Đồng hành vì một Việt Nam thành công và thịnh vượng
WB thông qua Khung đối tác quốc gia mới với Việt Nam | |
NHNN và WB trao đổi kinh nghiệm về xử lý nợ xấu và tái cơ cấu ngân hàng | |
Mong muốn WB hỗ trợ quá trình xử lý nợ xấu, tái cơ cấu hệ thống TCTD |
Ông Ousmane Dione |
Ban Giám đốc Điều hành Ngân hàng Thế giới (WB) vừa thông qua Khung đối tác quốc gia (CPF) mới của Nhóm WB với Việt Nam. Đây là khung đối tác sẽ hỗ trợ tích cực cho quá trình phát triển của Việt Nam, nhưng cũng đặt ra một số thách thức: Làm thế nào để Việt Nam phát triển tốt, đồng thời cũng sẽ là một ví dụ thành công để các nước đang phát triển khác đi theo. Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam, người vừa “bảo vệ” thành công đề án CPF mới trước Ban Giám đốc Điều hành WB, thông tin với phóng viên như vậy.
Ông có thể chia sẻ về những “gian truân” để CPF mới được Ban Giám đốc Điều hành WB thông qua?
Khi chúng tôi trình bày về Khung chiến lược mới này trước Ban Giám đốc Điều hành WB thì điều đầu tiên là các thành viên trong Ban Giám đốc đều chúc mừng chúng tôi. Ngay lúc đó, tôi đã có niềm tin sẽ thực hiện được Khung chiến lược này, cho dù chắc chắn sẽ có những khó khăn.
Nhưng cũng có những câu hỏi mà các thành viên trong Ban Giám đốc Điều hành đã đặt ra với chúng tôi, như: Các nước phát triển có thể học gì từ Việt Nam, hay nói cách khác là làm thế nào để Việt Nam có thể đưa ra những bài học cho các nước khác trên thế giới? Làm thế nào để Việt Nam có thể học hỏi, thu lợi được từ kinh nghiệm, bài học của các nước đã thành công khi đạt đến ngưỡng nhóm nước có thu nhập trung bình và tiếp tục tiến lên được các nước giàu?... Tựu trung lại, WB kỳ vọng làm sao để Việt Nam phát triển tốt, đồng thời cũng sẽ là một ví dụ thành công để các nước đang phát triển khác đi theo.
Thực tế trong một số lĩnh vực, Việt Nam hiện cho thấy đã rất thành công. Ví dụ như về năng lượng, việc tạo khả năng tiếp cận năng lượng cho người dân là rất ấn tượng. Nếu những năm 1990, chỉ có khoảng 12% dân số tiếp cận được điện thì đến năm 2016 con số này lên tới 98% dân số. Rất ít nước trên thế giới làm được như vậy. Tương tự, vấn đề tiếp cận nước, hay tỷ lệ dân số được phổ cập giáo dục tiểu học cũng rất cao…
WB kỳ vọng Việt Nam là một ví dụ thành công để các nước đang phát triển đi theo |
Những thành công đã và sẽ có của Việt Nam một khi được đưa ra thành những bài học cho các nước khác trên thế giới thì mọi người sẽ biết đến Việt Nam nhiều hơn, không chỉ là đội tuyển bóng đá U20 Việt Nam vừa tham gia tranh vé vòng Chung kết U20 World Cup, mà cả về phát triển kinh tế.
Để hỗ trợ Việt Nam tiếp tục thành công trong vị thế nhóm nước có thu nhập trung bình và tiếp tục tiến lên, chúng tôi đã xây dựng CPF mới trên cơ sở kế thừa và phát huy những hỗ trợ sẵn có và mạnh mẽ của WB tại Việt Nam, phối hợp và bổ trợ với các đối tác phát triển khác, cũng như huy động thêm các nguồn lực khác, tập trung vào 4 nhóm lĩnh vực ưu tiên gồm: Phát triển bao trùm và sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân; Đầu tư vào con người và tri thức; Bền vững môi trường và năng lực ứng phó; và Quản trị tốt.
Đi vào cụ thể lĩnh vực đầu tư cho con người và tri thức, tại sao WB lại ưu tiên nội dung này?
