Ngân hàng hợp tác: Khẳng định vai trò ngân hàng của các QTDND
NHHT: Nâng cao nội lực để hỗ trợ hệ thống |
Tính đến hết năm 2015, số lượng QTDND là 1.148 quỹ, tăng 2 QTDND so với năm 2014. Số lượng QTDND lớn cùng với doanh số nhận vốn điều hòa từ các QTDND liên tục tăng từ đầu năm, trong khi doanh số cho vay điều hòa vốn giảm, dẫn đến hoạt động của Ngân hàng Hợp tác (NHHT) thêm một năm khó khăn trong tình trạng dư thừa vốn. Tuy nhiên dù trong điều kiện nào, NHHT cũng luôn cố gắng hoàn thành tốt vai trò đầu mối liên kết hệ thống, tích cực hỗ trợ các QTDND hoạt động an toàn, hiệu quả.
Ông Đỗ Mạnh Hùng |
Tổng giám đốc NHHT Đỗ Mạnh Hùng chia sẻ với phóng viên Thời báo Ngân hàng trước thềm Đại hội thành viên lần thứ ba.
Thưa ông, ông có thể nói rõ hơn về vai trò điều hoà vốn trong hệ thống của NHHT năm 2015?
Có thể nói, trong năm 2015, NHHT đã làm tốt công tác cho vay điều hoà vốn đối với các QTDND thành viên, luôn đáp ứng đầy đủ và kịp thời nhu cầu vốn để mở rộng tín dụng cũng như hỗ trợ thanh khoản của các QTDND.
Tính đến 31/12/2015 số dư tiền gửi điều hòa từ các QTDND gửi về NHHT là 10.193 tỷ đồng, tăng 15,6% so với 31/12/2014 là 1.098 tỷ đồng, doanh số nhận tiền gửi điều hòa là 26.005 tỷ đồng, doanh số chi trả tiền gửi điều hòa 24.781 tỷ đồng. Qua tình hình huy động vốn trong những năm qua cho thấy tiền gửi điều hòa từ các QTDND tại NHHT có xu hướng tăng cao, có thời điểm số dư tiền gửi của các QTDND tại NHHT lên tới gần 12.000 tỷ đồng.
Trong năm 2015, doanh số cho vay QTDND đạt 9.741 tỷ đồng, doanh số thu nợ QTDND là 9.694 tỷ đồng. Tổng dư nợ cho vay của NHHT đối với QTDND là 4.579 tỷ đồng. Bên cạnh vai trò hỗ trợ các QTDND mở rộng tín dụng, trong năm 2015, NHHT tiếp tục cho vay hỗ trợ chi trả tiền gửi thiếu hụt tạm thời đối với các QTDND đang hoạt động bình thường.
Các nhu cầu vay vốn để chi trả tiền gửi cho người gửi tiền của QTDND đang hoạt động bình thường đều được NHHT đáp ứng đầy đủ, kịp thời đã góp phần tăng uy tín và đảm bảo an toàn trong hoạt động của QTDND. Trong năm 2015, doanh số cho vay QTDND để hỗ trợ chi trả tiền gửi là 617,98 tỷ đồng, dư nợ đến 31/12/2015 là 53,107 tỷ đồng.
Cùng với đó NHHT đã triển khai các chính sách hỗ trợ các QTDND khắc phục khó khăn theo đề án củng cố, chấn chỉnh hoạt động đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt góp phần tạo điều kiện cho các QTDND trở lại hoạt động bình thường.
Đối với các QTDND có dấu hiệu mất an toàn, gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn chi trả tiền gửi, NHHT đã tư vấn hỗ trợ kịp thời các QTDND về biện pháp khắc phục, xây dựng phương án củng cố, chấn chỉnh. Đồng thời khẩn trương báo cáo và đề xuất lên Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, thành phố; cấp ủy, chính quyền địa phương để có sự phối hợp và chỉ đạo kịp thời, triển khai các biện pháp tuyên truyền giải thích đến khách hàng gửi tiền và thành viên QTDND.
NHHT cho vay hỗ trợ thanh khoản kịp thời đến QTDND để chi trả tiền gửi cho người gửi tiền ngay sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Như ông đã nói số dư tiền gửi điều hòa từ các QTDND gửi về NHHT đến hết năm 2015 là 10.193 tỷ đồng, tăng 1.098 tỷ đồng so với 31/12/2014, trong khi dư nợ cho vay NHHT là 4.579 tỷ đồng, chỉ tăng 47 tỷ đồng. Vậy, phải chăng vẫn còn những vướng mắc trong việc bơm vốn đến các thành viên?
