Để xây dựng đô thị thông minh
Bình Dương sẽ sớm hiện thực hóa thành phố thông minh | |
Chính quyền số và chiến lược xây dựng Thành phố thông minh |
Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và 28 tỉnh thành khác sẽ phát triển đô thị thông minh bền vững là mục tiêu đặt ra theo Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 1/8/2018 của Thủ tướng phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030. Quyết định này cũng đặt mục tiêu đến năm 2020 ít nhất sẽ có 3 thành phố thông minh.
Thiết bị thông minh, công nghệ thông minh cũng bất lực trước hiện trạng giao thông ở Việt Nam hiện nay |
Tuy nhiên, từ trước khi có Quyết định 950 vài năm, thì Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Hạ Long (Quảng Ninh) đều đã có đề án và kế hoạch xây dựng thành phố thông minh với mục tiêu tạo cho người dân có cuộc sống chất lượng cao, mọi tiềm năng được phát huy, nguồn lực được sử dụng hiệu quả và giải tỏa áp lực về mật độ dân số, giảm thiểu đến mức tối đa tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường và ngập lụt… Nhưng với thực tiễn đang diễn ra thì “đô thị thông minh” sẽ là một mục tiêu rất xa.
Để góp phần giải quyết bài toán này, Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) - một tổ chức quy tụ hơn 200 nhà khoa học Việt Nam đang ở nước ngoài đã chọn chủ đề về đô thị thông minh cho hội thảo đầu tiên trong chuỗi 6 hội thảo quốc tế sẽ tổ chức ở Việt Nam.
Theo kinh nghiệm của các nhà khoa học và các chuyên gia, trong 9 yếu tố cần có của đô thị thông minh thì giao thông đứng đầu. 2 thành phố lớn của cả nước là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức, quản lý điều hành hệ thống giao thông thông minh, xử lý vi phạm về giao thông. Đường sắt đô thị trên cao và metro đã hiện diện ở Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh. Vé điện tử cho xe bus và điểm đỗ xe IPARKING cũng đã có… Nhưng những gì đã và đang làm ở Việt Nam vẫn còn mở mức rất sơ khai so với thế giới.
Chính vì vậy, các chuyên gia cho rằng, tiềm năng phát triển trí tuệ nhân tạo trong giao thông thông minh ở Việt Nam còn rất lớn. Với công nghệ số, các thiết bị cảm biến cùng các hệ thống camera giao thông có thể vừa giám sát các phương tiện di chuyển, lại có khả năng đo đếm mật độ xe và xu hướng dịch chuyển cùng cảm nhận về thời tiết; hệ thống đèn sẽ vận hành tự động điều tiết luồng xe hợp lý.
Những công nghệ và công cụ này cũng sẽ cung cấp thông tin ở các khu vực đỗ xe như trong đó đang có bao nhiêu xe, thời gian các xe còn đỗ lại, số lượng xe sẽ rời đi, xu hướng sẽ có bao nhiêu xe sẽ về đó… như thế lái xe sẽ lựa chọn được nơi đỗ xe, không còn phải chạy lòng vòng tìm điểm đỗ.
“Và những giải pháp, công nghệ này, Viện Trí tuệ nhân tạo hoàn toàn cung cấp được”, PGS-TS. Nguyễn Thị Thủy - Phó viện trưởng Viện Trí tuệ nhân tạo cho biết.
“Một hệ thống quản lý điều hành giao thông thông minh như thế sẽ vừa tiết kiệm được nguồn nhân lực để vận hành, vừa sát thực tế làm giảm các rủi ro và tăng tính an toàn”, PGS-TS. Nguyễn Thị Thủy thuyết minh. Nhưng bà cũng cho rằng, với thực trạng giao thông ở Việt Nam hiện nay thì hệ thống này không phát huy được tác dụng. Đường phố Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh giờ tan tầm nườm nượp người xe, cùng với đó, ý thức của người tham gia giao thông luôn ở mức “báo động đỏ”.
Với tình trạng này, các chuyên gia cho rằng hệ thống thông minh trở nên “vô tác dụng”, thậm chí không nhận biết được xe máy với người đi bộ. Tại những đô thị thông minh trên thế giới, xe nối đuôi nhau cả hàng dài nhưng làn nào ra làn đó và giữa các xe vẫn luôn giữ khoảng cách nhất định. Như thế camera mới nhận biết được biển số xe, mới đếm được lượng xe và biết được xu hướng dịch chuyển.
“Thực tế này cho thấy, có những việc thế giới đã làm được từ lâu nhưng với Việt Nam hiện nay thì là cả một vấn đề lớn và nan giải”, bà Thủy phát biểu. Còn vị đại diện Công ty Tractebel, thuộc Tập đoàn ENGIE - một tập đoàn với hơn 150 năm kinh nghiệm, có trụ sở tại 33 quốc gia khi chia sẻ về phát triển đô thị thông minh nhấn mạnh rằng: “Đô thị thông minh được xây dựng dựa trên các yếu tố: Giao thông thông minh, Môi trường thông minh, Chính phủ thông minh, Nền kinh tế thông minh, Lối sống thông minh và Con người thông minh. Như vậy, công nghệ chỉ là nền tảng, cốt lõi của thành phố thông minh vẫn là con người”.