Đủ cơ sở ổn định lãi suất, tỷ giá
Ảnh minh họa |
Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất đồng USD lên 0,25%, một số nhà kinh tế cho rằng NHNN sẽ chịu sức ép mạnh buộc phải điều chỉnh tỷ giá giữa VND và USD. Nếu không sớm điều chỉnh tỷ giá, dòng vốn đầu tư, đặc biệt là đầu tư gián tiếp nước ngoài sẽ có xu hướng dịch chuyển về Mỹ để hưởng lãi suất cao. Khi đó, để duy trì tỷ suất sinh lời bằng đồng nội tệ nhằm giữ dòng vốn ở lại, nhiều khả năng sẽ phải tăng lãi suất cho vay.
Tuy nhiên, nếu xem xét diễn biến thị trường cũng như từng tác động từ hàng loạt chính sách ổn định tỷ giá và lãi suất trong năm 2015 của NHNN thì đến thời điểm hiện nay vẫn có đủ cơ sở để cho rằng tỷ giá và lãi suất tại Việt Nam sẽ tiếp tục được duy trì ổn định.
Trước hết, ở góc độ tỷ giá có thể nhìn nhận một số thực tế như sau: Thứ nhất, ngay từ các tháng đầu năm 2015 thị trường đã có những dự báo cho việc FED tăng lãi suất đồng USD. Do vậy, lãi suất Libor (lãi suất liên NH London) thực tế đã tăng trong năm 2015 từ mức 0,25% trong tháng 1/2015 lên 0,40% trong tháng 11/2015 đối với kỳ hạn 3 tháng.
Vì thế, khi FED thực sự tăng lãi suất lên 0,25% vào giữa tháng 12/2015, lãi suất Libor có thể cũng không tăng nhiều. Chi phí tài trợ thương mại cho hoạt động xuất-nhập khẩu của Việt Nam theo đó cũng sẽ không bị tăng thêm.
Thứ hai, mới đây NHNN đã ban hành Quyết định số 2589/QĐ-NHNN đưa mức lãi suất huy động tiền gửi USD của cá nhân về mức 0%/năm. Với quyết định này, việc đầu cơ, găm giữ ngoại tệ gần như được loại trừ. Trong khi đó, đến thời điểm này, cung - cầu ngoại tệ về cơ bản không mất cân đối bởi theo những thống kê của Tổng cục Hải quan, chỉ trong các tháng 10 và 11 vừa qua Việt Nam đã xuất siêu khoảng 760 triệu USD.
Điều này có nghĩa rằng, cùng với nguồn dự trữ ngoại hối của NHNN thì cung-cầu ngoại tệ không phải là yếu tố gây tác động đến việc tăng tỷ giá trong các tháng gần đây.
Thứ ba, những thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KHĐT) cho thấy đến thời điểm này tổng nguồn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) tại Việt Nam chỉ khoảng 2-3 tỷ USD, phân đều cho khoảng 30 định chế quỹ. Như vậy, nguồn vốn FII tại Việt Nam không phải là con số quá lớn để phải lo ngại về việc nguồn vốn đầu tư nước ngoài chạy ngược ra ngoài khi đồng USD tăng giá.
Trong khi sức ép điều chỉnh tỷ giá không quá lớn thì ở góc độ quản lý điều hành lãi suất, hiện nay cũng có cơ sở để khẳng định khả năng tăng lãi suất cho vay là khó xảy ra. Bởi bắt đầu từ tháng 1/2016, theo những quy định tại Thông tư số 23/2015 một số NHTM sẽ được giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc vì tham gia tái cơ cấu các NH yếu kém.
Chỉ tính riêng nhóm 3 NH lớn (VietinBank, Vietcombank và BIDV) có tham gia hỗ trợ các NH nhỏ tái cơ cấu, dự kiến đến cuối năm 2015, tổng nguồn vốn huy động đã đạt khoảng trên 1,8 triệu tỷ đồng. Nếu tỷ lệ dự trữ bắt buộc chỉ cần giảm 1% thì sẽ có khoảng 18.000 tỷ đồng được cho vay ra đối với nền kinh tế. Chưa kể một loạt các NH khác như Sacombank, MB, SHB… nếu được giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc thì nguồn vốn khả dụng sẽ tăng lên đáng kể.
Theo tính toán của các NHTM nếu tỷ lệ dự trữ bắt buộc giảm đi 1% thì mức lãi suất cho vay sẽ giảm tương ứng khoảng 0,144%. Do vậy, Thông tư số 23 sẽ là công cụ hỗ trợ đắc lực để NHNN định hướng lãi suất thị trường và là điểm tựa để các NHTM ổn định lãi suất cho vay trong thời gian tới trước sức ép tăng giá của đồng đô la.