Cướp ngân hàng thời công nghệ
Công cụ cướp là… laptop và mã độc
Cướp ngân hàng từng nổi lên trong thập niên 90 thế kỷ trước. Riêng năm 1992, tại Thủ đô London (Anh) - trung tâm tài chính thế giới đã có 291 vụ. Tuy nhiên, theo thống kê của tờ Tấm gương, số lượng vụ cướp ngân hàng tại Anh giảm mạnh tới 90% giai đoạn từ 1992-2012. Cùng thời điểm, tại Mỹ, con số này cũng giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Phải chăng do an ninh đang tốt hơn?
Hai đối tượng bị Công an Hà Nội bắt giữ vì sử dụng thẻ tín dụng giả để chiếm đoạt tài sản
Tờ Người Bảo vệ lý giải: Nghề cướp ngân hàng giờ quá nguy hiểm. Mỗi góc phố đều có một camera công cộng, nhiều camera còn được giấu kín không dễ để phát hiện, nên nhất cử nhất động cảnh sát đều biết. Chưa kể, các thiết bị an ninh ngân hàng giờ tốt hơn nhiều và nếu bị bắt sẽ có thể ngồi tù 16 - 17 năm do dùng súng và bạo lực.
Theo thống kê, có tới 60% tên cướp ngân hàng bị tóm gọn trong vòng 18 tháng. Thế nên, việc cướp ngân hàng được chính dân trong giới liệt vào hàng “lạc hậu” và chỉ dành cho những kẻ nghiện ngập hoặc khốn cùng.
Tổng trưởng của Mỹ Loretta Lynch cho hay: “Thay vì dùng súng và mặt nạ, giờ những tên cướp dùng laptop và mã độc”. Vụ gần đây nhất phải kể đến là vụ thông tin cá nhân của 40 triệu tài khoản thanh toán tại chuỗi bán lẻ Target (Mỹ) bị đánh cắp. Ngoài ý đồ móc tiền, các tin tặc còn bán công khai các tài khoản trên “chợ đen” với giá chỉ 25 USD/tài khoản.
Còn tại Anh, riêng năm 2013, tội phạm công nghệ đã chiếm đoạt thẻ thanh toán và số tiền thiệt hại lên tới 450 triệu bảng, tăng 16% so với năm 2012.
Tội phạm mạng có thể được thực hiện bằng rất nhiều cách, từ cách đơn giản nhất là gửi thư rác chứa virus để tấn công nhằm mục đích làm sập một mạng lưới. Theo Hiệp hội Tín dụng liên minh Quốc gia (CUNA), chi phí cho mỗi thẻ bị tấn công vào khoảng 5,1 USD, nhân lên với hàng trăm triệu khách hàng được cho là đã bị đánh cắp thông tin thì sẽ ra con số thiệt hại khổng lồ.
Trong khi đó, báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược tại Washington cho hay: Các vụ tấn công mạng gây thiệt hại cho thế giới khoảng 300 tỷ USD mỗi năm. Chính nhờ công nghệ, những tên cướp ngân hàng thời hiện đại còn làm được những việc mà các tên cướp truyền thống không dám nghĩ tới.
Rủi ro cao với Việt Nam
Việt Nam có thể là điểm đến của những tên cướp ngân hàng công nghệ. Nhiều chuyên gia an ninh trong và ngoài nước có chung nhận định đó khi đánh giá về hệ thống bảo mật của Việt Nam. Những vụ việc các nhóm tội phạm công nghệ cao xuyên quốc gia nhằm vào Việt Nam để dùng thủ đoạn cướp tiền của ngân hàng cũng ngày một gia tăng và chuyên nghiệp hơn trước.
Đặc biệt nghiêm trọng khi các thủ đoạn này được bọn tội phạm “địa phương hóa”, sử dụng những phương thức lừa đảo đánh vào thói quen, “lỗ hổng” trong tâm lý của người bị hại.
Đơn cử như nhiều chủ thuê bao điện thoại nhận được những cuộc gọi buộc họ phải chuyển tiền vào tài khoản nào đó nếu không sẽ bị cơ quan công an bắt, phong tỏa tài khoản và mang tội chống người thi hành công vụ. Một số người dân đã cảnh giác và gọi về tổng đài 1080 để kiểm tra số gọi đến có đúng là của cơ quan công an không.
Số điện thoại hiện lên là đúng, nhưng vì chúng sử dụng thiết bị, kỹ thuật lập một tổng đài giả ở nước ngoài, sử dụng nhiều phương thức đường truyền khác nhau để thực hiện cuộc gọi uy hiếp như trên. Với các vụ việc này, ngân hàng cũng đã rất tích cực phối hợp với các cơ quan cảnh sát điều tra để giúp người bị hại, nhưng do đối tượng dùng giấy tờ giả để mở tài khoản cá nhân nên rất khó để lần ra đầu mối.
Mới đây, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao - Công an TP. Hà Nội (PC50) vừa bắt giữ một đối tượng người Trung Quốc và đồng phạm là người Việt Nam chuyên sử dụng thẻ tín dụng giả để rút tiền của nhiều ngân hàng với số tiền lên tới hàng tỷ đồng. Đối tượng Đinh Văn Chính (SN 1985, trú tại huyện Phú Xuyên, Hà Nội) là Giám đốc Công ty TNHH Ninh Cát đã câu kết với Zeng Xiao Tian (Tăng Hiếu Thiên) sử dụng thẻ tín dụng giả để chiếm đoạt tài sản trên địa bàn TP. Hà Nội.
Năm 2013, đối tượng Đinh Văn Chính thành lập Công ty TNHH Ninh Cát tại địa chỉ phòng 2603 tòa nhà Licogi 13 (Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội). Chính tạo vỏ bọc cho Zeng Xiao Tian làm Giám đốc điều hành Công ty TNHH Ninh Cát để Zeng làm thẻ tạm trú tại Việt Nam.
Ngoài ra, Đinh Văn Chính tiếp tục thành lập 4 công ty TNHH và thuê các đối tượng thanh niên, sinh viên đứng ra làm giám đốc, làm chủ tài khoản. Sau đó, chúng đã trực tiếp sử dụng các thẻ tín dụng giả liên tục quẹt tiền từ các máy POS mà các ngân hàng cấp cho các công ty “ma” này. Đồng thời, các đối tượng liên tục thành lập công ty mới để đủ điều kiện lấy máy POS của các ngân hàng.
Bọn chúng đã giao dịch thành công 333 lần với tổng số tiền chiếm đoạt là gần 1,2 tỷ đồng. Tất cả thẻ tín dụng mà Hiếu Thiên sử dụng để giao dịch đều lấy cắp thông tin từ thẻ do nước ngoài phát hành. Cũng theo PC50 Công an TP. Hà Nội, liên tục trong vài tuần nay, lực lượng này phát hiện nhiều vụ án và bắt giữ nhiều đối tượng người Trung Quốc về hành vi làm giả thẻ tín dụng để chiếm đoạt tiền.
Trước đó, ngày 13/6 PC50 đã bắt giữ được Feng Hai Qiang (25 tuổi) sử dụng 14 thẻ tín dụng giả rút tiền tại cây ATM của các ngân hàng Việt Nam, chiếm đoạt 6,5 triệu đồng. Ngày 23/6, Wang Hai Cheng (Vương Hải Thành, 28 tuổi) đang sử dụng 11 thẻ thanh toán điện tử Visa Master giả để mua điện thoại iPhone 5S tại một cửa hàng kinh doanh điện thoại trên phố Hàng Bài thì bị bắt giữ...
Vũ Lân