Củng cố nội lực, tạo chỗ dựa vững chắc cho hệ thống QTDND phát triển
Ông Đỗ Mạnh Hùng - Tổng giám đốc Ngân hàng Hợp tác Việt Nam |
Thời báo Ngân hàng đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Mạnh Hùng - Tổng giám đốc Ngân hàng Hợp tác xung quanh vấn đề này.
Thưa ông, đối với Ngân hàng Hợp tác trong năm 2017, đâu là thành công lớn nhất mà ngân hàng đã đạt được?
Trong năm 2017, Ngân hàng Hợp tác đã đổi mới toàn diện cả về quy mô lẫn chiều sâu hoạt động. Theo đó, không chỉ hoàn thiện mô hình tổ chức, mạng lưới hoạt động của Ngân hàng Hợp tác cũng liên tục được mở rộng lên 32 chi nhánh phủ sóng trên toàn quốc, đặc biệt là tài chính, năng lực quản trị cũng được nâng lên một bước. Cũng trong năm 2017, Ngân hàng Hợp tác đã đưa vào hoạt động hệ thống Corebanking nhằm chuẩn hóa hoạt động theo hướng ngân hàng đa năng, hiện đại, theo đúng chuẩn mực quốc tế.
Năm qua, Ngân hàng Hợp tác cũng đã thu đươc nhiều kết quả rất đáng khích lệ cho dù bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới vẫn còn nhiều khó khăn đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của toàn hệ thống các TCTD. Không chỉ vậy, Ngân hàng Hợp tác, còn thể hiện tốt vai trò “Ngân hàng của các QTDND” thông qua hoạt động điều hòa vốn, hỗ trợ, tư vấn các QTDND hoạt động an toàn, hiệu quả, bền vững.
Ông có thể cho biết cụ thể hơn về sự hỗ trợ của Ngân hàng Hợp tác đối với hệ thống QTDND?
Có thể khẳng định chúng tôi đã thực hiện nghiêm túc Thông tư 31/2012/TT-NHNN và Thông tư 03/2014/TT-NHNN của Thống đốc NHNN Việt Nam, thực hiện tốt chức năng điều hòa vốn, cũng như tiếp tục đẩy mạnh triển khai các trách nhiệm, quyền hạn đối với hệ thống QTDND.
Theo đó, Ngân hàng Hợp tác đã luôn bám sát và hỗ trợ kịp thời nguồn vốn cho các QTDND để đảm bảo thanh khoản, mở rộng tín dụng. Đối với các QTDND gặp khó khăn trong hoạt động, một mặt Ngân hàng Hợp tác cho vay hỗ trợ khả năng chi trả kịp thời, mặt khác tham mưu, phối hợp với Chi nhánh NHNN, chính quyền địa phương có những biện pháp giúp đỡ để QTDND vượt qua khó khăn. Nhờ có sự hỗ trợ, đáp ứng khẩn trương và kịp thời về vốn của Ngân hàng Hợp tác mà các QTDND nói trên sớm ổn định tình hình hoạt động, góp phần thúc đẩy hệ thống QTDND phát triển ổn định. Đây là lợi ích mà chỉ có Ngân hàng Hợp tác làm cho hệ thống QTDND.
Một việc nữa mà Ngân hàng Hợp tác mang lại cho hệ thống là hỗ trợ giao dịch thanh toán cho QTDND. Tính đến 31/12/2017, Ngân hàng Hợp tác đã đào tạo nghiệp vụ chuyển tiền cho khoảng 1.400 học viên là lãnh đạo và cán bộ của 557 QTDND trên phạm vi 47 tỉnh/thành phố trong cả nước; trong đó đã kết nạp 438 QTDND đáp ứng được các yêu cầu về kỹ thuật, nghiệp vụ, nâng tổng số mạng lưới thanh toán của hệ thống lên tới 531 điểm, bao gồm 32 chi nhánh, 61 Phòng giao dịch và 438 QTDND.
