Động lực tăng trưởng mới của ngân hàng
Ngân hàng giao dịch ngày càng hiện đại | |
Dịch vụ khách hàng – “vũ khí” cạnh tranh mới |
Thúc đẩy số hóa sẽ giúp ngân hàng gia tăng nguồn thu từ dịch vụ |
Tăng thu từ dịch vụ
Trên thực tế, báo cáo tài chính 9 tháng của rất nhiều nhà băng cho thấy sự tăng trưởng từ hoạt động dịch vụ. Đơn cử như báo cáo tài chính quý 3/2019 của MB cho thấy trong 9 tháng đầu năm, hoạt động dịch vụ đã mang về lợi nhuận 2.312 tỷ đồng, tăng trưởng 37%. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của OCB cũng tăng rất mạnh, lên đến 87% so với cùng kỳ, đạt 391 tỷ đồng, góp phần mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho ngân hàng này.
Tương tự, thu từ dịch vụ của Sacombank đạt 2.131 tỷ đồng, tăng 21,1%. TPBank thu nhập ròng từ phí tăng 72,3% lên 757,5 tỷ đồng, nhờ tất cả các dòng thu nhập bao gồm các dịch vụ thanh toán (tăng 67,1%), bancassurance (69,5%) và các phí khác (tăng 66,3%)...
Báo cáo tài chính quý 3 của ACB cho thấy, bancassurance là điểm sáng khi đạt 414 tỷ đồng, chiếm 29,3% tổng thu nhập từ phí (so với 12,6% trong cùng kỳ năm ngoái). Techcombank thu nhập từ đầu tư chứng khoán tăng 5,2%. Bancassurance cũng là động lực giúp cho tăng trưởng lợi nhuận của VIB ba quý vừa qua, thu nhập ròng từ phí tăng 148,4%. Vietcombank có thu nhập từ phí trong ba quý 2019 tăng 42,9%, thu nhập từ giao dịch ngoại hối tiếp tục mạnh nhất toàn hệ thống với 2,54 nghìn tỷ đồng (tăng 57,65% so cùng kỳ 2018).
Mới đây, Vietcombank cũng đã ký kết hợp tác độc quyền thời hạn 15 năm phân phối bảo hiểm qua ngân hàng với Tập đoàn Bảo hiểm FWD (Hong Kong). Chủ tịch HĐQT Vietcombank Nghiêm Xuân Thành cũng nhấn mạnh về việc ngân hàng này sẽ chú trọng đẩy mạnh nguồn thu dịch vụ từ các sản phẩm dịch vụ gắn với chuyển đổi ngân hàng số.
Trao đổi với phóng viên, một chuyên gia cũng nhận định, việc chuyển dịch cơ cấu sang thu từ dịch vụ trong thời gian tới sẽ tiếp tục có những tín hiệu tích cực hơn, khi điều này giúp ngân hàng cải thiện hiệu quả sử dụng vốn, giảm thiểu rủi ro, nhất là trong bối cảnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng không còn quá “rộng rãi” như trước kia.
Số hóa là chìa khóa
Việc chuyển đổi số trong ngân hàng là tích hợp công nghệ vào mọi cấp độ hoạt động, số hoá hầu hết quy trình nghiệp vụ theo hướng tự động, thông minh, vận hành, cung ứng sản phẩm - dịch vụ trên nền tảng số, khai thác tối ưu dữ liệu để tăng trải nghiệm và sự gắn kết với khách hàng.
Có thể nói tới một số kết quả phát triển ngân hàng số tại Việt Nam hiện nay như LiveBank - dịch vụ ngân hàng tự động của TPBank, Dự án chiến lược thay thế Corebank của VietinBank, Yolo - ứng dụng ngân hàng số của VPBank, trợ lý ảo chatbot của MB... “Số hoá sẽ giúp tiết kiệm thời gian và nâng cao trải nghiệm của khách hàng khi sử dụng dịch vụ ngân hàng, mở rộng kênh bán hàng, giảm chi phí, tăng hiệu quả, nhờ đó mà nguồn thu từ dịch vụ của ngân hàng cũng sẽ tỷ lệ thuận theo”, chuyên gia nhận định.
