Kẻ cướp ngân hàng mang mật danh AS
Vào sáng thứ hai ngày 19/7/1976, hai nhân viên chi nhánh ngân hàng Société Générale xuống cầu thang đến cửa thép của hầm ngầm, bấm các phím cần thiết để mở cửa kho tiền. Mật khẩu được chuyển đồng thời đến các ổ khóa xa nhau, được điều hành bởi cùng một người (Société Générale tự hào về các biện pháp bảo mật này), sau đó tra chìa vào ổ khóa mới mở được. Tuy nhiên loay hoay mãi mà không xong, mất đến 30 phút họ mới phát hiện cửa kho tiền đã bị niêm phong từ bên trong bằng hàn xì. Loay hoay thêm nửa giờ, Phó giám đốc Pierre Bigou ra quyết định cho gọi thợ khoá. Các thợ khoá mất 15 phút để thông báo họ không thể mở.
Cảnh vụ cướp ngân hàng Société Générale được cảnh sát dựng lại. (Ảnh: ST)
Nhưng đã đến giờ mở cửa, khách hàng bắt đầu đến ngân hàng để sử dụng két an toàn trong kho tiền. Trước áp lực từ phía khách hàng buộc Giám đốc ngân hàng Jacques Guenet đồng ý kế hoạch của thợ khoá. Họ kiểm tra bản thiết kế ngân hàng, rồi đề nghị khoan một lỗ để vào được bên trong. Mãi đến 12giờ các thợ khoá mới đục xong lỗ thông qua bức tường bằng khoan điện. Cảnh bày ra trước mắt là giấy tờ vung vãi khắp mọi nơi, đồ trang sức nằm rải rác trên sàn nhà. Rõ ràng là cảnh bị cướp tấn công. Khoảng 10% két an toàn đã bị phá. Giá trị thực những gì bị đánh cắp không được công bố. Do ngân hàng giữ bí mật các két an toàn ký gửi của khách, chỉ có một số khách hàng được ngân hàng miễn cưỡng thông báo khi cần thiết. Dự đoán tài sản bị mất khoảng 30.000.000 franc.
Bọn cướp đã đào đường hầm thông qua các bức tường phía hệ thống cống rãnh. Những tên cướp còn để lại một tin nhắn trên bảng tin đối diện cửa kho tiền: Không vũ khí, không bạo lực, không thù ghét. Và hình vẽ một vòng tròn gạch chéo với thập tự giá chìa ra ngoài rìa hình tròn. Đó là thập tự giá Celtic, biểu tượng của Tổ chức vũ trang bí mật (OAS).
Tuy nhiên, nó cũng là biểu tượng của nhiều nhóm cánh hữu khác. Nó thậm chí đã được sử dụng bởi một nhóm nước ngoài. Cảnh sát đã tổ chức một bộ phận thu nhận thông tin và có được một bản danh sách dài. Chính quyền đã thông báo thưởng 1 triệu franc cho người cung cấp thông tin và một triệu franc khi các nghi phạm bị bắt giữ. Qua rà soát, người ta lờ mờ phát hiện ra người đứng đầu bọn cướp là Albert Spaggiari, mật danh AS.
Kế hoạch truy tìm tội phạm của cảnh sát Pháp xuất phát từ một sự kiện bất ngờ. Không hiểu vì lý do ghen tuông hay không, người vợ một doanh nhân điện báo chồng cô, có liên quan đến vụ cướp. Cảnh sát Pháp ít khi bận tâm với các nguồn tin kiểu như thế. Tuy nhiên họ đã cho hai cảnh sát đến ngôi biệt thự mà người phụ nữ tiết lộ. Tại đây họ nhận thấy ngôi biệt thự có vị trí khá lý tưởng cho một tổng hành dinh của vụ cướp, khi các lối đi mở ra các vùng nông thôn và ngay cả với các nước láng giềng. Trong nhà có bình dưỡng khí, găng tay và các mảnh vỡ. Rõ ràng biệt thự là trung tâm chỉ huy cho vụ cướp ngân hàng.
Cùng ngày, cảnh sát bắt được một người đàn ông đã bán một số thỏi vàng tại một ngân hàng. Các thỏi vàng được đóng dấu số sê-ri được xác định của ngân hàng Société Générale bị mất cắp. Đồng thời một doanh nghiệp cho thuê xe liên lạc với cảnh sát báo tin vừa tìm thấy cuốn nhật ký của một phụ nữ để quên trên xe. Trong đó, cô ghi lại những nghi ngờ bạn trai đã tham gia vụ cướp. Cô gái tâm sự với bạn bè rằng, bạn trai của cô gần đây có rất nhiều tiền từ một công việc lớn. Lần theo những chứng cứ thu thập được, cảnh sát đã khoanh vùng 8 đối tượng và cuối cùng đi đến xác định 2 nghi phạm Francis Pellegrin và Alain Bournat, cả hai thành viên của thế giới ngầm Marseilles. Qua thẩm vấn hai nghi phạm này, cảnh sát đã có câu trả lời, người lãnh đạo vụ cướp là Albert Spaggiari, mật danh AS.
Albert Spaggiari sinh ra ở Laragne-Montéglin, phía Đông Nam nước Pháp. 17 tuổi bỏ học, y gia nhập trung đoàn nhảy dù sau đó được đưa sang chiến trường Đông Dương. Tại Việt Nam, năm 1953, Spaggiari đã bị bắt khi đột nhập vào một cửa hàng tại Hà Nội để trộm cắp và đã được chuyển về Pháp để thi hành án tù 5 năm. Chính vì thế Spaggiari đã bỏ lỡ trận chiến Điện Biên Phủ. Năm 1957, Spaggiari được ra tù và hành nghề nhiếp ảnh. Sự nghiệp nhiếp ảnh gia không bị ảnh hưởng bởi quá khứ. Spaggiari sống tốt đẹp với vợ ở một thị trấn cùng niềm thông cảm và ủng hộ những người xung quanh. Cho đến khi vụ cướp ngân hàng Société Générale xảy ra... Cảnh sát bắt Spaggiari tại cửa hàng nhiếp ảnh vào ngày 27/10 và đưa đến đồn cảnh sát.
Tại sao Spaggiari đã không chạy trốn khi đồng bọn bị bắt giữ? Trả lời cảnh sát về câu hỏi này, Spaggiari đã tuyên bố, đi cướp chỉ đơn giản là thực hiện ý tưởng từ cuốn tiểu thuyết của Robert Pollock một cuốn sách bán chạy nhất nước Pháp thời bấy giờ. Không hiểu tiểu thuyết gia Pollock có biết, những ý tưởng của ông về một băng đảng người Anh cướp một ngân hàng thông qua hệ thống cống rãnh ở London đã tạo nên một kịch bản hoàn hảo cho một vụ cướp ngân hàng thuộc loại lớn nhất trong lịch sử nước Pháp.
Nguyễn Phin (Theo News gazettes)