Hạn chế rác thải nhựa
Xây dựng một cộng đồng không rác thải nhựa | |
Đến năm 2025, giảm thiểu 50% rác thải nhựa đại dương | |
Ra quân phong trào chống rác thải nhựa |
Từ cuối tháng 7, UBND TP. HCM đã ban hành kế hoạch thực hiện phong trào "Chống rác thải nhựa" trên địa bàn giai đoạn 2019-2021. Trước tiên, UBND TP. HCM yêu cầu từ ngày 1/8/2019 trở đi, các cơ quan hành chính nhà nước, các đơn vị sự nghiệp trên địa bàn có kế hoạch cắt giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần trong các cuộc họp, hội nghị, hội thảo và các hoạt động khác của cơ quan, đơn vị; hạn chế sử dụng nước uống đóng chai trong công sở và khi tổ chức các hội nghị, hội thảo…
Ảnh minh họa |
Theo đó, TP. HCM cũng đặt mục tiêu đến hết ngày 31/12/2020, 100% hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, nhà sách... trên địa bàn TP. HCM sử dụng các bao bì thân thiện môi trường thay thế túi ni lông khó phân hủy; các tiểu thương tại các chợ dân sinh giảm 50% sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong việc đóng gói, đựng sản phẩm cho khách hàng. Các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, chợ... có các hình thức khuyến khích người tiêu dùng mang túi khi mua sắm, hạn chế hoặc không phát miễn phí túi ni lông; hướng đến việc tính phí túi, bao bì đựng hàng hóa đối với người tiêu dùng có nhu cầu sử dụng khi không đem túi khi đi mua sắm; nghiên cứu bố trí điểm thu hồi túi ni lông đã qua sử dụng... Các cửa hàng tiện lợi, ăn uống... có chính sách giảm giá, tích lũy điểm cho những khách hàng có mang theo sản phẩm để chứa, đựng hàng hóa, thức ăn, nước uống.
Từ năm 2011, các DN nhựa đã có sự chuẩn bị cho việc chuyển hướng sang sản xuất bao bì thân thiện với môi trường, bao bì nilông tự phân hủy. Dù vậy, đại diện Hiệp hội Nhựa cho hay vẫn chưa có hội viên chính thức bắt tay làm bởi chi phí sản xuất bao bì bằng tinh bột tự hủy cao gấp 3 lần so với bao bì nhựa.
Do đó cách hiệu quả hơn hết theo các cơ quan chức năng đó là đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích những cá nhân, tổ chức đưa các sản phẩm chất tự nhiên vào sản xuất vật dụng sinh hoạt hàng ngày như quần áo, túi, giày, dép… Để thay thế đồ nhựa, túi nhựa đựng thực phẩm nên đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, tích cực sử dụng túi dùng nhiều lần thay thế túi ni lông dùng 1 lần để đi mua hàng hóa; đánh thuế cao đối với các DN sản xuất và người tiêu dùng. Có như vậy thì cả đơn vị sản xuất và người dân mới hạn chế sản xuất, sử dụng túi ni lông nói riêng và các sản phẩm có chất làm bằng nhựa.
Một tín hiệu vui cho nỗ lực ban đầu của các đơn vị khi ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc marketing Saigon Co.op chia sẻ, khoảng 30%-40% khách hàng có ý thức tốt về hạn chế túi nilông, dùng ít hoặc từ chối dùng túi này khi đi mua sắm. Đây chỉ là con số thống kê sơ bộ ở một đơn vị, nhưng con số trở thành khích lệ cao, giúp nhà sản xuất lẫn nhà phân phối có thêm động lực thực hiện các chương trình chống rác thải nhựa dài hơi hơn.