Đại biểu Quốc hội: Bộ máy Nhà nước cồng kềnh, nhiều tầng lớp
Cải cách thể chế: Bộ máy Nhà nước phải thay đổi |
Theo đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam), hiện bộ máy Nhà nước còn rất cồng kềnh, nhiều tầng lớp; phương thức làm việc hệ thống, các cơ quan hành chính chưa mang lại hiệu quả cao, chính vì vậy, việc cải cách hành chính nói chung và cải cách hành chính Nhà nước nói riêng cần phải đẩy mạnh.
“Cán bộ công chức hiện nay chưa đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ hành chính đặt ra. Hiện có hơn 2 triệu cán bộ công chức, viên chức đang làm việc, tính tổng số cả đối tượng nghỉ hưu là khoảng gần 8 triệu người hưởng lương, hàng năm ngân sách phải bỏ ra khoảng 20%, chi thường xuyên dành cho quỹ lương với đội ngũ cán bộ công chức lớn nhưng hiệu lực, hiệu quả thực hiện công việc chưa cao, đánh giá hiệu quả công việc chưa sát thực tiễn, còn nể nang”, đại biểu Phùng Đức Tiến chia sẻ.
Đại biểu Trần Văn Lâm: Bộ máy vẫn cồng kềnh, phức tạp không đảm bảo thực thi nhiệm vụ |
Đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cũng chia sẻ, báo cáo giám sát khẳng định các cấp chính quyền địa phương đã cơ bản kiện toàn theo đúng quy định hướng dẫn của trung ương nhưng kết quả thì bộ máy vẫn cồng kềnh, phức tạp không đảm bảo thực thi nhiệm vụ, thậm chí có những nơi còn gây phiền hà, nhũng nhiễu, với dân. Điều này, rõ ràng có phần trách nhiệm thuộc về các quy định hướng dẫn từ cấp trên chưa bảo đảm phù hợp với thực tiễn, sự cứng nhắc trong các quy định đã triệt tiêu sự sáng tạo của cấp dưới trong việc tổ chức, bộ máy phù hợp với đặc điểm, tình hình, điều kiện ở mỗi địa phương ở cả về lịch sử, văn hóa, dân cư, kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương rất khác nhau.
Cũng nêu ra những thực trạng về bộ máy hành chính hiện nay còn bất cập, đại biểu Lê Anh Tuấn (Hà Tĩnh) đề nghị, cần sớm tiến hành rà soát lại việc thành lập các đơn vị đại diện cho một số bộ, cơ quan ngang bộ của Việt Nam ở nước ngoài. Nếu các đơn vị này cơ cấu tổ chức thuộc Bộ thì cần tuân thủ theo đúng quy định của Luật Tổ chức Chính phủ và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Đồng thời, cần nghiên cứu để có giải pháp pháp lý giải quyết dứt điểm tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo trong các văn bản luật hiện hành để tạo sự thống nhất trong quản lý Nhà nước.
“Chính phủ cần định kỳ đánh giá kết quả thực hiện phân cấp địa phương trong các lĩnh vực quản lý ngân sách Nhà nước, quản lý đầu tư, quản lý công vụ, cán bộ, công chức viên chức, quản lý đất đai và các giải pháp, biện pháp của Chính phủ” – ông Tuấn đề nghị.
Đưa ra nhận định hàng năm biên chế vẫn tăng cao, trong khi hiệu quả rất thấp, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng, nguyên nhân là hệ thống văn bản còn nhiều kẽ hở, còn lợi dụng, một số Luật, văn bản ban hành còn phát sinh thêm biên chế. Khâu tổ chức từ bộ ngành tới các tỉnh, thành phố còn chưa nghiêm túc, ví dụ như các chức danh hàm vụ trưởng, vụ phó hiện nay khá nhiều.
“Chúng ta đang ở tình trạng trung ương làm được thì tỉnh làm được và các xã phường, huyện làm được khiến cho biên chế tăng, cấp phó tăng lên và có phòng ban không có nhân viên mà toàn lãnh đạo” – Đại biểu Phương nêu.
Nhiều đại biểu cho rằng, cần tinh giản bộ máy hành chính theo hướng chỉ đạo trực tiếp, ít qua các tầng cấp, qua đó xử lý công việc sẽ nhanh hơn. Trong đó, đại biểu Lưu Thành Công (Vĩnh Long) đề nghị Chính phủ phân định rõ, phần việc nào của Trung ương, phần việc nào của địa phương, giao thẳng cho địa phương quyết định trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật. Chính phủ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và kiên quyết xử lý những nơi nào thực hiện sai các quy định của pháp luật. Có như thế mới phát huy được tính chủ động, sáng tạo của các địa phương, tránh tình trạng trông chờ như hiện nay.
Hệ thống các văn bản pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước tiếp tục được đổi mới và hoàn thiện, thể chế hóa nhiều chủ trương, chính sách lớn của Đảng; nội dung bao quát, phạm vi điều chỉnh rộng, chất lượng được nâng lên (với tổng số 266 văn bản của Trung ương mà Đoàn đã giám sát, gồm 2 bản Hiến pháp, 6 luật, 176 nghị định, 55 thông tư và 27 nghị quyết, quyết định), góp phần tích cực thúc đẩy quá trình cải cách hành chính, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội và từng bước đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, hệ thống văn bản vẫn chưa thật đồng bộ, còn phức tạp, nhiều quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu thống nhất. Một số chủ trương, chính sách của Đảng và quy định của Hiến pháp năm 2013 chưa được thể chế hóa đầy đủ, cụ thể và kịp thời; một số văn bản chất lượng chưa cao, tính ổn định thấp, nhiều văn bản pháp luật không thuộc lĩnh vực tổ chức bộ máy nhưng vẫn quy định làm tăng tổ chức bộ máy và biên chế, gây khó khăn cho việc thực hiện. (Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định báo cáo tóm tắt kết quả giám sát) |