Gia Lai cần tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông sản
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các bộ, ngành và tỉnh Gia Lai chủ trì Hội nghị |
Tham dự hội nghị có đại diện nhiều lãnh đạo Bộ, ngành và hơn 400 nhà đầu tư tham gia thảo luận và kết ký hợp tác đầu tư, ký kết hợp tác tài trợ vốn cho các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Theo đánh giá của các chuyên gia, Gia Lai có nhiều tiềm năng phát triển. Với khí hậu ôn hoà, địa hình phân thành 3 vùng rõ rệt, nằm đan xem nhau đó là thung lũng đồng bằng, vùng cao nguyên, vùng đồi núi nên quỹ đất canh tác nông nghiệp lớn, tạo cho Gia Lai những lợi thế để phát triển chuyên canh cây công nghiệp ngắn ngày và dài ngay rất đa dạng, kéo theo đó là ngành công nghiệp chế biến nông sản theo hướng hiện đại, tiên tiến.
Thế nhưng trên thực tế thu hút đầu tư của của địa phương còn rất hạn chế. Theo đó, đến nay địa phương này mới có 5 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn khiêm tốn là 12 triệu USD, xếp thứ 61 trong số 63 tỉnh, thành. Nguyên nhân một phần cũng do những trở ngại về cơ chế, thủ tục, về hạ tầng… Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đứng thứ 47 cả nước.
Tại hội nghị này, Gia Lai đưa ra danh mục các dự án thu hút đầu tư trong các lĩnh vực du lịch; nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến. |
Gia Lai có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển cây công nghệp có giá trị cao như cà phê... |
... kéo theo đó là ngành công nghiệp chế biến nông sản |
Ông Nguyễn Văn Hòe, Giám đốc Công ty Đường An Khê, đơn vị đầu tư chế biến sản phẩm nông sản đề nghị, Chính phủ và địa phương quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng để giảm chi phí vận chuyển cho DN. Cùng đó, cần hoàn thiện chính sách đất đai để khai thác tiềm năng phát triển nông nghiệp tại Gia Lai. Nhu cầu của DN là gắn với người nông dân, tích tụ đất đai để đưa cơ giới hóa vào và áp dụng khoa học công nghệ. Tuy nhiên, chính sách tích tụ đất đai bị hạn chế. Đây là điều mà DN mạnh dạn đề nghị Thủ tướng, các Bộ, ngành và tỉnh cần xem xét. Khi tích tụ được đất đai thì người nông dân, doanh nghiệp và Gia Lai mới có thể phát triển.
Giải đáp băn khoăn của các nhà đầu tư, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, bộ máy tốt và chính quyền phục vụ sự phát triển là yếu tố quyết định thành công. Nêu bật những tiềm năng, lợi thế cũng như cơ hội đầu tư vào Gia Lai, Thủ tướng Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ ra những mặt bất cập, tồn tại của địa phương này.
“Chính quyền địa phương ở Tây Nguyên cũng như Gia Lai làm gì cho phát triển?”, Thủ tướng nêu vấn đề và theo ông cần quy hoạch và phát triển nguồn nước ở Tây Nguyên. Trong đó, lưu ý giữ rừng, phát triển rừng, làm hồ chứa... “Nếu không có chiến lược này, không làm tốt việc này thì Tây Nguyên dễ trở thành một sa mạc. Chính phủ sẽ phát triển tốt hơn hệ thống hạ tầng ở Tây Nguyên nói chung và ở Gia Lai nói riêng, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương trong khu vực”, Thủ tướng khẳng định.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho biết, thời gian qua Chính phủ đặc biệt quan tâm đến đầu tư phát triển vùng Tây Nguyên, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư yên tâm làm ăn tại vùng đất này, trong đó có Gia Lai. Ngoài việc quy hoạch phát triển nguồn nước, Chính phủ cũng quan tâm đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Trong đó có Quốc lộ 19, Đường Phú Yên – Gia Lai, Quốc lộ 14, Quốc lộ 25, Đường Hồ Chí Minh…tiếp tục nâng cấp, mở rộng và nối các tuyến; mở rộng sân bay Pleiku để giao thương thuận lợi ở khu vực này.
Để tạo cơ chế thuận lợi hơn cho Gia Lai và các tỉnh Tây Nguyên, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng một cơ chế ưu đãi hơn để giúp giảm chi phí đầu tư cho DN khi bỏ vốn đầu tư vào Gia Lai và Tây Nguyên.
Cùng đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phải chủ trì, phối hợp với NHNN, Bộ Tài chính đề xuất cơ chế để một số sản phẩm đặc trưng của Tây Nguyên có đầu ra ổn định; cho phép nghiên cứu hình thành một số khu du lịch quốc gia tại Gia Lai, tổ chức các Festival, giúp Gia Lai đi bằng cả “ba chân” là nông nghiệp, công nghiệp chế biến và du lịch dịch vụ.
Thủ tướng cũng cam kết, Chính phủ sẽ làm tốt chiến lược kết nối tam giác phát triển Campuchia – Lào - Việt Nam, mang lại cơ hội kinh doanh cho các nhà đầu tư.
Về phía địa phương, Thủ tướng yêu cầu Gia Lai cần có quy hoạch phát triển bền vũng, sử dụng thế mạnh đặc thù, lợi thế và liên kết vùng. Trong đó, có quy hoạch các khu kinh tế, khu công nghiệp, các loại cây trồng, các khu du lịch nổi tiếng. Gia Lai phải có chiến lược phát triển du lịch, xác định rõ phân khúc thị trường khách. Coi nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao và thương hiệu mạnh là hướng đi của địa phương. Cùng đó, cần chú ý đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến gắn với xây dựng thương hiệu các sản phẩm thế mạnh, trong đó có cà phê. Bởi hiện, địa phương này có gần 100.000ha cà phê nhưng lại thiếu thương hiệu cà phê nổi tiếng.
Để thu hút đầu tư, các cấp chính quyền Gia Lai phải phấn đấu trở thành chính quyền đối thoại với DN, có tư duy đổi mới sáng tạo, chủ động đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho DN. Đặc biệt, Gia Lai cần có chiến lược thu hút các nhà đầu tư, DN có tiềm lực, có công nghệ nhằm biến việc xuất thô các sản phẩm cây, con công nghiệp lâu nay sang xuất sản phẩm chế biến sâu nhằm làm tăng giá trị.