Có thể nói năm 2015 là một năm mà NHHT rất nỗ lực trong việc đẩy mạnh cho vay xuống các thành viên. Đặc biệt, năm 2015, NHHT đã tập trung hỗ trợ hệ thống QTDND cho vay mở rộng tín dụng. Đối với những QTDND làm ăn hiệu quả, chất lượng tín dụng tốt khi có nhu cầu tăng hạn mức tín dụng để cho vay thành viên đều được NHHT hỗ trợ.
Đối với QTDND mới thành lập trong thời hạn 2 năm và các QTDND hoạt động ở vùng sâu, vùng xa khi có nhu cầu vay vốn, NHHT đã nâng hạn mức cho vay mở rộng tín dụng lên tối đa 70% trên tổng dư nợ cho vay thành viên.
Cùng với việc mở rộng cho vay ngắn hạn, NHHT đã tập trung nguồn vốn để cho vay trung, dài hạn nhằm tạo điều kiện hỗ trợ QTDND cho vay thành viên có nhu cầu mở rộng sản xuất, kinh doanh với dư nợ tăng lên 1.103 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tất cả những nỗ lực đó cũng chỉ làm tăng dư nợ lên 47 tỷ đồng, điều này cho thấy, có rất nhiều QTDND có nguồn vốn huy động dồi dào đã tận dụng vốn tự có để mở rộng cho vay thành viên và giảm dư nợ vay tại NHHT.
Đây cũng là một khó khăn đối với hoạt động của NHHT trong năm 2015. Để giải quyết vấn đề này nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tiếp tục mở rộng quy mô tăng trưởng để có điều kiện hỗ trợ tài chính cho hệ thống QTDND, trong năm 2015, NHHT mở rộng cho vay đối với khách hàng là các doanh nghiệp và cá nhân.
Đặc biệt NHHT đã đẩy mạnh sản phẩm cho vay liên kết với QTDND để triển khai cho vay không có đảm bảo bằng tài sản đối với giáo viên tại các trường học đóng trên địa bàn hoạt động nhằm phát triển sản xuất, kinh doanh và cải thiện đời sống theo đúng định hướng ưu tiên cho vay khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Tuy nhiên việc cho vay ngoài hệ thống chỉ được phép tăng theo hạn mức nhất định. Thời điểm dư thừa cao nhất lên tới trên 5.000 tỷ đồng, trong khi đó, nguồn vốn dư thừa này lại không được dùng để cho vay trung dài hạn, mua trái phiếu Chính phủ và đưa vào các kênh đầu tư khác do bị khống chế bởi phương thức tính tỷ lệ an toàn của Thông tư 36. Nguồn vốn dư thừa chỉ có thể gửi trên thị trường liên ngân hàng lãi suất thấp, đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả kinh doanh của NHHT.
Những khó khăn này, chúng tôi cũng trình với Ngân hàng Nhà nước và hy vọng tới đây với việc sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN, Ngân hàng Nhà nước sẽ có quy định riêng đối với NHHT.
NHHT đã triển khai nhiều lớp đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ cho lãnh đạo và cán bộ QTDND |
Công tác điều hòa vốn trong hệ thống chỉ là một phần trong vai trò ngân hàng đầu mối hệ thống QTDND của NHHT. Còn các trợ lực khác trong năm qua của NHHT đối với các QTDND như thế nào, thưa ông?
Nếu như những năm trước đây, NHHT là nguồn cung về vốn cho các QTDND mở rộng quy mô hoạt động, thì đến nay, nhu cầu của các QTDND đã cao hơn với những kỳ vọng về việc cung cấp sản phẩm dịch vụ hiện đại, hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị, thanh khoản đúng vai của một ngân hàng đầu mối hệ thống.
Những kỳ vọng ấy tạo thêm lực đẩy NHHT trong quá trình củng cố nâng cao nội lực thực hiện tốt vai trò đầu mối liên kết hệ thống góp phần hỗ trợ các QTDND phát triển an toàn và bền vững trong năm 2015.
Đến nay, NHHT đã kết nạp 350 QTDND tham gia hệ thống chuyển tiền, hiện còn gần 100 QTDND đã được NHHT đào tạo nghiệp vụ thanh toán chuyển tiền đang chờ cấp phép của Ngân hàng Nhà nước.
