Điêu đứng vì... tiền ảo
Kinh doanh tiền ảo, coi chừng mất tiền thật | |
Lại báo động kinh doanh ảo |
Gia Lai đang là một trong những “điểm nóng” về vấn nạn này ở Tây Nguyên. Theo đó, bất chấp những khuyến cáo của các cơ quan chức năng, chỉ trong một thời gian ngắn đã có đến hàng trăm nạn nhân bị lôi kéo, tham gia vào các đường dây mua bán tiền ảo. Bà Nguyễn Thị H. trú tại thị xã An Khê là một trong những nạn nhân tham gia mua bán tiền ảo kể lại, thời gian đầu, các đối tượng đã “vẽ” ra khả năng sinh lợi rất nhanh khi tham gia đầu tư vào tiền ảo.
Vấn nạn tiền ảo diễn biến khá phức tạp ở Tây Nguyên |
Thấy dễ kiếm tiền, bà H. đã bỏ ra 30 triệu đồng để mua 2 mã bitcoin. Chỉ sau hai tuần, bà đã được các đối tượng trả cho hơn 5 triệu đồng tiền lãi. Lợi nhuận quá cao, nạn nhân đã lập tức đi vay “nóng” hơn 60 triệu đồng cùng với số tiền tự có của gia đình, bà đã đầu tư 120 triệu đồng vào kinh doanh tiền ảo. Tưởng sẽ có một khoản tiền lời kha khá để góp phần trang trải cuộc sống, nhưng ai ngờ chưa đầy 1 tháng sau khi bà H. nộp tiền, sàn giao dịch này bỗng dưng... biến mất.
Báo hại cho nạn nhân trong phút chốc phải lâm vào cảnh nợ nần. Đặc biệt là khoản vay “nóng” ở bên ngoài, bị các đối tượng cho vay ngày đêm đòi nợ ráo riết, trong lúc quẫn trí nạn nhân đã nhảy xuống giếng tự tử nhưng may mắn được người nhà phát hiện cứu sống.
Tương tự, một nạn nhân khác cùng trú tại thị xã An Khê là ông Trần Văn Ch. Cũng như bà H. ông Ch. đã được một số đối tượng đến tận nhà “tư vấn”, mời tham gia đầu tư tiền ảo trên mạng. Các đối tượng rỉ tai ông, khi tham gia vào sàn giao dịch ngân hàng tiền ảo này kiếm tiền lãi rất nhanh mà không phải bỏ nhiều công sức. Nghe xuôi tai, ông Ch. cũng đồng ý tham gia.
Thời gian đầu, ông chỉ đầu tư 10 triệu đồng vào tiền ảo. Sau đó, thấy các đối tượng trả tiền lãi cao lại nhanh chóng ông đã quyết định vay mượn gần 200 triệu đồng để đầu tư. Chỉ chờ có vậy, sau khi ôm được một khoản tiền lớn các đối tượng trong đường dây đã lặng lẽ bỏ trốn. Để lại cho ông Ch. cùng nhiều nạn nhân khác những món nợ không dễ gì trả được. Gia đình đứng trước nguy cơ tán gia, bại sản vì tiền ảo...
Trước đó, cũng trên địa bàn Gia Lai vụ việc do Trần Thiên Lâm, trú tại TP. Hồ Chí Minh cầm đầu và một số đối tượng người địa phương giúp sức lập đường dây giao dịch tiền ảo đa cấp với tên gọi là “ngân hàng cộng đồng bitcoin”, chiếm đoạt tiền của nhiều nạn nhân đã khiến dư luận địa phương bức xúc. Theo đó, để tham gia vào hình thức này, người chơi phải tạo bitcoin và phải mua ít nhất 1 bitcoin vào trong tài khoản trang mạng hoặc mua của người khác. Trị giá 1 bitcoin thay đổi theo thị trường.
Khi được tuyến trên giới thiệu tham gia, người chơi sẽ được cấp 1 mã ID trên trang mạng có địa chỉ “fxmt4.us” và chuyển số tiền từ ví “bitcoin” vào mã ID để lên “sàn giao dịch fxmt4.us” và lôi kéo người khác tham gia nhằm phát triển tuyến dưới của mình. Đặc biệt, để đánh vào tâm lý hám lợi của người dân, các đối tượng đưa ra mức lãi suất khủng lên đến 144%/tháng. Ngoài lợi nhuận, người tham gia còn được hưởng “hoa hồng” khi giới thiệu được người khác tham gia.
Theo cơ quan điều tra, chỉ trong khoảng 2 tháng đường dây này đã lôi kéo được hàng trăm người tham gia, với số tiền không nhỏ. Đại diện công an thị xã An Khê cho biết, có khoảng 350 người đến trình báo về việc bị dụ dỗ tham gia vào mô hình giao dịch tiền ảo đa cấp này, với khoảng 1.900 ID, tương đương 1.900 Bitcoin. Nếu quy đổi ra tiền, các đối tượng đã chiếm dụng hơn 22 tỷ đồng.
Trên thực tế, số nạn nhân còn có thể nhiều hơn, do một số người không đến cơ quan chức năng trình báo. Vụ việc còn phức tạp hơn khi các “sàn giao dịch” bị sập, nhiều nạn nhân đến nhà các đối tượng, đòi lại tiền, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương.
Trên thực tế, không chỉ tại địa bàn Gia Lai, vấn nạn tham gia mua bán tiền ảo cũng đang diễn ra phức tạp ở những địa phương khác như, Kon Tum, Đắk Lắk hay Đắk Nông. Mới đây, các cơ quan chức năng ở Đắk Lắk đã phải ra khuyến cáo người dân cẩn trọng khi tham gia mua bán tiền ảo trên mạng.
Tiền ảo bitcoin hay các loại tiền ảo khác như onecoin, gemcoin không phải là tiền tệ, hàng hóa hoặc phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Người sở hữu, mua bán, sử dụng các loại tiền ảo không được pháp luật bảo vệ. Trên thế giới, những giao dịch bằng tiền ảo thường có tính ẩn danh cao nên chúng có thể trở thành công cụ cho tội phạm như rửa tiền, buôn bán ma túy, trốn thuế, giao dịch, thanh toán tài sản phi pháp.
Ngoài ra, tiền ảo được lưu giữ dưới dạng kỹ thuật số nên nguy cơ bị tấn công, đánh cắp, thay đổi dữ liệu hoặc bị ngừng giao dịch. Bởi vậy, nhiều quốc gia đã có thông báo không chấp nhận bitcoin là phương tiện thanh toán hợp pháp và đưa ra các cảnh báo rủi ro cho người sử dụng, như Thái Lan, Indonesia, Nauy hay Pháp... Để tránh bị thiệt hại về tài sản hoặc bị lừa đảo bởi thủ đoạn kinh doanh đa cấp từ việc đầu tư vào tiền ảo, người dân không nên tham gia vào các loại hình đầu tư bất hợp pháp này...