Công khai, minh bạch thông tin đất đai tại địa phương vẫn còn nhiều khoảng trống
Phát biểu tại Tọa đàm, bà Ramla Khalidi, Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam chia sẻ: “Việc công khai minh bạch thông tin đất đai là rất quan trọng trong việc giảm thiểu rủi ro về khiếu nại và xung đột liên quan đến đất đai. Chúng tôi tin tưởng rằng đánh giá thường niên này sẽ cung cấp cho lãnh đạo chính quyền địa phương một công cụ để theo dõi việc thực thi luật pháp liên quan đến công khai thông tin đất đai cho công chúng của mình. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Luật Đất đai 2024 sẽ có hiệu lực từ tháng 1 năm sau.”
Bà Ramla Khalidi, Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam phát biểu |
Nghiên cứu năm 2023 chỉ ra việc công khai thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và bảng giá đất trên cổng thông tin điện tử của chính quyền cấp tỉnh và cấp huyện có cải thiện đáng kể sau ba vòng đánh giá. Tính đến ngày 6/10/2023, 73% tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã đăng tải công khai bảng giá đất cấp tỉnh, giai đoạn 2020-2024 trên cổng thông tin điện tử của địa phương, tăng 8,1% so với kết quả rà soát năm 2022 và tăng 31,1% so với kết quả rà soát năm 2021.
"Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là bảng giá đất cấp tỉnh giai đoạn 2020-2024 đã được áp dụng gần bốn năm và theo quy định sẽ được áp dụng đến hết ngày 31/12/2024. Trong khi đó, tỷ lệ công khai trên cổng TTĐT của UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước tính đến ngày 06/10/2023 chỉ đạt 73%. Điều này cho thấy, việc thực hiện công khai bảng giá đất trên cổng TTĐT vẫn chưa đảm bảo tính kịp thời theo quy định của pháp luật về đất đai", nghiên cứu chỉ ra.
Về việc công khai thông tin quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, tính đến hết ngày 06/10/2023, trong tổng số 705 UBND cấp huyện trên toàn quốc, 65,4% đã công khai quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021-2030, tăng 16,5% so với năm 2022. Về tính đầy đủ, trong số các UBND cấp huyện đã công khai thông tin, 54,2% đã đăng tải đầy đủ 03 văn bản bao gồm quyết định phê duyệt, báo cáo thuyết minh tổng hợp và bản đồ quy hoạch sử dụng đất.
Về việc công khai kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện, tính đến ngày 6/10/2023, trong số 705 UBND cấp huyện có 65,2% đã thực hiện công khai kế hoạch sử dụng đất cấp huyện năm 2023 trên cổng thông tin điện tử của mình, tăng 17,3% so với năm 2021 và tăng 10% so với năm 2022. Tuy nhiên, trong số này chỉ có 22,8% ban hành kế hoạch sử dụng đất đúng thời hạn và chỉ có 7% đăng tải thông tin đúng thời hạn. Các tỉnh Đồng Nai, Kon Tum, Bình Thuận, Hà Nam, Bắc Ninh và Bắc Giang có 100% UBND cấp huyện đã đăng tải công khai hồ sơ này trên trang thông tin điện tử (TTĐT) của mình. Nhưng, cả 5 thành phố trực thuộc Trung ương đều có tỷ lệ UBND cấp huyện đăng tải thấp. Đặc biệt Nhóm nghiên cứu không tìm thấy loại hồ sơ này trên tất cả trang TTĐT của UBND các quận, huyện trên địa bàn Thành phố Đà Nẵng.
Tỉ lệ cơ quan nhà nước cấp huyện không phản hồi yêu cầu cung cấp thông tin của công dân vẫn ở mức cao. Tính đến cuối năm 2023, 23,7% số cơ quan nhận được yêu cầu đã cung cấp thông tin, 1,1% từ chối, 5,3% có phản hồi khác nhưng không cung cấp thông tin và 67,9% không phản hồi. Kết quả này cho thấy tỷ lệ các cơ quan nhà nước không phản hồi yêu cầu cung cấp thông tin kế hoạch sử dụng đất cấp huyện của người dân vẫn ở mức cao. Đặc biệt cần lưu ý, có 11 trong số 561 thư yêu cầu đã được bưu cục trả lại cho người gửi với lý do nhân viên bảo vệ của 11 UBND cấp huyện từ chối nhận thư vì không có tên người nhận. Trong khi đó, các nghiên cứu viên đều đề tên người nhận là Văn phòng HĐND-UBND huyện căn cứ theo Điểm g, Khoản 2 Điều 9 Luật Tiếp cận thông tin.
Để thúc đẩy việc công khai thông tin đất đai của các cơ quan nhà nước, Nhóm nghiên cứu khuyến nghị cần xây dựng và hoàn thiện quy định pháp luật và chính sách. Bổ sung thủ tục cung cấp thông tin theo yêu cầu của người dân vào bộ thủ tục hành chính hiện hành của tất cả các ngành và lĩnh vực (trong đó có lĩnh vực đất đai) và có văn bản hướng dẫn cụ thể. Đồng thời xây dựng cơ chế đánh giá việc công khai thông tin và chế tài xử lý vi phạm trong trường hợp UBND các cấp có thẩm quyền không thực hiện đúng và đầy đủ trách nhiệm công khai thông tin, trong đó có thông tin đất đai; Xây dựng hướng dẫn cụ thể để tránh lạm dụng Điều 13 Thông tư 34/2014/TT-BTNMT nhằm từ chối cung cấp thông tin. Điều 13 Thông tư này quy định những trường hợp không cung cấp dữ liệu, trong đó có trường hợp “mục đích sử dụng dữ liệu không phù hợp theo quy định của pháp luật”.
Nhóm nghiên cứu cũng đề xuất quy định cơ quan nhà nước bắt buộc phải cung cấp theo yêu cầu của công dân đối với những thông tin mà mình có trách nhiệm công khai; Có quy định xây dựng giao diện, chuyên mục và cách thức công khai thông tin trên cổng TTĐT của các cơ quan nhà nước một cách thống nhất, đồng bộ trên toàn quốc. Các địa phương cần xây dựng Chuyên mục Tiếp cận thông tin và hệ thống hóa các thông tin công khai trong chuyên mục này theo quy định tại Điều 19 Luật TCTT để người dân có thể sử dụng từ mọi nơi, mọi lúc; xây dựng và công khai quy chế tiếp cận thông tin, bố trí và công khai thông tin đầu mối cung cấp thông tin….
Thay mặt Nhóm nghiên cứu, ông Lê Đặng Trung, Giám đốc RTA chia sẻ: “Việc công khai thông tin đất đai được cải thiện qua ba vòng đánh giá cho thấy sự tăng cường trong trách nhiệm giải trình với người dân của chính quyền địa phương. Chúng tôi mong rằng Chính phủ sẽ sớm bổ sung thủ tục cung cấp thông tin theo yêu cầu của người dân vào bộ thủ tục hành chính hiện hành của tất cả các ngành và lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực đất đai, và có văn bản hướng dẫn cụ thể để cải thiện hơn nữa việc công khai thông tin”.