Cuối năm, nhà băng sẽ kén khách hơn
Chỉ số tín dụng quốc gia và hành động của NHNN | |
Agribank dành 15.000 tỷ đồng ưu đãi DN có quan hệ tín dụng | |
Gõ đúng cửa vay vốn cuối năm |
Cuối tuần qua, ngồi cà phê cùng cán bộ tín dụng của một NHTMCP khu vực quận Cầu Giấy (Hà Nội) anh chia sẻ, quý cuối cùng của năm thì bao giờ cũng bận rộn, nhưng năm nay NH cũng phải kén chọn khách hàng lắm. “Chỉ đạo từ hội sở xuống là không thiếu vốn cho vay dịp cuối năm, nhưng phải “chọn mặt gửi vàng”, chứ không chạy theo thành tích được” – vị cán bộ này chia sẻ.
Thực ra tăng doanh số luôn là mong muốn cháy bỏng của cán bộ tín dụng và với bất cứ CEO nào cũng phải có giải pháp điều hành để đạt mục tiêu tăng trưởng của mỗi nhà băng đặt ra từ đầu năm. Vậy tại sao NH sẽ kén khách hơn trong những tháng cuối năm?
Ảnh minh họa |
Lãnh đạo một NHTM lớn cho rằng, năm nay, mặc dù hoạt động NH đã có những yếu tố được lường đón trước nhưng cũng có tác động bất ngờ từ tình hình kinh tế. Mặc dù tín dụng đã tăng trở lại, khởi sắc từ năm 2015 khi đạt mức 17,29% - cao nhất trong 5 năm qua - yếu tố này là cơ sở để các NH đưa ra các dự báo, kế hoạch tăng trưởng cho năm, tuy nhiên, bất ngờ là tăng trưởng kinh tế năm nay ở mức thấp, khi quý I tăng 5,46%, quý II tăng 5,57%. Con số GDP hai quý còn lại của năm có thể tăng hơn hai quý đầu nhưng khó có thể giúp đạt mục tiêu cả năm GDP là 6,7%.
Điều đó cũng cho thấy nền kinh tế chưa thực sự khởi sắc, sản xuất kinh doanh của DN chưa phục hồi thực sự, nên đương nhiên sẽ có tác động đến nhu cầu vốn. Có thể đã có những nhận định GDP thấp chủ yếu do tăng trưởng xuất khẩu thấp, nông nghiệp âm và giá dầu thế giới giảm… nhưng ít nhiều cũng tác động tới sức hấp thụ vốn của nền kinh tế.
Đến ngày 31/8, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 9,67% và cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch, tập trung vào sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên để hỗ trợ có hiệu quả hơn cho tăng trưởng kinh tế. Tín dụng cho bất động sản và các lĩnh vực rủi ro được kiểm soát nhưng không ảnh hưởng đến tín dụng cho các dự án nhà ở xã hội, dự án đáp ứng nhu cầu thực của người dân.
Theo ông Nghiêm Xuân Thành – Chủ tịch HĐQT Vietcombank, 8 tháng đầu năm, thanh khoản dồi dào, lãi suất liên NH thấp là do NHNN mua ngoại tệ, đưa VND ra thị trường trong khi số lượng các DN tốt hấp thụ vốn còn ít.
Những nhận định về tín dụng những tháng cuối năm theo chu kỳ, được dự báo là sẽ tăng mạnh hơn so với những tháng trước, nhưng theo các chuyên gia và lãnh đạo các NH thì sẽ không tăng đột biến như cùng kỳ của nhiều năm trước.
Về dự báo tín dụng, ông Lê Đức Thọ - Tổng giám đốc VietinBank cho rằng, cuối năm tăng trưởng hơn, vì GDP ép đúng mục tiêu. Trên thực tế, tín dụng năm nay một số NH đã đẩy mạnh mảng bán lẻ khi từ đầu năm đến nay, nhiều NHTM tập trung đẩy mạnh các hình thức cho vay tiêu dùng khiến cho một lượng lớn nguồn vốn tín dụng được phân tán nhỏ lẻ vào xã hội thông qua các hợp đồng vay tín chấp phục vụ mua sắm nhà cửa, xe cộ, điện máy… Tăng trưởng tín dụng tiêu dùng ở mức cao cho thấy sức mua của thị trường đã có sự chuyển biến, niềm tin của người dân cũng đã được củng cố bền vững hơn.
Cuối năm các DN sẽ cấp tập vay vốn chuẩn bị mùa kinh doanh dịp Tết. Nắm bắt nhu cầu này, nhiều NH ngay khi vừa bước vào quý IV đã đồng loạt tung ra các chương trình, sản phẩm ưu đãi nhằm thu hút khách hàng. Tuy nhiên NH có thể ưu đãi về lãi suất cho vay, hạn mức tín dụng… nhưng những ưu đãi này chỉ tập trung cho những khách hàng tốt.
Theo chia sẻ của vị cán bộ tín dụng trên và ông Nghiêm Xuân Thành thì các NH vẫn khá kén khách, chứ không phải đẩy mạnh cho vay mà thiếu sự kiểm soát về độ an toàn của tín dụng. Nhất là mới đây, thông điệp của NHNN đưa ra là năm nay cơ cấu tín dụng phải theo đúng định hướng, lĩnh vực cho vay bất động sản, vốn ngắn sử dụng cho vay dài hạn phải kiểm soát, đồng thời giảm cho vay các dự án BOT nhằm đảm bảo hạn chế rủi ro ở mức thấp nhất.