WB rất tập trung vào lĩnh vực này vì nhiều lý do, nhất là khi một nước đã đạt đến ngưỡng thu nhập trung bình thì vấn đề giáo dục, tri thức trở nên vô cùng quan trọng. Trong bối cảnh các nước trong khu vực đã có mức độ cạnh tranh khá cao và kỷ nguyên số, đặc biệt là cách mạng công nghiệp 4.0, đang phát triển mạnh mẽ... thì đòi hỏi lực lượng lao động của Việt Nam phải có kỹ năng tốt, yêu cầu công nghệ ngày càng cao và phát triển được nhân tài - những người vừa có kiến thức, vừa có kinh nghiệm.
Tôi lấy một ví dụ, nếu nhìn vào vấn đề giáo dục chúng ta có thể thấy hệ thống giáo dục cấp 1 và cấp 2 đã rất tốt. Như trong kỳ thi PISA (Programme for International Student Assessment - Chương trình đánh giá học sinh quốc tế do Hiệp hội các nước phát triển OECD khởi xướng và chỉ đạo, nhằm tìm kiếm các chỉ số đánh giá tính hiệu quả, chất lượng của hệ thống giáo dục của mỗi nước tham gia), Việt Nam đứng thứ 8 trên toàn thế giới. Vậy đâu là điểm mà cần thúc đẩy hơn? Đó là hệ thống giáo dục đại học và đào tạo nghề. Vì đây là lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đầu ra của lực lượng lao động - động lực để giúp có được năng lực cạnh tranh. Như ngay trong các lĩnh vực công nghệ cao cũng đòi hỏi phải có các kỹ sư, những người được đào tạo tốt, có trình độ cao.
Trong lúc chuẩn bị chiến lược CPF mới, có một con số khiến tôi suy nghĩ. Đó là khi trao đổi với một số DN FDI của Nhật Bản đang hoạt động ở Việt Nam, họ cho biết mỗi năm có nhiều nghìn lao động Việt Nam thực tập và làm việc tại Nhật Bản, được đào tạo rất tốt và sau đó quay về làm cho các DN FDI tại đây. Nếu Nhật Bản làm như vậy, hay Hàn Quốc và nhiều nước khác làm như vậy, thì câu hỏi đặt ra là liệu WB có thể hỗ trợ Việt Nam cấu trúc lại giáo dục đào tạo thế nào để nguồn lao động có thể làm việc hiệu quả hơn? Như vậy, thay vì người Việt phải sang Nhật Bản, Hàn Quốc… để làm việc và được đào tạo thì họ sẽ ở tại Việt Nam, với hệ thống giáo dục đại học và đào tạo nghề tốt hơn. Và không chỉ đào tạo cho người Việt mà dần dần một hệ thống giáo dục đại học và dạy nghề tốt có thể sẽ thu hút cả sinh viên các nước đang phát triển đến Việt Nam học tập.
CPF mới cũng ưu tiên tới sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân. Kỳ vọng của WB ở đây là gì?
Thu hút sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân là rất quan trọng, vì việc làm này sẽ giúp nhà nước có thêm các dư địa tài khóa và các nguồn lực công có thể được sử dụng cho các dự án công mà khu vực tư nhân không thể tài trợ… CPF mới khuyến khích tham gia của khu vực tư nhân vào 4 lĩnh vực, gồm: năng lượng, giao thông vận tải, nông nghiệp, và nước. Đây là những lĩnh vực quan trọng có đóng góp tích cực vào tăng trưởng và hoàn toàn có thể thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân.
Nhân ông đề cập đến nguồn lực công, hiện Quốc hội Việt Nam đang bàn về vấn đề quản lý nợ công. WB có thêm hỗ trợ gì với Chính phủ Việt Nam về vấn đề này?
Chúng tôi hỗ trợ Chính phủ Việt Nam để đưa ra những chi tiêu có trách nhiệm và kỷ luật hơn. Việt Nam cần tiếp tục đầu tư, nhưng đầu tư vào những lĩnh vực có hiệu quả và có đóng góp cho tăng trưởng. Và để làm điều này thì có nhiều lựa chọn khác nhau. Như trên tôi đã nói về vấn đề cần có sự tham gia của khu vực tư nhân nhiều hơn. Hay việc cần tiếp tục một số cải cách với khu vực DNNN, cải cách mô hình thu chi ngân sách…
Một điều quan trọng nữa là tri thức. Đơn cử, làm sao để không chỉ vay được vốn mà còn phải “lấy” được cả những kinh nghiệm tốt để chúng ta có được những dự án tốt hơn.
Xin cảm ơn ông!