Hiệp hội QTDND Việt Nam: Điểm tựa niềm tin của QTDND
Hệ thống QTDND: Tạo đà phát triển kinh tế tập thể | |
Ngân hàng hợp tác: Khẳng định vai trò ngân hàng của các QTDND |
Từ ngày 1/1/2016, thuế thu nhập doanh nghiệp mà các QTDND phải nộp chỉ là 17%, thấp hơn mức mà các tổ chức tín dụng phải nộp là 20%; trước đó mức thuế là 20%, thấp hơn mức chung là 25%.
Đây chỉ là một trong những nỗ lực của Hiệp hội QTDND trong nhiệm kỳ II (2010-2015) phối hợp cùng NHHT phát huy vai trò cầu nối giữa hội viên và các cơ quan chức năng của Nhà nước để bảo vệ quyền lợi và lợi ích cho hội viên cho dù trong nhiệm kỳ có nhiều biến động lớn về nhân sự chủ chốt.
Ảnh minh họa |
Phát huy vai trò cầu nối, hỗ trợ hệ thống
Phó Tổng thư ký Hiệp hội QTDND Nguyễn Vĩnh Hưng cho biết, trong nhiệm kỳ vừa qua, Hiệp hội QTDND thông tin, phối hợp cùng NHHT đề xuất kiến nghị thông qua cơ quan quản lý là NHNN Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tham gia ý kiến đối với một số dự thảo luật chuyên ngành kiên quan đến hoạt động của hệ thống QTDND như: Luật các TCTD, Luật thuế, Luật hợp tác xã, Nghị định về hội và quản lý hội cũng như một số các Thông tư điều chỉnh hoạt động đối với TCTD là hợp tác xã.
Với sự vận động của Hiệp hội đến các cơ quan chức năng, cơ chế tài chính của các QTDND thêm thông thoáng, khích lệ được tinh thần đóng góp, cống hiến của các thành viên QTDND như cho phép hạch toán các khoản phụ cấp cho thành viên HĐQT, ban kiểm soát, bán chuyên trách vào chi phí hoạt động của QTDND; Các bộ ngành chức năng cũng đã có văn bản hướng dẫn về chế độ trợ cấp thôi việc với cán bộ QTDND, về giao dịch đảm bảo trong hoạt động QTDND, về chế độ báo cáo. Để rồi nhìn lại cả nhiệm kỳ hầu hết những kiến nghị, đề xuất của hiệp hội với các cơ quan quản lý nhà nước đều được xem xét và có sự điều chỉnh phù hợp với thực tiễn hoạt động của QTDND.
Vai trò tư vấn và hỗ trợ hệ thống của Hiệp hội cũng được đẩy mạnh. Không chỉ giải đáp thắc mắc trong các nghiệp vụ chuyên môn, Hiệp hội còn tư vấn về thuế, tổ chức, thủ tục đăng ký kinh doanh, mở phòng giao dịch; bảo hiểm xã hội; trợ cấp thất nghiệp. Cùng với đó, Hiệp hội đã tập hợp các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của QTDND theo mảng nghiệp vụ và in thành sách để QTDND tra cứu và tham khảo trong quá trình hoạt động.
Thương hiệu riêng cho hệ thống QTDND ngày càng rõ nét với việc Hiệp hội tiến hành thiết kế, cung cấp huy hiệu, áo mưa, áo phông mang hình logo cho các QTDND. Công tác tuyên truyền không chỉ trên Website mà mở rộng ra các báo chí trong và ngoài ngành, đặc biệt là chuyên trang phối hợp cùng Ngân hàng Hợp tác đăng tải trên Thời báo Ngân hàng đã góp phần quảng bá hình ảnh QTDND sâu rộng ra công chúng.
Công tác đào tạo cũng trở thành một điểm nổi bật trong nhiệm kỳ. Hiệp hội đã tiến hành phổ biến, trao đổi kinh nghiệm, tổ chức tập huấn, đào tạo nghiệp vụ cho các QTDND hội viên, thực hiện nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ và quản lý trong lĩnh vực QTDND.
Đồng thời cung cấp thông tin cần thiết cho hội viên, tuyên truyền và trao đổi thông tin, kinh nghiệm về QTDND thông qua website của Hội, phát hành bản tin định kỳ hay phối hợp với các đơn vị có liên quan.
Ngoài ra, Hiệp hội tham gia tích cực vào các hoạt động đối ngoại, tranh thủ sự hỗ trợ kỹ thuật của WB, tổ chức phát triển quốc tế Desjardins (Canada), tổ chức GIZ (Đức) nâng cao năng lực cũng như kiện toàn hoạt động, tổ chức của Hiệp hội.
