĐND tỉnh là tài liệu có sự thay đổi lớn nhất với 47 tỉnh (chiếm 74,6%) có công khai tài liệu này; trong khi năm 2017, số lượng địa phương công khai chỉ là 27 tỉnh (chiếm 42,9%). Ngoài ra, với tài liệu khác như báo cáo tình hình thực hiện ngân sách tỉnh quý III, có 46 địa phương (73%) đã thực hiện công khai trong khi năm 2017 là 28 địa phương (44,4%).
“Điều này cho thấy các tỉnh đã có trách nhiệm hơn trong việc công khai dự thảo dự toán ngân sách Nhà nước để người dân có thể tham gia vào quá trình thảo luận và quyết định dự toán ngân sách của tỉnh”, đánh giá của nhóm khảo sát nêu rõ.
“Đầu tàu” về cuối trong công khai, minh bạch
Nhìn vào các thành phố lớn, TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng VEPR cho biết, Đà Nẵng đã thể hiện tính tuân thủ, minh bạch cao với hơn 83 điểm. Trong khi đó, Hà Nội và TP.HCM theo chấm điểm chỉ ở mức trung bình thấp, cụ thể Hà Nội là 49,72 điểm, TP.HCM 48,98 điểm. Đáng chú ý nhất là trường hợp Hải Phòng. Năm trước điểm số của Hải Phòng là số 0 tròn trĩnh, tức không công bố bất cứ thông tin gì, không tuân thủ chút nào theo hướng dẫn của Bộ Tài chính về công khai tài liệu ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, tới năm nay cũng chỉ cải thiện được một chút, lên 5 điểm và vẫn là địa phương thấp điểm nhất.
Điều này theo ông Thành là rất đáng lưu ý khi những tỉnh "đầu tàu" của cả nước lại có điểm số thấp. Trong khi đó các tỉnh không lớn như Hậu Giang, Kon Tum... lại có tính tuân thủ, minh bạch cao.
Nêu thêm những vấn đề đáng quan ngại, ông Vũ Sỹ Cường cho biết, về tính kịp thời, kết quả cho thấy mặc dù đã có cải thiện hơn so với POBI 2017 nhưng vẫn có tình trạng các tỉnh chưa công khai kịp thời các tài liệu ngân sách theo quy định.
Ví dụ dù có 47 tỉnh (74,6%) công khai dự thảo dự toán ngân sách tỉnh năm 2019 trình HĐND, nhưng chỉ có 29 tỉnh (46%) công khai kịp thời (trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày UBND tỉnh gửi tài liệu này cho đại biểu HĐND tỉnh). Trong khi đó, có 7 tỉnh công bố chậm (trong vòng 15 đến 30 ngày) và 11 tỉnh công bố sau 30 ngày hoặc không xác định được chính xác thời điểm công bố. “Như vậy, mục tiêu công khai dự thảo dự toán ngân sách nhà nước để cho người dân tham gia ý kiến chưa đạt được”, ông Cường nhấn mạnh.
Hoặc về tính dễ tiếp cận, mặc dù đã có 62/63 tỉnh có chuyên mục công khai ngân sách trên cổng thông tin điện tử của UBND hoặc Sở Tài chính, nhưng có nhiều tỉnh lại chưa đăng hoặc không cập nhật các tài liệu ngân sách trong chuyên mục này, mà lại đăng tại các chuyên mục khác của cổng thông tin hoặc trang liên kết.
Ngay cả trong trường hợp các tỉnh công bố thông tin đầy đủ theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, cũng vẫn còn khoảng cách khá xa so với thông lệ quốc tế. Cụ thể, 2 tài liệu cần phải công khai theo thông lệ tốt của quốc tế lại chưa có trong quy định của Việt Nam, đó là báo cáo ngân sách công dân và kế hoạch đầu tư công. Trong đó, báo cáo ngân sách công dân là tài liệu rất tiến bộ, được viết dưới ngôn ngữ dễ tiếp cận so với ngôn ngữ tài chính thông thường. Đà Nẵng là tỉnh duy nhất công khai báo cáo này.
Chia sẻ kinh nghiệm để cải thiện vấn đề này, bà Yenti Nurhidayat - Giám đốc Quản lý tri thức, Diễn đàn Minh bạch ngân sách Indonesia cho rằng, mong muốn từ chính quyền là yếu tố quan trọng nhất trong việc cải thiện tính minh bạch của ngân sách. Ngoài ra, để tạo ảnh hưởng tốt cũng cần nâng cao năng lực nhận thức của người dân về vấn đề ngân sách thông qua các hoạt động đào tạo, phổ biến thông tin.
“Để làm được những điều này, chúng tôi kết hợp các nguồn lực xã hội như tổ chức dân sự, chính quyền địa phương, với quy ước làm việc chung đã đưa ra được các mục tiêu rõ ràng, từ đó đề ra giải pháp để minh bạch ngân sách”, bà đưa ra khuyến nghị cho Việt Nam.