Dư dả vốn tín dụng cuối năm
Đầu tháng 7/2015, nhận thấy diễn biến của tình hình kinh tế có dấu hiệu ấm dần, sức hấp thụ vốn của khối DN sản xuất – kinh doanh cũng bắt đầu tăng trở lại, NHNN đã chấp thuận điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2015 cho một số NHTM và chi nhánh NH nước ngoài.
Theo đó, 18 TCTD được nới room tín dụng bao gồm: VietinBank, Vietcombank (16%); SeABank, TPBank (35%), Techcombank, LienVietPostBank, Standard Chartered Việt Nam (30%); NamABank (25%); VIB, Co.opBank, Taipei Fubon Bình Dương, BIDC TP.HCM (20%)…
Ảnh minh họa |
Tại thời điểm này, một số ý kiến cho rằng quyết định nới room của NHNN đã tạo điều kiện rất thuận lợi để các NHTM đẩy mạnh cung ứng vốn ra thị trường, đồng thời việc nới room cũng sẽ giúp cho tổng dư nợ tín dụng của một số NHTM tăng lên vào các tháng cuối năm, hỗ trợ giảm tỷ lệ nợ xấu, đưa về mức dưới 3% trên toàn hệ thống.
Quan sát thực tế, đến thời điểm hiện nay, những bình luận nói trên cơ bản đã diễn ra đúng như dự đoán. Bởi tính đến cuối tháng 9/2015, những công bố của NHNN cho thấy, tổng mức nợ xấu của hệ thống NH đã được đưa về mức 2,9%. Trong khi đó, tính đến thời điểm này, hầu hết các NHTM được nới room vào tháng 7/2015, dù có mức tăng trưởng tín dụng cao nhưng vẫn nằm trong khung cho phép của NHNN.
Cụ thể, 2 NHTM lớn là VietinBank và Vietcombank sau 9 tháng đầu năm mới chỉ lần lượt tăng trưởng tín dụng ở mức 13,58% và 10,22%; VIB và NCB cũng chỉ tăng trưởng dưới chỉ tiêu cho phép. Các NHTM khác như Techcombank, NamABank, SeABank… đều mới chỉ tăng trưởng quanh mức 17-20%, thấp hơn so với ngưỡng mà NHNN cho phép.
Điều quan trọng là sau khi được nới room tín dụng, hầu hết nguồn vốn của các NHTM được tập trung đưa vào các lĩnh vực ưu tiên, nhất là các lĩnh vực: xuất khẩu, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp – nông thôn, DNNVV…
Những thống kê của NHNN liên tiếp trong các tháng quý III cho thấy điều này khi mà con số tăng trưởng dư nợ các lĩnh vực nói trên tăng đều đặn liên tiếp từ 1-3% sau từng tháng.
Cụ thể, đến hết tháng 9, tăng trưởng dư nợ lĩnh vực nông - lâm nghiệp và thủy sản đạt mức 13,08% cao hơn gần 3% so với con số 10,28% của tháng 7. Các lĩnh vực khác như cho vay DN ứng dụng công nghệ cao đến cuối tháng 8 cũng đạt trên 26,7 nghìn tỷ đồng, tăng 34,9%; lĩnh vực công nghiệp ưu tiên phát triển đạt hơn 114 nghìn tỷ đồng, tăng 6,5% và cho vay đối với DNNVV đạt hơn 977 nghìn tỷ đồng, tăng 4,11% so với cuối năm 2014.
Ngoài ra, trong suốt từ đầu năm đến nay, nhiều NHTM tập trung đẩy mạnh các hình thức cho vay tiêu dùng khiến cho một lượng lớn nguồn vốn tín dụng được phân tán nhỏ lẻ vào xã hội thông qua các hợp đồng vay tín chấp phục vụ mua sắm nhà cửa, xe cộ, điện máy… Mức tăng trưởng tín dụng tiêu dùng trong suốt hơn 11 tháng vừa qua luôn ở mức cao cho thấy sức mua của thị trường đã có sự chuyển biến mạnh, niềm tin của người dân cũng đã được củng cố bền vững hơn.
Trong các tháng cuối năm, các DN sẽ cấp tập vay vốn chuẩn bị mùa kinh doanh dịp Tết. Nắm bắt nhu cầu này, nhiều NH ngay khi vừa bước vào quý IV đã đồng loạt tung ra nhiều chương trình, sản phẩm khuyến khích các DN vay vốn. Đồng thời, cũng chủ động tìm kiếm khách hàng tốt để tạo cơ hội mở rộng tín dụng nhằm hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng trong năm.
Như vậy, có thể chắc chắn rằng với lượng room “để dành” của đa số các NHTM cộng với sự khởi sắc của thị trường, một lượng lớn vốn tín dụng sẽ được cho vay ra trong 1-2 tháng cuối năm. Điều này một mặt cho thấy khả năng tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống NH năm 2015 đạt mức 17% là hoàn toàn khả thi, mặt khác nó cũng là cơ sở để củng cố niềm tin rằng thị trường đang tiếp tục có sự phục hồi tăng trưởng. Từ đó có thể khiến mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2016 của NHNN đưa ra sẽ cao hơn năm 2015, ở mức từ 18-20%.