Gần 800 hợp tác xã chưa được giải thể
Các hợp tác xã này tập trung chủ yếu tại các tỉnh phía Bắc như: Hà Nội (53 hợp tác xã), Hải Phòng (49 hợp tác xã), Vĩnh Phúc (37 hợp tác xã), Lào Cai (44 hợp tác xã), Bắc Giang (115 hợp tác xã), Quảng Ninh (33 hợp tác xã),…
Đa số các hợp tác xã nông nghiệp ở phía Bắc đều gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh |
Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn sở dĩ các hợp tác xã kể trên đã ngừng hoạt động nhưng chưa giải thể được là vì nhiều nguyên nhân. Trong đó có cả các nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan.
Về phía nguyên nhân chủ quan, Cục Kinh tế hợp tác cho rằng, hiện nay bộ máy và năng lực cán bộ quản lý Nhà nước ở các các cấp địa phương còn thiếu và yếu. Việc xử lý tài sản, đặc biệt là tài sản không chia của các hợp tác xã (bao gồm các tài sản hình thành từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước, các tổ chức và tài sản tích lũy của hợp tác xã do Điều lệ quy định là tài sản không chia) còn lúng túng.
Ngoài ra, xử lý công nợ của hợp tác xã (bao gồm nợ thuế và các khoản phải nộp Nhà nước, nợ các tổ chức tín dụng, nợ các thành viên và các khoản nợ khác; nợ phải thu của thành viên và các tổ chức, cá nhân với hợp tác xã...) cũng gặp nhiều khó khăn.
Về mặt khách quan, Cục Kinh tế hợp tác cho rằng, hiện nay về mặt pháp lý giải thể hợp tác xã cũng còn thiếu một số quy định cụ thể. Chẳng hạn như hướng dẫn thủ tục đăng ký chuyển đổi hợp tác xã sang DN và các loại hình kinh tế khác; hướng dẫn xử lý tài sản (bao gồm cả thanh lý tài sản) hình thành từ nhiều nguồn vốn (vốn hỗ trợ, trợ cấp của Nhà nước, từ quỹ đầu tư phát triển hàng năm, vốn góp của các thành viên,...) khi hợp tác xã giải thể, phá sản; hướng dẫn việc kiểm toán hợp tác xã; hướng dẫn xử lý các khoản nợ các tổ chức tín dụng của hợp tác xã khi giải thể, phá sản…