Kinh doanh tiền ảo, coi chừng mất tiền thật
“Tiền kỹ thuật số - Xu hướng phát triển và phản ứng chính sách” |
Sau cơn bão bán hàng đa cấp mang tính chất lừa đảo, Trong thời gian vừa qua, hiện tượng kinh doanh đa cấp biến tướng liên quan đến những dịch vụ, giao dịch tiền ảo nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người tham gia xuất hiện ngày càng nhiều, diễn biến phức tạp và gây thiệt hại nghiêm trọng cho người dân.
Với hi vọng đổi đời làm giàu, nhiều người đã không ngại cầm cố nhà cửa đổ vào kinh doanh tiền ảo. Mặc dù truyền thông đã có nhiều bài viết cảnh báo đồng tiền ảo Bitcoin, Onecoin hay Ilcoin… tuy nhiên, nhiều người dân vẫn hám lợi, u mê, bị cơn lốc tiền ảo cuốn vào để rồi mất tiền, vướng vào vòng lao lý.
Ảnh minh họa |
Những biến tướng tinh vi và danh sách nạn nhân ngày càng dài của kinh doanh tiền ảo
Chị Phương Minh Nguyệt, ở Quận Long Biên, Hà Nội cho biết, năm 2016, chị đầu tư mua Onecoin trị giá 730 triệu đồng nhưng trong đó hơn một nửa là tiền đi vay. Sau khi rút được mấy chục triệu đồng thì sàn Onecoin ngừng giao dịch bất ngờ vào cuối năm 2016. Chị Nguyệt chia sẻ, cho đến nay chị vẫn phải trả tiền gốc và lãi cho ngân hàng và chị cũng chẳng biết phải làm thế nào để đòi lại được khoản tiền này.
Chua xót nhất có lẽ là trường hợp lừa đảo liên quan đến giao dịch, kinh doanh tiền ảo xảy ra tại tỉnh Gia Lai. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của đồng bào dân tộc Tây Nguyên, các đối tượng lừa đảo đã huy động tiền của hàng trăm người dân để lôi kéo họ tham gia vào mô hình giao dịch tiền ảo đa cấp với tên gọi “ngân hàng cộng đồng Bitcoin”, lãi suất lên tới 144% mỗi tháng. Sau khi đã chiếm đoạt số tiền lên tới trên 22 tỷ đồng của người dân, các đối tượng lừa đảo đã biến mất.
Điều đáng nói, trong số 300 người đã thống kê được là bị lừa đảo, có đến 1/3 không biết cách giao dịch trực tiếp mà phải nhờ người giới thiệu trung gian hoặc các đối tượng lừa đảo thực hiện.
Gần đây lại nổi lên một hình thức kinh doanh đa cấp tinh vi nấp bóng mua bán tiền ảo Onecoin Onelife. Số lượng thành viên của Onecoin Onelife Việt Nam hiện nay lên đến hàng chục ngàn người với số tiền tham gia vài ngàn tỷ đồng. Theo như quảng cáo rùm bem về chiến lược phát triển toàn cầu của Tập đoàn Onecoin, các đối tượng hứa hẹn sẽ mở sàn chứng khoán trước khi mở sàn bán coin. Nhưng thực tế nhà đầu tư chờ dài cổ cũng chưa niêm yết được trên thị trường chứng khoán, trong khi sàn giao dịch coin huy động được một số tiền không nhỏ của nhưng người nhẹ dạ và sau đó đã bị đóng cửa.
Chưa dừng lại ở đây, sau khi đóng cửa giao dịch sàn coin, tập đoàn Onecoin Onelife lập sàn mua bán hàng hóa Dealshaker với phương thức thanh toán vừa bằng coin và bằng tiền mặt. Chẳng hạn như sản phẩm dầu kích thích sự tăng trưởng của râu có giá 12,6 euro (327.000 đồng) hay 1,63 coin; trong khi một người bán hàng xách tay cho hay giá sản phẩm này chỉ khoảng 120.000 đồng. Trên trang Dealshaker còn rao bán xe, bán giường… giá "bèo" mà không biết là hàng chất lượng ra sao và nguồn gốc nhập khẩu về Việt Nam như thế nào.