Ví như Hiệp hội đã cùng với Ngân hàng Hợp tác triển khai có hiệu quả Dự án Liên kết nông thôn - thành thị chống đói nghèo do quỹ Bill & Melinda Gates tài trợ với mục tiêu nâng cao mức độ sử dụng dịch vụ tài chính của người nghèo nông thôn, mở rộng phạm vi tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính, tăng cường sử dụng dịch vụ chuyển tiền và thẻ liên kết trong hệ thống.
Hiện Hiệp hội đã gia nhập Hiệp hội các Định chế tài chính Cộng đồng Liên kết là một mạng lưới quốc tế với trên 30 định chế tài chính để tranh thủ sự hợp tác đối với hệ thống QTDND Việt Nam.
Hiệp hội đã từng bước kiện toàn bộ máy tổ chức thông qua việc thành lập và quản lý chi hội, văn phòng đại diện, các tổ chức, đơn vị trực thuộc và quỹ an toàn theo quy định của pháp luật nhằm đảm bảo cho hệ thống QTDND phát triển an toàn, hiệu quả và bền vững.
Kỳ vọng những bứt phá mới
Đánh giá cao vai trò của Hiệp hội đối với sự phát triển của hệ thống QTDND, đến dự và chỉ đạo hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh cũng đã chỉ ra những khó khăn, tồn tại cần khắc phục.
Đó là bộ máy tổ chức của Hiệp hội chưa được kiện toàn đầy đủ nên vai trò đầu mối phối hợp liên kết và thúc đẩy liên doanh, liên kết giữa các QTDND hội viên vì lợi ích của từng QTDND hội viên và của cả hệ thống QTDND, hỗ trợ các QTDND hội viên trong việc chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm quản lý, xúc tiến các hoạt động của QTDND còn yếu.
Hoạt động của Cơ quan thường trực Hiệp hội và các văn phòng đại diện còn hạn chế, chưa chủ động kịp thời quán triệt, phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn cơ chế, chính sách do NHNN ban hành đối với hoạt động của QTDND cũng như thể hiện vai trò cầu nối giữa các QTDND hội viên với các cơ quan quản lý nhà nước và Ngân hàng Hợp tác xã.
Trình độ của một số cán bộ Hiệp hội QTDND vẫn chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn, đặc biệt là đội ngũ cán bộ chủ chốt tại các Phòng, Ban của Cơ quan thường trực và công ty tin học.
Chính vì vậy, để phát huy những kết quả đã đạt được của Hiệp hội QTDND, đồng thời từng bước tháo gỡ những tồn tại, khó khăn, Phó Thống đốc đề nghị trong thời gian tới Hiệp hội QTDND cần tập trung thực hiện tốt việc tăng cường mối liên kết của Hiệp hội QTDND với các QTDND hội viên, thực sự trở thành đầu mối cũng như là cầu nối giữa QTDND hội viên với cơ quan nhà nước và Ngân hàng Hợp tác xã.
Phó Thống đốc chỉ đạo Hiệp hội tiếp tục kiện toàn bộ máy tổ chức, đặc biệt là trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ chủ chốt, cán bộ tin học, xem tin học là mấu chốt cho sự phát triển và hiệu quả hoạt động, quản lý. Đồng thời nghiên cứu, tiếp thu kinh nghiệm quốc tế nhằm tư vấn cho các QTDND đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ góp phần tạo nguồn thu ổn định, lâu dài, từng bước cải thiện tiềm lực tài chính của Hiệp hội.
"Với mong muốn xây dựng và tạo lập được hệ thống QTDND phát triển an toàn, bền vững, hệ thống QTDND nói chung và Hiệp hội QTDND nói riêng cần tranh thủ sự quan tâm hơn nữa của cấp ủy, Chính quyền địa phương các cấp", Phó thống đốc đề nghị.
Đặc biệt, với một bộ máy điều hành của Hiệp hội được kiện toàn tại Đại hội nhiệm kỳ lần III ngày 30/3/2016, Phó Thống đốc hy vọng đây sẽ là động lực tháo gỡ khó khăn, phát huy tích cực vai trò đầu mối, liên kết hệ thống giữa các QTDND thành viên, giúp các QTDND thành viên hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần đảm bảo cho hệ thống QTDND hoạt động an toàn, lành mạnh, qua đó góp phần thực thi chính sách tiền tệ, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Ngày 30/3/2016, Đại hội nhiệm kỳ III của Hiệp hội QTDND Việt Nam đã tổng kết nhiệm kỳ hoạt động 2010 – 2015 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho nhiệm kỳ mới 2016 – 2020. Đại hội cũng đã tổ chức bầu Ban chấp hành, Ban kiểm tra nhiệm kỳ III, bầu các chức danh Chủ tịch, Phó chủ tịch, Trưởng ban kiểm tra nhiệm kỳ III. Kết quả, ông Nguyễn Quốc Cường, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Hợp tác xã được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội thay người tiền nhiệm là ông Trần Quang Khánh hiện đang là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng hợp tác. |