Để hệ thống thanh toán chuyển tiền nội bộ được duy trì hoạt động ổn định, phục vụ tốt cho công tác điều hòa vốn, đồng thời cung ứng dịch vụ chuyển tiền phục vụ nhu cầu thanh toán của thành viên, Ngân hàng Hợp tác luôn luôn dự phòng hàng ngàn tỷ đồng để đảm bảo khả năng thanh toán chuyển tiền được kịp thời. Ngoài ra còn mở rộng thanh toán qua các kênh thanh toán như: thanh toán điện tử liên ngân hàng (Citad), thanh toán đa phương với các ngân hàng.
Năm 2017, Ngân hàng Hợp tác đã phát hành thêm được gần 5.000 Thẻ ghi nợ, nâng tổng số thẻ đã phát hành lên 12.000 thẻ. Ngân hàng Hợp tác cũng đã triển khai sản phẩm Thấu chi đến các QTDND và được các QTDND đón nhận rất tích cực. Hiện Ngân hàng Hợp tác đã và đang hướng tới các sản phẩm thẻ tiện ích 2 trong 1, 3 trong 1 cho khách hàng như: nghiên cứu Thẻ thành viên tích hợp chức năng thẻ ghi nợ nội địa dành cho các QTDND...
Vậy vai trò giám sát, hỗ trợ các QTDND nâng cao năng lực cạnh tranh hội nhập đã được Ngân hàng Hợp tác triển khai như thế nào trong năm qua, thưa ông?
Đến nay, hệ thống QTDND gồm có 1.177 quỹ trải khắp 58 tỉnh/thành phố với gần 2 triệu thành viên chủ yếu ở khu vực nông thôn. Do quy mô còn nhỏ bé, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của nhiều quỹ còn có mặt hạn chế, lại hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn tiềm ẩn khá nhiều rủi ro, nên việc tăng cường khả năng hỗ trợ và giám sát của Ngân hàng Hợp tác đối với hệ thống QTDND cũng như tăng cường khả năng cung cấp các sản phẩm dịch vụ tài chính của hệ thống QTDND là một đòi hỏi bức thiết.
Bởi vậy, thời gian qua, bên cạnh việc huy động nguồn vốn trung dài hạn về cho các QTDND, chuyển giao các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại, Ngân hàng Hợp tác còn là cầu nối các dự án nâng cao năng lực cho QTDND.
Trong năm 2017 đáng kể nhất là dự án “Đẩy mạnh hệ thống QTDND - STEP”. Dự án với mục tiêu nâng cao năng lực của Ngân hàng Hợp tác và hệ thống QTDND theo mô hình hợp tác xã. Qua đó, hỗ trợ cho Ngân hàng Hợp tác và 75 QTDND ở 14 tỉnh, thành phố. Khi dự án kết thúc, các phương án, công cụ sẽ được chuyển giao cho Ngân hàng Hợp tác, từ đó Ngân hàng Hợp tác sẽ triển khai hỗ trợ cho toàn bộ hệ thống QTDND.
Ảnh minh họa
Nâng cao chất lượng tín dụng, giải bài toán nợ xấu để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế là sợi dây xuyên suốt trong chỉ đạo điều hành của NHNN đối với các TCTD. Vậy, Ngân hàng Hợp tác đã triển khai thực hiện chỉ đạo này như thế nào đặc biệt là sau Nghị quyết 42 của Quốc hội?
Ngay sau khi Thống đốc NHNN Việt Nam ban hành Chỉ thị số 06/CT-NHNN ngày 20/7/2017 thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD và Quyết định 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020”, Ngân hàng Hợp tác đã xây dựng kế hoạch xử lý nợ xấu giai đoạn 2017 - 2020 và triển khai đến toàn bộ các chi nhánh trên toàn quốc với các mục tiêu cụ thể về giảm nợ xấu so với tổng dư nợ cho từng năm. Đồng thời triển khai bằng nhiều biện pháp nhưng phải đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ và đặt trong kế hoạch tái cơ cấu hệ thống, chấp hành nghiêm túc các cơ chế, chính sách của Quốc hội, Chính phủ và NHNN.