Vào tháng 10/2016, Tập đoàn Onelife thực hiện chương trình nhân đôi coin với mức siêu lợi nhuận cho người đầu tư (gấp 29 lần vốn đầu tư). Nhưng sau đó yếu tố lừa đảo bắt đầu hé lộ, đó là sau khi đóng cửa sàn bán coin nội bộ, tập đoàn lại không mua coin của thành viên. Tập đoàn thông báo mở sàn chứng khoán sau khi mở sàn bán coin sau 18 tháng và yêu cầu nhà đầu tư chuyển qua cổ phiếu OFC. Trong khi quy định niêm yết chứng khoán là có đủ 10 triệu thành viên mà hơn 2 năm qua Onelife chỉ có 2,8 triệu thành viên….
Đơn cử như trường hợp bà Lô Hồng Tư, ở Đông Anh, Hà Nội; bà Tư cho hay đầu tư 850 triệu đồng vào Onecoin khi tin vào những lời quảng cáo của One life với hi vọng đổi đời. Sau khi lấy lại được gần 100 triệu đồng từ coin và hoa hồng giới thiệu người khác tham gia, bà đã không còn lấy lại được tiền từ kênh đầu tư này. Bà Tư cho hay bây giờ cũng chưa biết bấu víu vào đâu để đòi lại số tiền đã đầu tư vào Onecoin.
Trong năm 2016, chỉ riêng trên địa bàn TP.HCM đã nhận được đơn tố cáo của hàng chục nhà đầu tư vào Onecoin với số tiền 85 tỷ đồng. Và số nạn nhân có thể đang ngày càng gia tăng khi nhà đầu tư không lấy lại được tiền.
Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương khuyến cáo hiện nay hoạt động giao dịch đồng tiền ảo (như Bitcoin) theo mô hình kinh doanh đa cấp đang xuất hiện khá nhiều tại thị trường trong nước.
Kinh doanh tiền ảo, nguy cơ mất tiền thật
Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản yêu các “tổ chức tín dụng không được phép sử dụng bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) như một loại tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán. Bởi theo các quy định của pháp luật hiện hành về tiền tệ và ngân hàng, Bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam.
Ngân hàng nhà nước cũng nhấn mạnh “việc sử dụng Bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) làm phương tiện thanh toán không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Các tổ chức tín dụng không được phép sử dụng bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) như một loại tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán khi cung ứng dịch vụ cho khách hàng”.
Bộ Tư pháp đang xây dựng dự thảo Nghị định về tiền ảo, dự kiến sẽ hoàn tất vào tháng 12/2017 và dự thảo Nghị định về tài sản ảo sẽ hoàn tất vào tháng 3/2018. Hiện, Bộ Tư pháp đã hoàn tất lộ trình ban đầu về việc lấy ý kiến để ban hành các quy định về quản lý tiền ảo, tài sản ảo, tiền điện tử, nhằm cụ thể hóa các quy định về quản lý tài sản trong Bộ luật Dân sự 2015 trong các lĩnh vực nêu trên.
Tại Toạ đàm khoa học “Tiền kỹ thuật số - Xu hướng phát triển và phản ứng chính sách” vừa được tổ chức mới đây, nói về tầm quan trọng, cấp thiết trong việc quản lý các loại tiền ảo, tiền điện tử, ông Ngô Văn Đức, đến từ Vụ Thanh toán, NHNN khẳng định: Việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và giám sát là điều vô cùng quan trọng, thông qua các Nghị định của Chính phủ về tiền ảo, tiền điện tử. Về phía cơ quan quản lý, cụ thể là NHNN, hiện đã thành lập Ban chỉ đạo Fintech của NHNN. Qua đó hoàn thiện hệ sinh thái Fintech, thiết lập khuôn khổ pháp lý cho lĩnh vực Fintech tại Việt Nam, đồng thời có những chiến lược thúc đẩy sự phát triển an toàn, hiệu quả đối với các Fintech Startups.
Với nhưng diễn biến phức tạp trên thị trường như hiện nay, việc tham gia hoạt động giao dịch tiền ảo tiềm ẩn nhiều rủi ro do cá nhân, tổ chức là chủ của hệ thống có thể dễ dàng chiếm đoạt các nguồn tài chính của nhà đầu tư, đánh sập hệ thống, xóa dữ liệu về người đầu tư và biến mất bất cứ lúc nào. Hơn ai hết người dân phải hết sức nâng cao cảnh giác trước nhưng đối tượng lừa đảo. Tránh trường hợp kinh doanh tiền ảo nhưng tiền bị mất là tiền thật.