Dự tính bội chi ngân sách năm 2019 khoảng 3,6% GDP
Cụ thể, theo dự toán, tổng thu cân đối NSNN năm 2019 khoảng 1.411,3 nghìn tỷ đồng, tăng 3,9% so ước thực hiện năm 2018. Tỷ lệ huy động vào NSNN khoảng 23% GDP; trong đó từ thuế, phí khoảng 20% GDP.
Bộ Tài chính cho biết, dự toán NSNN năm 2019 được xây dựng trên cơ sở dự kiến tăng trưởng kinh tế 6,6-6,8%, giá trị GDP dự kiến khoảng 6,17 triệu tỷ đồng, giá dầu thô khoảng 65 USD/thùng.
Trong dự toán đã tính thu NSNN sẽ có nguồn tăng thêm từ khoản thuế suất tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá sẽ tăng đến mức 75% (hiện là 70%) và tăng thuế suất bảo vệ môi trường từ 1/1/2019. Thu NSNN cũng có khoản tăng thêm từ tỷ lệ lãi dầu khí nước chủ nhà để lại cho Tập đoàn Dầu khí từ 28% lên 32%. Nhưng năm 2019 sẽ cắt giảm thuế suất thuế nhập khẩu theo các Hiệp định thương mại tự do.
Trong tổng thu NSNN 2019, 83,2% là thu nội địa (1.173,5 nghìn tỷ đồng), thu từ dầu thô là 44,6 nghìn tỷ đồng (3,2% tổng dự toán thu NSNN). Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu dự kiến ở mức 189,2 nghìn tỷ đồng, bằng 13,4% tổng dự toán thu NSNN. Thu từ viện trợ là 4 nghìn tỷ đồng.
Chi NSNN 2019 được dự toán theo hướng tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, chi trả lãi đầy đủ, đúng hạn... Dự kiến tổng chi cân đối NSNN năm 2019 là 1.633,3 nghìn tỷ đồng, tăng 7,2% so dự toán năm 2018.
Cụ thể, chi thực hiện cải cách tiền lương theo phương án từ 1/7/2019 điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,39 triệu đồng/tháng lên 1,49 triệu đồng/tháng, lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công tăng tương ứng. Và chi dự phòng, dự trữ quốc gia theo quy định để đảm bảo xử lý kịp thời các nhiệm vụ cấp bách, phát sinh trong năm.
Trong đó, chi đầu tư phát triển: 429,3 nghìn tỷ đồng, bằng 26,3% tổng chi NSNN, tăng 7,4% so dự toán năm 2018. Chi trả nợ lãi là 124,8 nghìn tỷ đồng, bằng 7,6% tổng chi NSNN, tăng 11% so với dự toán năm 2018.
Chi thường xuyên bao gồm cả chi tạo nguồn cải cách tiền lương và tinh giản biên chế là 1042,8 nghìn tỷ đồng, bằng 63,8% tổng chi NSNN, tăng 6,8% so với dự toán năm 2018.
Bội chi NSNN năm 2019 là 222 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 3,6% GDP.
Bộ Tài chính dự kiến nợ công đến hết năm 2019 bằng khoảng 61,3% GDP thấp hơn mức nợ 61,4% dự kiến đến hết năm 2018. Nợ Chính phủ bằng khoảng 52,2% GDP, nợ nước ngoài quốc gia bằng khoảng 49,9% GDP.
Trong báo cáo dự toán Bộ Tài chính cũng lường trước một số rủi ro. Trong đó có rủi ro về thu NSNN do các diễn biến thực tế chưa lượng hóa đầy đủ đối với tác động của việc cắt giảm thuế theo Hiệp định thương mại tự do. Thu cũng sẽ gặp rủi ro nếu nguồn thu từ cổ phần hóa, thu cổ tức và lợi nhuận sau thuế ở doanh nghiệp nhà nước không đạt.
Trong bối cảnh dư địa tăng thu NSNN không còn nhiều, Bộ cho rằng nếu có các yêu cầu đột xuất trong chi, như rủi ro giải ngân vượt kế hoạch nguồn vốn ngoài nước thì sẽ tác động đến bội chi NSNN và nợ công.
Bên cạnh đó, trường hợp GDP thực tế không đạt thì thu NSNN sẽ ảnh hưởng, kéo theo tỷ lệ bội chi, nợ công tính trên GDP sẽ tăng lên. Và nếu có các biến động lớn về lãi suất, tỷ giá... sẽ làm tăng nghĩa vụ trả nợ gốc. Những rủi ro này cũng ảnh hưởng tới việc cơ cấu lại kỳ hạn và lãi suất các khoảng vay của nợ công.
“Việc cơ cấu lại kỳ hạn và lãi suất các khoảng vay sẽ chỉ thực hiện được khi thị trường diễn biến thuận lợi, có bước phát triển khá, cả về chiều rộng và chiều sâu”, báo cáo lưu ý.
Báo cáo công khai Dự toán NSNN năm 2019 Chính phủ trình Quốc hội do Bộ Tài chính biên soạn. Bộ đang công khai báo cáo này để xin ý kiến đóng góp.