Khi cảnh quan không còn
Thi hoa hậu trong lòng di sản: Ý tưởng bất khả thi | |
Quảng Nam - Hành trình kết nối di sản |
Chúng ta đã và đang chứng kiến một Sa Pa bị “băm nát” bởi các khu nghỉ dưỡng, các khách sạn, nhà nghỉ, các homestay mọc lên một cách vô tội vạ khiến cho cảnh quan của Sa Pa bị phá vỡ. Kéo theo đó là văn hóa của người bản địa bị pha tạp, méo mó và lai căng, du khách bị chèo kéo mua hàng… tình trạng ấy không chỉ ở riêng Sa Pa mà xuất hiện ở khá nhiều khu danh thắng như Ba Vì (Hà Nội), Tam Đảo (Vĩnh Phúc)…
Liệu du khách có còn trở lại Sa Pa nếu như không khí trong lành nơi đây không còn nữa? |
“Sa Pa nguyên sơ với chợ tình, với tiếng hát giao duyên vọng khắp thị trấn nhỏ bé. Sa Pa nguyên sơ… với con suối mát trong, uốn lượn quanh những ngọn núi, thấp thoáng những bóng nhà sàn, những tà váy người H”Mông thấp thoáng đã “biến mất” lâu lắm rồi...
Giờ đây, đặc sản của Sa Pa là du khách, là ô tô. Tiếng hát giao duyên trong sáng của bạn tình ngày trước cũng đã thay bằng tiếng đài, tiếng băng phát qua hệ thống loa… liệu du khách có còn trở lại Sa Pa nếu như không khí trong lành nơi đây không còn nữa?” - Anh Minh Tuấn một hướng dẫn viên du lịch lâu năm chia sẻ.
Mới đây nhất người ta lại bàng hoàng khi chợt nhận ra cả một vùng danh thắng nơi bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) bị băm nát trong quy hoạch. Hàng loạt khách sạn, resort đang được xây dựng với quy mô lớn. Lý giải cho vấn đề này, nhiều lãnh đạo của TP. Đà Nẵng cho rằng, do lượng khách quốc tế đến với Đà Nẵng nói chung và Sơn Trà nói riêng tăng cao khiến cho nhu cầu phòng nghỉ dưỡng lớn.
Xây dựng tại đây là để đáp ứng nhu cầu cho du khách. Thế nhưng khi cảnh quan của bán đảo Sơn Trà không còn, hệ sinh thái rừng, biển nơi đây bị phá vỡ bởi các dự án xây dựng thì liệu du khách có đến nữa hay không?
Câu trả lời còn chưa có thì những ẩn họa từ các dự án xây dựng tại đây lại đang hiện hữu bởi theo các chuyên gia thì “Rừng ở bán đảo Sơn Trà có chức năng chắn gió, bão tức là phòng chống thiên tai. Vậy quy hoạch xây dựng thay thế rừng bằng các khu du lịch nghỉ dưỡng thì chức năng phòng chống thiên tai sẽ không còn. Nếu không điều chỉnh quy hoạch theo hướng hạn chế tối đa cho phép triển khai dự án ở đây thì tương lai không xa "lá phổi xanh" của Đà Nẵng sẽ bị bê tông hóa". Hay loài voọc chà vá chân nâu (có tên trong Sách đỏ) đang sinh sống nơi đây sẽ đi về đâu…?”.
Kiến nghị của Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, ông Huỳnh Tấn Vinh “Tôi đề nghị giữ nguyên hiện trạng ở Sơn Trà, trước khi tính đến chuyện sử dụng ra sao thì hãy nghĩ để chuyện bảo vệ nó trước. Phải bảo vệ được thì mới có để mà sử dụng và khai thác. Nếu xây dựng Sơn Trà thành khu nghỉ dưỡng thì sẽ phá vỡ cảnh quan, phá vỡ hệ cân bằng sinh thái động thực vật đa dạng của Sơn Trà, những rặng san hô sẽ không được bảo vệ. Tôi không đồng ý việc bê tông hóa Sơn Trà”.
Những lời cảnh tỉnh của ông vẫn còn nguyên giá trị bởi để gìn giữ và phát triển nó mới là cái khó chứ tàn phá thảm rừng nguyên sinh và hệ sinh thái để bê tông hóa thì… hàng trăm năm sau vẫn khó lòng khắc phục rốt ráo. Những hệ quả từ sự phát triển “nóng” trong du lịch để lại thì không hề nhỏ.
Cảnh quan còn, thiên nhiên còn chúng ta còn cơ hội để xây dựng và phát triển hài hòa, bền vững hơn trong tương lai; ngược lại, nếu cảnh quan ấy bị phá vỡ, bị chia nhỏ ra mà muốn khôi phục lại thì đâu phải là câu chuyện của vài năm. Nó là câu chuyện của thế kỷ….
Có thể thấy khả năng phát triển kinh tế từ những “đặc sản” danh lam thắng cảnh là rất lớn. Tuy nhiên, nhìn nhận thế nào giữa bảo tồn thiên nhiên và khai thác tự nhiên phát triển kinh tế là vấn đề không đơn giản là chỉ tính trên hiệu quả thu về… Chúng ta đã có quá nhiều bài học trong việc phát triển du lịch nóng mà hậu quả của nó không chỉ tính trong vài năm hay vài thập niên. Đã đến lúc ngành du lịch cần có những cách làm căn cơ, gốc rễ hơn để hướng đến du lịch xanh, bền vững vì cộng đồng.