Đã đến lúc đánh thức tiềm năng của Tây Nguyên
Quang cảnh hội nghị |
Tiềm năng sẵn có…
Tây Nguyên được đánh giá là địa bàn chiến lược, đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái của Việt Nam. Đồng thời là vùng trọng điểm phát triển của nhiều cây công nghiệp chủ lực như cà phê, hồ tiêu, cao su... và vùng sản xuất rau, hoa quả công nghệ cao phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu; có tiềm năng lớn về phát triển nông, lâm nghiệp, thủy điện, thủy lợi, khai thác chế biến khoáng sản và phát triển năng lượng tái tạo.
Theo ông Điêu K’Re, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nguyên, với những lợi thế về vị trí địa kinh tế, nằm trong vùng “Tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia”; cộng thêm tài nguyên thiên nhiên phong phú, nhất là về đất đai, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên rừng, nguồn nước, năng lượng gió, năng lượng mặt trời... Tây Nguyên có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển nhanh và bền vững, cùng như mở rộng liên kết kinh tế với các vùng khác trong cả nước; tăng cường, mở rộng giao lưu, hợp tác kinh tế với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Những năm qua, với sự nỗ lực của chính quyền các địa phường, cùng với sự quan tâm của Nhà nước, tình hình kinh tế - xã hội của Tây Nguyên có sự phát triển đáng kể. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức tăng trưởng chung của cả nước (giai đoạn 2011-2015 đạt mức bình quân 7,19%/năm, năm 2016 đạt mức 7,47%). Sản xuất nông nghiệp từng bước được chuyển đổi từ chiều rộng sang chiều sâu, với nhiều mô hình trồng trọt và chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến và tiêu thụ, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm công nghiệp chủ lực tăng trưởng khá; xuất khẩu từng bước phục hồi và có nhiều khởi sắc... Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt.
Trong thành quả đó, có sự đóng góp vô cùng quan trọng của ngành Ngân hàng. Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, từ năm 2011 đến nay, NHNN đã cho phép thành lập mới 30 chi nhánh TCTD, 8 phòng giao dịch và 7 QTDND trên địa bàn, qua đó đáp ứng kịp thời nguồn vốn, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng đối với DN và người dân. Hiện tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn khoảng 120,6 ngàn tỷ đồng, trong khi đó dư nợ tín dụng gần gấp đôi, trên 222 ngàn tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng 49,3%; dư nợ cho vay DNNVV chiếm tỷ trọng 12,3%.
Thống đốc khẳng định, dư nợ tín dụng luôn tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của cả nước. Cơ cấu tín dụng chuyển dịch tích cực theo hướng tập trung vào các lĩnh vực có nhiều tiềm năng, lợi thế của vùng. Đặc biệt, hệ thống TCTD còn chủ động bố trí vốn triển khai các chương trình tín dụng đặc thù, ưu đãi như: chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; chính sách cho vay tái canh cây cà phê; chương trình cho vay khuyến khích mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; các chương trình tín dụng chính sách đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách; chương trình kết nối ngân hàng - DN; chính sách cho vay hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp; chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị thiệt hại do hạn hán, lũ lụt kéo dài...
Đơn cử như như cho vay phát triển cây cà phê, hiện dư nợ cho vay ngành cà phê tại khu vực Tây Nguyên hiện nay trên 45.000 tỷ đồng, chiếm 92,4% dư nợ cho vay ngành cà phê toàn quốc. Trong đó Agribank đã cam kết cho vay tái canh cà phê hơn 1 ngàn tỷ đồng cho 5.716 khách hàng với diện tích tái canh hơn 10.000 ha...
Để cụ thể hóa một phần quyết tâm và tinh thần trách nhiệm đồng hành cùng Tây Nguyên của ngành Ngân hàng, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên lần thứ 4 - 2017, các TCTD cam kết tài trợ hơn 29 ngàn tỷ đồng, đối với 36 dự án phát triển kinh tế, xã hội của vùng, bao gồm các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, thủy điện, cung cấp nước sạch... |
...Cần một cú hích để đánh thức
Tuy nhiên, những gì đạt được vẫn còn khiêm tốn. Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm Trưởng ban chỉ đạo Tây Nguyên cho biết, Tây Nguyên vẫn là vùng khó khăn, kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của vùng và còn thấp so với một số vùng của cả nước; chưa được đánh thức để trở thành thế mạnh trong thu hút đầu tư cho sự phát triển của Tây Nguyên.
