Để tài khóa bền vững mà không ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế
“Trong những năm qua chính sách tài khóa đã đối phó hiệu quả với biến động chu kỳ bao gồm việc tăng chi tiêu công nhằm hạn chế tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã giúp nền kinh tế không bị suy giảm mạnh. Nhưng những chính sách này cũng dẫn đến bội chi cao, làm tăng nợ công, tăng gánh nặng trả nợ cho ngân sách… Cần có các giải pháp để tạo dư địa tài khóa, vừa đáp ứng các nhu cầu chi nhưng vẫn đảm bảo bền vững tài khóa…” - Đó là thông điệp của Báo cáo Đánh giá chi tiêu công Việt Nam vừa được Ngân hàng Thế giới và Bộ Tài chính công bố sáng ngày 3/10/2017.
Tóm lược báo cáo, ông Nguyễn Minh Tân - Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách (Bộ Tài chính) cho biết, nhu cầu chi tiêu vẫn tăng cao để mở rộng độ phủ và cải thiện chất lượng của các dịch vụ công, đảm bảo an sinh xã hội khi dân số già đi, trong khi vẫn đảm bảo đầu tư cao cho cả cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực phục vụ tăng trưởng. Trong khi đó tiến trình hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới dẫn đến nguồn thu từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm, đồng thời cũng làm cho nền kinh tế dễ bị tổn thương trước các cú sốc bên ngoài.
Đặc biệt, các khoản thu về tài nguyên, đất đai sau nhiều năm tăng ở mức cao đã giảm xuống cùng với việc thực hiện nhiều chính sách ưu đãi thuế nhằm đối phó tác động của các cú sốc dẫn đến tăng thu có xu hướng chậm lại trong những năm gần đây. Hệ quả là dư địa tài khóa bị thu hẹp.
Bên cạnh đó, tốc độ mở cửa và phân cấp nhanh chóng khiến cho việc quản lý kinh tế trở nên phức tạp hơn. Trong giai đoạn đánh giá, các địa phương quản lý khoảng 55% tổng chi tiêu của Nhà nước, trong đó đầu tư công chiếm 70%, giáo dục 85% và y tế gần 80%.
“Tuy nhiên, tính hiệu quả, minh bạch và trách nhiệm giải trình chưa tương xứng, nguồn lực công bị dàn trải, quản lý phân tán và thông tin không đầy đủ làm hạn chế khả năng đánh giá hiệu quả huy động, sử dụng nguồn lực tài chính công và tác động của chính sách tài khóa và tiền tệ trong trung và dài hạn”, bà Vũ Hoàng Quyên (WB) cho biết.
Trong bối cảnh này, việc khuyến khích khu vực tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ công là một hướng đi đúng, vừa giảm sức ép cho ngân sách nhà nước (NSNN), vừa tạo cạnh tranh để tạo ra hệ thống dịch vụ tốt hơn song cũng ẩn chứa các rủi ro về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đặc biệt là với các đối tượng dễ bị tổn thương.
Đặc biệt, Chính phủ cần xây dựng một lộ trình củng cố tình hình tài khóa nhằm đảm bảo bền vững tài khóa nhưng ít ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế, thông qua duy trì mức độ đầu tư hợp lý, nâng cao hiệu suất chi tiêu, sử dụng có hiệu quả các tài sản hiện có, quản lý nợ công và giám sát rủi ro tài khóa một cách chủ động hơn.
Báo cáo đã giải đáp ba câu hỏi lớn: Làm thế nào để tạo dư địa tài khóa đáp ứng các nhiệm vụ chi tiêu chính đồng thời đảm bảo bền vững tài khóa? Làm thế nào để chi tiêu công ở các cấp trung ương và địa phương gắn kết tốt hơn với các ưu tiên của quốc gia? Làm thế nào nâng cao trách nhiệm giải trình về kết quả, sao cho chi tiêu công đem lại hiệu quả lớn nhất?
“Nhằm đảm bảo bền vững tài khóa, Quốc hội Việt Nam đã có Nghị quyết yêu cầu giảm thâm hụt ngân sách và đưa ra mức bội chi ngân sách cho cả giai đoạn 2016-2020 không quá 3,9% GDP, phấn đấu đến năm 2020 không quá 3,5% GDP. Để đạt mục tiêu này, cần có những giải pháp đồng bộ, hữu hiệu để tăng cường huy động thu, tái cơ cấu và nâng cao hiệu suất chi tiêu, sử dụng có hiệu quả các tài sản hiện có, quản lý nợ công và giám sát rủi ro tài khóa chủ động hơn”, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn – Thứ trưởng Bộ Tài chính phát biểu.
Đưa ra những phân tích, nhận định chi tiết và 68 khuyến nghị chính làm cơ sở để Chính phủ giao các bộ, ngành, địa phương thực hiện kịp thời, quyết liệt hơn trong thời gian tới, Báo cáo nhấn mạnh: Trong thời gian tới, cần có một lộ trình củng cố tài khóa để đảm bảo sự bền vững tài khóa song không hoặc ít ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế. Điều này đòi hỏi Chính phủ phải có cam kết mạnh mẽ về giảm bội chi và duy trì nợ công trong phạm vi giới hạn cho phép, qua đó giúp hạn chế tăng nợ và tái tạo được các lớp đệm chính sách nhằm chống đỡ các cú sốc có thể xảy ra, cũng như các nghĩa vụ nợ dự phòng có thể phát sinh.
Các phương án củng cố tình hình tài khóa có thể được cân nhắc trên cơ sở phối hợp các biện pháp nhằm đẩy mạnh huy động thu, hạn chế tăng chi, tái cơ cấu và nâng cao hiệu suất chi tiêu, tăng cường hiệu quả quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công, quản lý nợ công và rủi ro tài khóa. Tái cơ cấu chi tiêu công cũng cần đảm bảo các khoản chi an sinh xã hội, đầu tư phát triển và dành dư địa cho các chi phí tái cấu trúc nền kinh tế.
Trong giai đoạn 2011-2015: - Tốc độ tăng thu ngân sách chậm hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế, tỷ lệ huy động thu từ GDP cho ngân sách Nhà nước giảm còn 23,4% ( 2006-2010 là 26,4%). - Chi tiêu của Chính phủ là 29,2% GDP (giai đoạn 2006-2010 là 28,9%). Chi thường xuyên ngày càng chiếm tỷ trọng lớn. - Nợ công tăng lên đến 61% GDP, tăng hơn 9% so với mức 51% ở năm 2010. - Áp lực đảo nợ lớn: khoảng 50% nợ trong nước sẽ được đáo hạn trong 3 năm tới. |