Cải cách thể chế: Bộ máy Nhà nước phải thay đổi
Thể chế này doanh nghiệp làm sao lớn nổi | |
Thể chế và con người: Nhân tố quyết định cho sự phát triển của đất nước | |
Cải cách thể chế: Không thể chần chừ thêm nữa |
“Thể chế không chỉ bao gồm các quy định chính thức mà còn có những quy định phi chính thức. Và cái gây phiền hà nhất, làm tăng chi phí cho DN chính là những thể chế, quy định bất thành văn, phi chính thức”, ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vẽ nên một hiện trạng của môi trường kinh doanh đang kìm hãm sự phát triển của DN.
Nhưng đáng chú ý hơn, những kiểu phiền hà đó dường như đã thành “thông lệ” đến mức từ bị động đang chuyển thành chủ động, tự động...
Một hội thảo về vai trò của DN trong cải cách thể chế |
Dẫn một khảo sát do Ngân hàng Thế giới (WB) phối hợp với Thanh tra Chính phủ thực hiện, chuyên gia cao cấp Trần Thị Lan Hương chia sẻ với quan điểm trên. Theo đó, 75% các DN được hỏi cho biết họ đã tặng quà cho các cơ quan công quyền một cách chủ động chứ không phải vì cán bộ các cơ quan công quyền đòi hỏi. Bà Hương nêu vấn đề: Liệu các DN có thể vừa đóng vai trò thay đổi cuộc chơi hiện nay, những cũng vừa là tác nhân khiến cuộc chơi này tiếp diễn?
Bà Phạm Chi Lan, Chuyên gia kinh tế cao cấp phân tích: “Sở dĩ các DN phải chủ động làm việc đó vì họ đang ở thế bị động, tức là không đưa không được”. Theo bà, lý do là vì nếu không bôi trơn thì công việc không “chạy”. DN biết thế nên cứ theo phương châm “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”, trước khi bắt tay vào công việc thì cứ “chạy” trước đã.
TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng bày tỏ đồng tình: “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài. Thể chế nào đẻ ra DN đó. Doanh nhân phải thay đổi, thích nghi với thể chế”.
Trích số liệu của WB, bà Lan cho biết, tham nhũng, bôi trơn chiếm một nửa lợi nhuận của DN và là chi phí không chính thức. Nên ngay cả tỷ lệ 75% ấy, bà cũng không tin là phản ánh thực tế. “Chẳng DN nào muốn điều đó cả, nhưng do áp lực buộc phải bôi trơn nên họ mới làm như vậy. Thế nên muốn DN thay đổi thì trước hết bộ máy nhà nước phải thay đổi”, bà Lan nhìn nhận.
Bởi thế, yêu cầu phải đổi mới thể chế để tạo thuận lợi cho khu vực DN tư nhân phát triển được coi là một trong những động lực chính để đạt được các mục tiêu của “Khát vọng Việt Nam 2035”.
Theo bà Victoria Kwakwa, Phó Giám đốc WB phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, sự phát triển của khu vực tư nhân đòi hỏi Chính phủ phải phát huy vai trò của mình, tạo điều kiện cho họ dẫn dắt nền kinh tế; phân định rõ giới hạn Nhà nước và thị trường; đặc biệt là nâng cao trách nhiệm minh bạch và giải trình của Nhà nước.
Các chuyên gia cũng cho rằng, hoạt động đổi mới, cải cách ấy phải thể hiện ở hành động và đi vào thực chất. Bởi chủ trương, các nghị quyết về vấn đề này đã rất đầy đủ. “Chìa khóa cho phát triển những năm tới là khu vực tư nhân, và mấu chốt chính là hành động”, TS. Lộc tin tưởng.
Còn theo ông Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, một nhà nước pháp quyền đòi hỏi Nhà nước không được tùy tiện. “Nếu quy định của chúng ta như thế nhưng không gian, dư địa để cho tùy tiện còn nhiều thì những tiêu cực sẽ tiếp tục xảy ra”, ông Liên khuyến nghị.
Đương nhiên, để đạt được các thay đổi đó thì vai trò của DN cũng phải được phát huy. Theo TS. Lộc, quá trình đổi mới thể chế thời gian tới, bên cạnh những nỗ lực từ phía Nhà nước và các cơ quan công quyền thì vai trò giám sát, phản hồi chính sách và tác động trở lại của người dân và cộng đồng DN cũng rất quan trọng.
Bởi DN và doanh nhân không chỉ là kết quả của thể chế mà còn là động lực để cải thiện, thay đổi thể chế và cần nhìn nhận đây là một mối quan hệ tác động hai chiều.
Điều này cũng có nghĩa, bên cạnh việc nhìn nhận theo hướng kết quả - thể chế sẽ tạo ra hành xử tương ứng của cộng đồng DN - thì cũng cần nhấn mạnh đến vai trò động lực và tính chủ động của DN trong đóng góp vào thay đổi, cải thiện thể chế.
Sở dĩ phải nhấn mạnh tới điều này vì nếu các DN không mạnh dạn đưa ra những tiếng nói “đấu tranh” của mình trong nỗ lực tạo dựng một môi trường kinh doanh và thể chế minh bạch hơn thì cũng rất khó để đảm bảo sự cải thiện của thể chế sẽ tiến được tới đâu trong những năm tới.
Theo bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký VCCI, ngay cả khi chúng ta quyết tâm đổi mới thể chế và cải cách nhanh, quyết liệt thì cũng phải mất 20 năm nữa Việt Nam mới đuổi kịp kinh tế Hàn Quốc vào năm 2000. Còn nếu không, một nguy cơ rất lớn là Việt Nam sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình như nhiều nền kinh tế khác đã mắc phải. |