Trong năm 2015, NHHT đã triển khai nhiều lớp đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ cho hơn 2.300 học viên là lãnh đạo và cán bộ QTDND về nghiệp vụ thanh toán chuyển tiền; thẩm định tín dụng, phân tích tài chính và quản trị rủi ro.
NHHT cũng phối hợp với Học viện Ngân hàng, Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh tổ chức các lớp trung cấp và đại học hệ vừa học vừa làm cho cán bộ QTDND tại một số tỉnh, thành phố.
Ngoài việc thực hiện điều hòa vốn, hỗ trợ khả năng thanh khoản, NHHT còn xây dựng, ban hành một số văn bản nghiệp vụ nhằm triển khai các hoạt động tư vấn, cảnh báo rủi ro,… giúp cho hoạt động của QTDND triển khai có hiệu quả và thực hiện tỷ lệ an toàn trong hoạt động theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước.
NHHT cũng đã xây dựng xong bộ tiêu chí đánh giá chất lượng hoạt động theo quy trình của hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ để phân tích, đánh giá thực trạng hoạt động của từng QTDND, từ đó triển khai có hiệu quả công tác điều hòa vốn và tư vấn các QTDND khắc phục khó khăn.
Cơ sở dữ liệu về tình hình hoạt động của hệ thống QTDND đang được hình thành từ tổng hợp thông tin báo cáo của các QTDND gửi lên, qua đó xây dựng các tiêu chí về đánh giá từ xa tình hình thực hiện các chỉ tiêu an toàn, chất lượng hoạt động… từ đó tư vấn nghiệp vụ cho các QTDND thực hiện có hiệu quả hoạt động của mình.
NHHT đã hướng dẫn các QTDND triển khai việc phát hành thẻ thành viên QTDND theo quy định tại Thông tư 04/2015/TT-NHNN, thống nhất trên cả nước, góp phần từng bước xây dựng và quảng bá thương hiệu của hệ thống QTDND.
Quỹ bảo toàn hệ thống đã đi vào hoạt động được hơn một năm, ông có thể chia sẻ thêm về việc triển khai hoạt động hỗ trợ QTDND từ quỹ này?
Thực hiện quy định của Ngân hàng Nhà nước, đến nay NHHT và các QTDND đã triển khai tích cực việc nộp phí bảo toàn năm 2014, năm 2015. Tính đến ngày 16/3/2016, tổng nguồn vốn Quỹ bảo toàn đã đạt 76,589 tỷ đồng. Việc sử dụng nguồn vốn Quỹ bảo toàn đã được thực hiện theo đúng quy định nhằm hỗ trợ có hiệu quả các QTDND gặp khó khăn.
Đến nay, Quỹ bảo toàn đã triển khai cho vay 15,5 tỷ đồng hỗ trợ 7 QTDND khó khăn về tài chính để có thể trở lại hoạt động bình thường.
Một trong những yếu tố tích cực nữa là cùng với sự hỗ trợ về nguồn vốn, sự hỗ trợ về tài chính qua việc giảm, miễn lãi suất cho vay để giảm bớt khó khăn cho QTDND trong quá trình củng cố chấn chỉnh, NHHT và Ban quản lý quỹ đã tham mưu lên Ngân hàng Nhà nước về các giải pháp khắc phục khó khăn, xây dựng định hướng hoạt động khả thi, giúp cho QTDND triển khai các biện pháp tích cực hơn, nhằm sớm phục hồi trở lại hoạt động bình thường.
Đồng thời tư vấn cho các QTDND tranh thủ sự chỉ đạo của chính quyền địa phương trong việc phối hợp với các cơ quan chức năng để làm việc với các cá nhân vi phạm phải bồi thường thiệt hại gây ra. Do vậy QTDND đã đạt được những kết quả nhất định trong quá trình khắc phục khó khăn, dần dần lấy lại được lòng tin của thành viên và nhân dân trên địa bàn.
Kết quả này càng thêm khẳng định ý nghĩa quan trọng của việc ra đời và hoạt động của Quỹ bảo toàn đối với sự an toàn, phát triển hệ thống QTDND. Nó khẳng định tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động của mỗi QTDND, tính liên kết và tương trợ cộng đồng trong hệ thống.
Kết quả tích cực mang lại không chỉ giúp bản thân QTDND đó khắc phục khó khăn, sớm phục hồi trong hoạt động mà còn hướng đến sự an toàn, phát triển lành mạnh và bền vững của cả hệ thống QTDND.
Xin trân trọng cảm ơn ông!