Ngân hàng Hợp tác cũng đã quán triệt sẽ phát huy tối đa mọi nguồn lực và năng lực hiện tại của toàn hệ thống để xử lý nợ xấu, vừa bảo đảm hài hoà lợi ích của Ngân hàng và các bên liên quan; chia sẻ và tháo gỡ khó khăn cho khách hàng trong việc xử lý nợ xấu. Việc xử lý nợ xấu phải đảm bảo công khai, minh bạch, theo nguyên tắc thị trường và đúng quy định; tránh để xảy ra tiêu cực trong quá trình xử lý nợ xấu. Không chỉ hướng tới mục tiêu kiểm soát nợ xấu ở mức an toàn, các giải pháp xử lý nợ xấu phải gắn liền với phòng ngừa, hạn chế và kiểm soát có hiệu quả nợ xấu phát sinh trong tương lai.
Thưa ông, trong năm 2017, nhiều thông tư ra đời với những quy định mới bổ sung nhằm tạo điều kiện hoạt động cho Ngân hàng Hợp tác và hệ thống QTDND, vậy những vướng mắc mà Ngân hàng Hợp tác đã từng kiến nghị với các cơ quan chức năng trước đó đã được hóa giải như thế nào?
Đúng là những khó khăn cơ bản trong hoạt động chuyên môn của Ngân hàng Hợp tác trong thời gian qua đã được NHNN khơi thông bằng các chính sách mới. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, hiện Ngân hàng Hợp tác vẫn gặp phải một số khó khăn.
Chẳng hạn như các khoản cho vay của Ngân hàng Hợp tác đối với các QTDND có dấu hiệu mất an toàn. Mặc dù hiện có một số QTDND phục hồi trở lại bình thường đã hoàn trả nợ cho Ngân hàng Hợp tác, nhưng nhiều QTDND không có khả năng hồi phục dẫn đến không trả được nợ cho Ngân hàng Hợp tác. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có cơ chế xử lý các khoản vay của Ngân hàng Hợp tác đối với việc hỗ trợ các QTDND gặp khó khăn mà không thu hồi được nợ.
Một khó khăn nữa là vẫn còn một số QTDND không gửi báo cáo theo quy định, gây khó khăn cho Ngân hàng Hợp tác trong việc thực hiện nhiệm vụ đối với hệ thống phục vụ cho công tác giám sát, cảnh báo rủi ro… để giúp các QTDND thực hiện đúng quy định của NHNN.
Bên cạnh đó là Ngân hàng Hợp tác hoạt động vì mục tiêu hỗ trợ điều hòa vốn, chăm sóc, tư vấn cho hệ thống QTDND nên có những đặc thù riêng so với các NHTM khác. Nhưng hiện nay một số cơ chế, chính sách mới ban hành không có quy định đặc thù đối với Ngân hàng Hợp tác dẫn đến nhiều bất cập gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của Ngân hàng Hợp tác.
Vì vậy, đề nghị NHNN Việt Nam sớm ban hành Thông tư quy định về mạng lưới Ngân hàng Hợp tác và QTDND; Thông tư quy định về chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, thanh lý, phá sản đối với hệ thống TCTD là hợp tác xã và các văn bản pháp quy khác tạo hành lang pháp lý giúp tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ quá trình hoạt động, nhằm hướng dẫn, chấn chỉnh và uốn nắn các QTDND hoạt động đúng mô hình tổ chức hợp tác xã, đúng tôn chỉ mục đích, phát triển an toàn, hiệu quả và bền vững theo mục tiêu chung của hệ thống. Đối với các khoản Ngân hàng Hợp tác cho vay hỗ trợ chi trả tiền gửi đối với các QTDND gặp khó khăn không có khả năng thu hồi, đề nghị NHNN có cơ chế xử lý rủi ro phù hợp.
NHNN cũng cần xem xét thành lập lại đơn vị đầu mối chuyên trách trong bộ máy NHNN Việt Nam để trực tiếp quản lý hoạt động của loại hình TCTD là hợp tác xã (bao gồm Ngân hàng Hợp tác và các QTDND) nhằm tiếp tục củng cố, hoàn thiện và phát triển hệ thống TCTD này thực sự trở thành một bộ phận quan trọng trong hệ thống các TCTD Việt Nam.
Xin trân trọng cảm ơn ông!