Khi cải cách thấm vào từng hoạt động
Đây chỉ là vài nét phác thảo về Agribank sau 2 năm triển khai Kế hoạch hành động tới toàn ngành tại Quyết định số 1355/QĐ-NHNN ngày 28/6/2016 và các chỉ đạo khác từ NHNN.
Agribank là ngân hàng chủ lực cung ứng vốn cho khu vực nông nghiệp nông thôn |
Cải cách hoạt động
Phó tổng giám đốc Agribank Phạm Đức Tuấn cho biết, ngay sau khi NHNN ban hành Kế hoạch hành động, đơn vị đã khẩn trương, nghiêm túc xây dựng kế hoạch triển khai theo quyết định của Thống đốc NHNN. Trong đó, cụ thể hóa nhiệm vụ được phân công, giao đến từng đơn vị trực thuộc triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động kinh doanh của Agribank; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn tín dụng và sử dụng các sản phẩm dịch vụ theo đúng chủ trương của Chính phủ, NHNN.
Đặc biệt, thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc NHNN giao về trách nhiệm tham gia cùng các ngành các cấp trong cả nước tuyên chiến với “tín dụng đen”, Agribank đã và đang triển khai các chương trình, đơn giản hóa thủ tục cho vay, cải tiến quy trình cho vay, đổi mới phương thức cho vay.
Với 55.000 tổ vay vốn, gần 1,4 triệu khách hàng, dư nợ đạt trên 110 nghìn tỷ đồng tại tất cả các tỉnh thành trong cả nước, Agribank đã triển khai mô hình điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng giai đoạn 1 từ tháng 1/2018, với 68 xe, thực hiện trên 2.000 phiên giao dịch, phục vụ gần 300 nghìn khách hàng trên địa bàn 300 xã, tại 68 huyện thuộc 60 tỉnh, thành phố. Ngân hàng cũng đã xem xét cấp hạn mức, mở rộng đối tượng thấu chi qua tài khoản thanh toán không cần đảm bảo bằng tài sản cho các đối tượng là cá nhân, hộ gia đình cư trú ổn định trên địa bàn nông thôn để đáp ứng nhanh nhất nhu cầu vốn đột xuất, tạo thuận lợi tối đa để người dân kể cả vùng sâu, vùng xa, khu vực kinh tế khó khăn dễ dàng tiếp cận vốn vay và dịch vụ ngân hàng.
Cùng với việc mở rộng hoạt động, Agribank cũng không ngừng cải tiến, đổi mới quy trình cho vay, kịp thời rà soát, sửa đổi và ban hành cơ chế tín dụng mới phù hợp với Thông tư 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, cung cấp thông tin đầy đủ hơn tới khách hàng và có cơ chế cho vay hỗ trợ khách hàng tháo gỡ khó khăn.
Vì DN và người dân
Những nỗ lực hỗ trợ nền kinh tế của Agribank còn nhìn thấy rõ trong các chính sách tín dụng ưu đãi. Đây là ngân hàng tiên phong trong việc thực hiện giảm lãi suất cho vay, chủ động cân đối nguồn vốn và sử dụng vốn để đảm bảo thanh khoản, ổn định và giữ lãi suất huy động ở mức thấp, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay. Từ năm 2016 đến cuối 2018, lãi suất cho vay đã giảm đến 1,0%/năm. Mức lãi suất cho vay của Agribank đối với các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ hiện đang thấp nhất thị trường và thấp hơn 0,5%/năm so với quy định của NHNN (Quyết định 1425/QĐ-NHNN ngày 7/7/2017). Ngay từ đầu năm 2019, hưởng ứng lời kêu gọi của Thống đốc NHNN, Agribank tiếp tục thực hiện giảm thêm 0,5% lãi suất cho vay đối với 5 đối tượng ưu tiên theo Thông tư 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016.
Cùng với việc cắt giảm lãi suất và duy trì lãi suất cho vay thấp nhằm hỗ trợ khách hàng, bằng năng lực tài chính của mình, kể từ năm 2016 đến nay, Agribank đã triển khai 10 gói tín dụng với lãi suất ưu đãi cho khách hàng, theo đó lãi suất cho vay chỉ từ 4% trở lên, tổng quy mô tài trợ vốn lên tới gần 100.000 tỷ đồng mỗi năm. Trong đó, có Chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30/NQ-CP và Quyết định 813/QĐ-NHNN với quy mô tài trợ vốn tối thiểu 50.000 tỷ đồng, lãi suất cho vay thấp hơn từ 0,5% đến 1,5%/năm so với lãi suất cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, đồng thời khách hàng vay vốn được miễn phí chuyển tiền trong hệ thống và giảm 50% phí chuyển tiền ngoài hệ thống Agribank.
Ông Tuấn cho biết, thực hiện chính sách ưu đãi lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ, hàng năm, thu nhập từ lãi của Agribank giảm từ 3.000 đến 4.000 tỷ đồng do chênh lệch lãi suất với cho vay thông thường, trong khi Chính phủ, NHNN chưa có cơ chế hỗ trợ phù hợp với Agribank.
Tính đến cuối năm 2018, quy mô hoạt động lớn, tổng tài sản của toàn ngân hàng đạt gần 1.300.000 tỷ đồng; quy mô tín dụng và đầu tư đạt trên 1.200.000 tỷ đồng, tăng 14,6% so với năm trước; trong đó tín dụng đầu tư cho “tam nông” chiếm 70,5% tổng dư nợ của Agribank, chiếm 50% tổng tính dụng toàn ngành đầu tư cho lĩnh vực này. Riêng cho vay xây dựng nông thôn mới, Agribank đã triển khai đến 100% số xã trên cả nước. Agribank đã cung ứng vốn và các dịch vụ cho trên 15 triệu khách hàng trong và ngoài nước.
Thông qua triển khai các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Agribank đã cơ bản đáp ứng đủ vốn với lãi suất ưu đãi, phục vụ kịp thời nhu cầu sản xuất kinh doanh của các đối tượng chính sách và các lĩnh vực ưu tiên, tiếp tục khẳng định vai trò chủ lực trong việc triển khai, cụ thể hóa các chính sách của Chính phủ, NHNN nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân.
Để tiếp tục thực thi có hiệu quả chính sách của Chính phủ, chương trình hành động của NHNN, đặc biệt là cho vay hỗ trợ phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao theo Nghị quyết 30 của Chính phủ, Agribank kiến nghị NHNN đề nghị các bộ ngành Trung ương hướng dẫn và chỉ đạo các địa phương sớm làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp để tạo cơ sở pháp lý cho người dân, doanh nghiệp được vay vốn thuận lợi hơn.
Bởi thực tế cho thấy, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao thường có chi phí cao, do vậy nhu cầu vay vốn tín dụng của khách hàng lớn, mặc dù Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT đã có hướng dẫn việc cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp, trong đó bao gồm các tài sản là nhà kính, nhà lưới, hệ thống tưới tiêu… song đến nay, việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp để làm thủ tục đăng ký giao dịch đảm bảo vay vốn ngân hàng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc và chậm trễ tại nhiều địa phương, thủ tục cấp giấy xác nhận nông sản sạch còn khá phức tạp đối với người nông dân.