Cần phát triển công nghiệp chế biến để nâng cao giá trị gia tăng cho hàng nông sản |
Hiện quy mô, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của kinh tế các địa phương tại khu vực này còn bộ lộ nhiều hạn chế. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm, thiếu nguồn lực, chưa có sự liên kết trong vùng và với các vùng lân cận chặt chẽ, hiệu quả. Môi trường đầu tư, kinh doanh chậm được cải thiện; thu hút đầu tư, đặc biệt đầu tư nước ngoài còn rất hạn chế về số lượng, quy mô dự án và công nghệ; chưa có nhiều DN lớn trong nước và nước ngoài đầu tư vào Tây Nguyên.
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cũng cho rằng, vấn đề quy hoạch, chiến lược phát huy thế mạnh của vùng còn thiếu tính ổn định, chưa bền vững. Mặc dù là địa phương có thế mạnh về nông nghiệp, song quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp của vùng còn nhiều bất cập; tính liên kết giữa nông nghiệp với công nghiệp, giữa DN và người sản xuất; giữa các địa phương trong vùng với các vùng kinh tế khác còn yếu, chưa tạo được chuỗi liên kết giá trị trong sản xuất nông nghiệp... Tất cả những điều đó đã làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân các chương trình tín dụng nông nghiệp, nông thôn; đặc biệt là chương trình cho vay theo chuỗi, cho vay ứng dụng công nghệ cao...
Không chỉ nông nghiệp, sản xuất công nghiệp tại khu vực cũng chậm phát triển, quy mô DN nhỏ, mức độ phục hồi và vượt qua khó khăn chậm nên khả năng cạnh tranh thấp, hiệu quả sản xuất kinh doanh kém, năng lực tài chính hạn chế, làm ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng hoặc không có nhu cầu vay vốn mở rộng sản xuất kinh doanh.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Tây Nguyên có đến gần 2 triệu ha đất bazan màu mỡ, tương đương 60% đất bazan cả nước, rất phù hợp với cây công nghiệp quan trọng như cà phê, cacao, hồ tiêu, trà, mắc ca… Hiện diện tích cà phê tại Tây Nguyên chiếm tới 80% diện tích cà phê cả nước. Thế nhưng có một thực tế đáng buồn là xuất khẩu các mặt hàng này vẫn chủ yếu là xuất thô, giá trị gia tăng thấp và chưa có khả năng dẫn dắt giá thế giới.
Thủ tướng dẫn chứng, Việt Nam xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới nhưng kim ngạch chưa đạt 1,5 tỷ USD. Một trong những nguyên nhân là hiện Việt Nam vẫn chủ yếu sản xuất và xuất khẩu hạt tiêu đen. Trong khi hạt tiêu trắng và đặc biệt là hạt tiêu đỏ có hiệu quả gấp 4 lần hạt tiêu đen, nhưng chưa sản xuất được bao nhiêu. Hay như Việt Nam cũng là quốc giá sản xuất cah phế lớn thức hai thế giới, nhưng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này chỉ đạt khoảng 3,5 tỷ USD, do chủ yếu là xuất khẩu các sản phẩm thô, hoặc sơ chế…
"Có thể nói, đến nay, Tây Nguyên của chúng ta vẫn như một cô gái đẹp, không những ngủ quên mà còn chưa chuyển mình kịp với đất nước và thời đại”, Thủ tướng đánh giá và cũng từ thực tế nay, người đứng đầu Chính phủ gợi mở một số giải pháp để thúc đẩy Tây Nguyên phát triển.
Theo đó, về du lịch, Tây Nguyên là một kho tàng văn hóa phi vật thể cùng với điều kiện tự nhiên, Chính phủ quyết tâm cùng với Tây Nguyên đưa sử thi Tây Nguyên trở thành di sản văn hóa phi vật thể của thế giới.
Về nông nghiệp Tây Nguyên theo mô hình sản xuất hàng hóa như phải hình thành những vùng chuyên canh lớn và phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, tập trung quy mô lớn, giá trị hàng hóa lớn, đặc biệt phải đi vào chế biến sâu, mở rộng chuỗi giá trị sản phẩm.
Về công nghiệp, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, bài toán công nghiệp cho Tây Nguyên chính là công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nâng cao hàm lượng chế biến, mở rộng chuỗi giá trị sản phẩm cây công nghiệp.
Về hạ tầng, Thủ tướng cho rằng, cần tránh tư tưởng làm manh mún. Cần tập trung nguồn lực, “góp gạo thổi cơm chung” để có công trình hạ tầng then chốt ở Tây Nguyên. Phải xã hội hóa mạnh mẽ việc phát triển hạ tầng, kể cả hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội...
Về tín dụng ngân hàng, Thủ tướng đề nghị nâng mức cho vay và khuyến khích vay tín chấp, nhất là với hộ nông dân, đồng bào dân tộc; có nhiều hình thức hỗ trợ như cấp bù lãi suất...