Năm 2019 được Vietcombank xác định là năm chiến lược về chuyển đổi số. Ông Phạm Anh Tuấn - Uỷ viên HĐQT Vietcombank chia sẻ: Vietcombank hướng tới mục tiêu ngân hàng số 3.0 hay còn gọi là ngân hàng mở. Đây là mô hình hợp tác trong đó ngân hàng tìm cách xây dựng hoặc tích hợp một hệ sinh thái với các khách hàng, đối tác, nhà cung cấp dịch vụ và các thiết bị để thúc đẩy việc tạo và trao đổi dịch vụ mà mọi người đều có thể nắm bắt giá trị. Việc này có khả năng mở ra một hệ sinh thái dịch vụ tài chính hoàn toàn mới, trong đó vai trò của các ngân hàng có thể thay đổi rõ rệt.
“Ví dụ như trở thành nhà cung cấp nền tảng cho dịch vụ white-label (một sản phẩm tiếp thị số cho phép đổi thương hiệu, định giá lại và bán lại dưới thương hiệu của riêng bạn), nhà cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ bổ sung cho cơ sở khách hàng lớn hơn. Những thách thức cụ thể sẽ thay đổi theo địa lý, được xác định chủ yếu bởi sự phát triển của các chế độ pháp lý xung quanh việc quản trị dữ liệu”, đại diện Vietcombank cho hay.
Tuy vậy, ông Đào Mộng Long - Giám đốc Trung tâm vận hành SHB cũng nêu quan điểm: Muốn triển khai các dịch vụ, tiện ích công nghệ số mới giống như việc cất nóc nhà. Đó chỉ là phần nổi cuối cùng một đơn vị công nghệ thông tin của ngân hàng cần thực hiện.
“Nói ngân hàng số thì nghe rất hay, nhưng để làm được thì trước hết phải xây mới rất nhiều, thậm chí thay thế toàn bộ hạ tầng kỹ thuật công nghệ. Các ngân hàng tồn tại càng lâu thì càng gặp khó khăn do nền tảng cũ xây dựng hàng loạt theo năm tháng trước đây còn rất nhiều, và ngày càng lạc hậu. Việc xây mới đòi hỏi năng lực tài chính của ngân hàng…” - đại diện SHB thông tin thêm.
Ngân hàng này đang triển khai hàng loạt dự án với tiêu chí lấy khách hàng làm trung tâm và giảm chi phí hoạt động, tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận bền vững, điển hình như: Tăng trải nghiệm của khách hàng với việc tích hợp công nghệ hiện đại tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (Machine Learning), chatbot... Hay như hệ thống Kho dữ liệu tập trung (DW-BI): hệ thống được thiết kế để hỗ trợ trong việc lưu, phân tích dữ liệu và hệ thống phân tích thông minh hỗ trợ SHB quản trị nội bộ cũng như xây dựng các sản phẩm, dịch vụ tốt hơn cho khách hàng.
Năm nay, SHB cũng đặt mục tiêu đạt chứng chỉ ISO 20000 - tiêu chuẩn đo lường chất lượng quản trị dịch vụ CNTT duy nhất trên thế giới, giúp xác định và đánh giá các quá trình then chốt liên quan đến hoạt động quản lý dịch vụ CNTT hiệu quả. Đạt chứng chỉ ISO 20000, nhà băng này sẽ cơ bản hoàn thiện tổng thể và toàn diện mô hình quản trị dịch vụ CNTT chuyên nghiệp, hiệu quả, bảo mật theo tiêu chuẩn quốc tế, đem lại sự an tâm cao nhất cho các khách hàng sử dụng dịch vụ.