Hà Nội khát “cơ chế đặc thù”
Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã đồng ý với tờ trình của Chính phủ về việc đã đến lúc cần phải tạo những cơ chế đột phá về cơ chế tài chính ngân sách cho Hà Nội, để có nguồn lực giải quyết các tồn tại và đảm bảo sự phát triển nhanh của thành phố trong giai đoạn 2016-2020.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải, so với nhu cầu vốn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô giai đoạn 2016-2020 thì cơ chế về tài chính - ngân sách hiện hành chưa đáp ứng được.
“Bình quân thưởng vượt thu và đầu tư trở lại cho thành phố Hà Nội 5 năm qua còn thấp so với quy định, chỉ khoảng 30-35%. Mặc dù thành phố đã được Trung ương bổ sung và hỗ trợ khá cao, như khoản vốn gần 2 tỷ USD ODA cấp phát, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thành phố”, ông Hải nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách cũng cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính ngân sách cho rằng, để tạo thêm kênh huy động nguồn vốn đầu tư, ngoài việc ưu tiên bố trí vốn ODA, thì Chính phủ cần ưu tiên hỗ trợ vốn vay ưu đãi để bổ sung nguồn lực cho Thủ đô Hà Nội.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng đối với Thủ đô Hà Nội, để đảm bảo công bằng trong phân bổ nguồn lực với các địa phương khó khăn khác, cần cân nhắc trong việc cấp phát ODA cho Thủ đô Hà Nội, theo đó nên áp dụng cơ chế tăng mức vay về cho vay lại với lãi suất thấp, vì các dự án ở Thủ đô có thể thu được phí dịch vụ để trả nợ.
Trong hơn 10 năm qua, Hà Nội đã được hưởng một loạt cơ chế đặc thù nhờ Nghị định số 123/2004/NĐ-CP ngày 18/5/2004 và Nghị định số 112/2015/NĐ-CP ngày 3/11/2015. Kết quả là thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn Thủ đô đến năm 2015 tăng gần 5,6 lần so với năm 2004, không những bảo đảm được chi thường xuyên và chi trả nợ, mà còn dành tích luỹ ngày càng cao cho đầu tư phát triển. Chi đầu tư phát triển năm 2004 là 1.998 tỷ đồng, năm 2015 là 22.439 tỷ đồng, tăng khoảng 11 lần. Kể từ khi có Nghị định số 123/2004/NĐ-CP, ngân sách Trung ương đã thưởng và đầu tư trở lại cho thành phố Hà Nội là 11.879 tỷ đồng.
Từ năm 2005 đến 2015, Trung ương đã ưu tiên hỗ trợ nguồn vốn vay dự án ODA và vay ưu đãi cho thành phố Hà Nội khoảng 1.868 triệu USD, chủ yếu theo hình thức ngân sách Trung ương cấp phát hoặc cho ngân sách thành phố vay lại đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị, giáo dục và y tế.
Tuy nhiên, ông Hoàng Trung Hải - Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết rằng, trong 5 năm gần đây, Hà Nội đang phải đối mặt với việc gia tăng mật độ dân số, nhà ở, giao thông, nhưng rất nan giải. “Thách thức của Hà Nội hiện nay rất lớn, nên UBTVQH cần xem xét đánh giá và có giải pháp tài chính đặc thù với Hà Nội để giải quyết những khó khăn hiện nay”, ông Hải đề nghị.
Chia sẻ với những khó khăn của thu NSNN, song ông Hải cũng cho rằng, Luật Thủ đô dù đã ban hành vài năm, nhưng chưa thực hiện hiệu quả. Vì vậy, theo ông, Chính phủ vẫn có thể ban hành Nghị định với một số cơ chế đặc thù hơn, để có thể tạo điều kiện cho Hà Nội giải quyết nhu cầu phát triển mà vẫn chia sẻ được với Trung ương. Trên cơ sở đó, đề nghị UBTVQH cần xem xét điều chỉnh mức chi thường xuyên và định đầu tư cho Hà Nội. Bên cạnh đó, Chính phủ cần đưa các dự án, công trình trọng điểm vượt tầm của Thủ đô vào danh sách được bố trí vốn đầu tư để UBTVQH xem xét thông qua.
Đề nghị này được UBTVQH nhất trí thông qua. Về số bội chi, UBTVQH vẫn thống nhất là không quá 65% số thu, nhưng nếu trường hợp Hà Nội thấy cần tăng thêm thì báo cáo với Chính phủ và UBTVQH xem xét nới bội chi khi cần thiết. Chính phủ cũng cần xem xét tạo điều kiện để tháo gỡ khó khăn cho Hà Nội theo hướng phân cấp mạnh hơn, đặc biệt chú ý đến các khoản thu từ tiền sử dụng đất hay cổ phần hoá DNNN do Hà Nội quản lý trên tinh thần phải tạo đột phá hơn và đảm bảo nguồn lực cho Hà Nội.