Khởi nghiệp thương mại điện tử thoái trào?
TTTM phát triển nền tảng thương mại điện tử để giữ chân khách hàng | |
Việt Nam mua sắm di động thứ 3 Châu Á | |
Thương mại điện tử lên ngôi |
Tháng 9 vừa qua, website Lingo.vn đã phải tạm biệt thị trường thương mại điện tử (TMĐT) sau khi ghi nhận khoản lỗ 150 tỷ đồng. Trước đó, trong các tháng đầu năm 2016 và suốt năm 2015, hàng loạt các trang TMĐT khác như: Beyeu.vn, Deca.vn, Fab.vn, Cucre.vn… cũng đã phải đóng cửa vì không thể chịu nổi sức ép cạnh tranh đang ngày càng lớn.
Quan sát từ thị trường cho thấy, hoạt động khởi nghiệp bằng cách đầu tư vốn vào lĩnh vực TMĐT sau 4-5 năm sôi động đã bắt đầu có chiều hướng chững lại. Ngoài việc phá sản của hàng loạt các DN nhỏ, không ít các tập đoàn nước ngoài do thua lỗ cũng đã phải chấp nhận nhượng lại hệ thống sàn TMĐT của mình cho đối tác để tái cơ cấu.
Ảnh minh họa |
Chẳng hạn, giữa năm 2016, Tập đoàn Rocket Internet - chủ sở hữu Zalora Việt Nam đã phải bán lại trang thương mại đình đám của mình cho Tập đoàn Central Group của Thái Lan. Sau đó không lâu, họ lại phải bán nốt chuỗi TMĐT Lazada tại Đông Nam Á cho các nhà đầu tư Trung Quốc bởi sự sụt giảm doanh thu tại các thị trường vốn có mức tăng trưởng mạnh như Việt Nam, Indonesia và Thái Lan.
Đánh giá về nguyên nhân khiến cho hoạt động đầu tư TMĐT rơi vào tình trạng thua lỗ, ông Trần Hải Linh, Tổng giám đốc CTCP Sen Đỏ (Sendo.vn) cho rằng, hiện nay mức độ cạnh tranh của thị trường này vô cùng khắc nghiệt. Hoạt động đầu tư ban đầu cho các sàn TMĐT có thể không quá lớn nhưng chi phí để cải tiến các dịch vụ duy trì, đảm bảo giá cả, chất lượng sản phẩm luôn là thách thức.
“Các DN lớn bán lại các trang TMĐT có thể là chiến lược M&A của họ, nhưng các DN nhỏ mới tham gia thị trường thì việc thua lỗ là có thật. Bởi do đặc thù của TMĐT dựa vào niềm tin của khách hàng. Vì vậy chỉ cần sản phẩm dịch vụ bị khách hàng phản đối là hầu như không còn cơ hội để làm lại”- ông Linh cho biết.
Theo các thống kê, hiện nay, tại Việt Nam chỉ tính riêng thị trường bán lẻ online doanh thu năm 2015 đã đạt mức khoảng 4,07 tỷ USD. Hiện nay trung bình một người tiêu dùng có thể bỏ ra khoảng 160 USD để mua các sản phẩm liên quan đến TMĐT. Sự hấp dẫn của thị trường này đã khiến cho nhiều nhà khởi nghiệp lao vào với tâm lý phấn chấn và khá ảo tưởng. Tuy nhiên, sau 1-2 năm duy trì kinh doanh họ sẽ rơi vào bế tắc do cạn kiệt nguồn vốn và không cạnh tranh lại với các DN lớn và có nhiều uy tín.
Ông Đinh Anh Huân, sáng lập viên Công ty Seedcom nhận định rằng, sự khác biệt lớn giữa nhiều nhà khởi nghiệp lĩnh vực TMĐT của Việt Nam so với các nước phát triển trên thế giới là hầu hết các nhà khởi nghiệp TMĐT của Việt Nam chỉ có ý tưởng. Họ không có hậu thuẫn tư vấn vận hành dự án và hậu thuẫn về vốn. Tâm lý háo hức đầu tư xảy ra nhanh chóng trong thời gian đầu khởi nghiệp nhưng sau đó bị ngưng trệ do không có vốn kinh doanh và họ sẵn sàng bán ý tưởng để lấy tiền. Nếu không bán được họ sẽ chấp nhận “ăn đong” để khởi nghiệp và từ đó dễ dàng rơi vào tình trạng cạn vốn khi vừa bắt đầu được 1-2 năm trên thị trường.
Để tránh trở thành “bại binh” trên thị trường TMĐT, ông Huân cho rằng, các DN nhỏ mới khởi nghiệp cần phải tỉnh táo trong chiến lược đầu tư. Theo đó cần phải xác định rõ kế hoạch kinh doanh, chiến lược marketing, cần chọn đúng nền tảng TMĐT phù hợp với sản phẩm, dịch vụ để phát triển bán hàng.
Sau khi đã có được những yếu tố này cần đầu tư mạnh cho các công đoạn liên tục gọi vốn. Bởi thiếu vốn sẽ không thể cải tiến quy trình, mà các nhà đầu tư mạo hiểm khi xem xét đầu tư, họ sẽ đánh giá dòng tiền từ hoạt động kinh doanh, sự cải thiện các chỉ số kinh doanh qua từng thời kỳ chứ không hoàn toàn nhìn vào các khoản lời lỗ hiện tại mà các trang TMĐT gặp phải trong vài năm đầu khởi nghiệp.