Hỗ trợ DN vùng kinh tế Bắc bộ phát triển bền vững
Hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ | |
Quảng Ninh: Để di sản không ngủ quên |
Hội nghị cũng là dịp để ngân hàng thông tin thêm về cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, các chương trình, chính sách tín dụng, các hoạt động hỗ trợ phát triển sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ và xuất khẩu các sản phẩm chủ lực của vùng.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại hội nghị |
Đây là Hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp thứ 5 của NHNN phối hợp với UBND các thành phố tổ chức trong năm nay. Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp vùng KTTĐ Bắc Bộ nhận được sự tham gia của đại biểu đại diện Văn phòng Chính phủ, Ban Nội chính Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, các bộ ngành, Ủy ban nhân dân 7 tỉnh, thành phố vùng KTTĐ Bắc bộ; Đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương; đại diện một số sở, ngành của các địa phương...
Có thể nói, cộng đồng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp tư nhân nói riêng có vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhìn nhận vai trò quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp, Đảng và Nhà nước đã đưa ra nhiều chủ trương, chính sách về phát triển doanh nghiệp như Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, đề ra mục tiêu xây dựng doanh nghiệp Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, trong đó doanh nghiệp tư nhân là động lực nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế.
Bám sát các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, NHNN đã xây dựng các Chương trình hành động của Ngành, triển khai quyết liệt nhiều giải pháp góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy sự phát triển doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Cụ thể, NHNN điều hành chính sách tiền tệ tín dụng chủ động, linh hoạt và đồng bộ nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng phục vụ sản xuất và kinh doanh cho người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, xác định DNNVV là một trong năm lĩnh vực ưu tiên, tạo động lực tăng trưởng kinh tế, NHNN chỉ đạo các TCTD tập trung vốn cho vay, quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với lĩnh vực này thấp hơn từ 1% - 1,5%/năm so với các lĩnh vực thông thường khác.
Đặc biệt, để đồng vốn lan toả rộng hơn, đi sâu vào nền kinh tế, song song với các chương trình tín dụng thương mại, NHNN chỉ đạo các TCTD triển khai các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn trong một số ngành/lĩnh vực như: nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, xuất khẩu, ứng dụng công nghệ cao… Đồng thời yêu cầu các TCTD đơn giản hóa thủ tục vay vốn, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ ngân hàng điện tử hiện đại, góp phần gia tăng tiện ích và tạo thuận lợi cho khách hàng doanh nghiệp.
Không chỉ vậy, để các ngân hàng chủ động, mạnh dạn cho vay hơn, NHNN đã hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động cho vay của TCTD theo hướng tăng cường thẩm quyền quyết định và chịu trách nhiệm của TCTD trong việc cho vay đối với doanh nghiệp, người dân theo quy định của Luật Các TCTD. Ngoài ra, NHNN phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện cơ chế hỗ trợ DNNVV, tích cực triển khai Luật Hỗ trợ DNNVV; phối hợp chính quyền địa phương nhận diện những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để kịp thời có giải pháp tháo gỡ.
Quang cảnh hội nghị sáng 11/10 - Ảnh: Thanh Huyền |
Với những nỗ lực của cả hệ thống ngân hàng, tính đến ngày 4/10/2019 dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt hơn 7,85 triệu tỷ đồng, tăng 8,95% so với cuối năm 2018. Riêng vùng KTTĐ Bắc bộ, với mạng lưới các chi nhánh, phòng giao dịch của trên 80 TCTD và gần 320 quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn đã huy động nguồn vốn tương đối tốt với số dư huy động bình quân gấp hơn 1,5 lần dư nợ tín dụng, đáp ứng tối đa nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của vùng luôn tăng trưởng.
Cụ thể, đến cuối tháng 9/2019, dư nợ tín dụng của khu vực đạt 2,5 triệu tỷ đồng, tăng 8,98% so với 31/12/2018 và chiếm khoảng 33,1% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế. Trong đó, dư nợ đối với ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 4%; dư nợ đối với ngành công nghiệp và xây dựng chiếm 35%; dư nợ đối với ngành thương mại và dịch vụ chiếm 61%. Dư nợ đối với DNNVV đạt 443 nghìn tỷ đồng tăng 12,44% so với cuối năm 2018.
Với mong muốn đóng góp nhiều hơn nữa cho sự lớn mạnh của DN vùng KTTĐ Bắc bộ, đồng thời tiếp tục nâng cao hiệu quả của các chương trình tín dụng đặc thù, kịp thời tháo gỡ khó khăn và đáp ứng nhu cầu vốn vay cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong khu vực này, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, thời gian tới, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, góp phần tạo lập môi trường kinh doanh ổn định cho doanh nghiệp.
Đồng thời rà soát, đề xuất hoàn thiện thể chế chính sách, tạo điều kiện thuận lợi để các TCTD cung ứng đầy đủ, đa dạng các sản phẩm dịch vụ tài chính, nhất là sản phẩm dịch vụ ngân hàng phi tín dụng và các sản phẩm dịch vụ hiện đại dựa trên ứng dụng công nghệ số để phục vụ tốt hơn nữa nhu cầu tài chính của doanh nghiệp; Hoàn thiện hành lang pháp lý về cấp tín dụng của các TCTD để tăng cường khả năng cung ứng vốn phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh và tiêu dùng chính đáng của người dân, doanh nghiệp;
Tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ và giải pháp tại Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, đặc biệt là DNNVV tiếp cận vốn tín dụng; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tiếp tục rà soát và đề xuất cắt giảm điều kiện kinh doanh, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của hệ thống các TCTD.
Ngoài ra, ngành Ngân hàng tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ DNNVV đã được quy định trong Luật Hỗ trợ DNNVV, nhất là chính sách về bảo lãnh tín dụng cho DNNVV vay vốn TCTD, Quỹ Phát triển DNNVV.