Khốn đốn vì thủy điện
Tàn phá hệ sinh thái
Với bà con đồng bào Êđê, để thành lập bản làng, tiêu chí đầu tiên là gần nguồn nước. Do đó, bao đời nay, sông Sêrêpốk là điểm định cư lý tưởng. Sông Sêrêpốk cung cấp nước ăn, nước tưới, mang tới cho người dân loại thủy sản nổi tiếng như cá lăng, cá mõm trâu và các nghi lễ truyền thống như lễ cúng bến nước...
Hoạt động sản xuất nông nghiệp và du lịch của Buôn Đôn đang dần bị “tê liệt” |
Tuy nhiên, từ năm 2014, khi thủy điện Sêrêpốk 4A ngăn dòng, phát điện thì cuộc sống của người dân nơi đây hoàn toàn bị đảo lộn. Dòng sông cạn kiệt khiến hàng trăm hộ dân ở các xã Ea Wer, xã Krông Na… phải sống trong cảnh “khát nước”.
Không còn nước, nhiều người dân sống bằng nghề đánh bắt cá trên sông thất nghiệp, nước sinh hoạt không có để dùng. Các loại cây trồng lúa, cà phê, các loại hoa màu khô héo. Vì không còn nước, các bến nước mất dần nên những hoạt động cúng lễ truyền thống cũng mai một.
Anh Y Thanh, xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn cho biết, sinh ra và lớn lên mấy chục năm ở đất Buôn Đôn, chưa bao giờ tôi thấy nơi này thay đổi khốc liệt đến vậy. Mọi thứ đều héo hon vì thiếu nước. Những hình ảnh về cuộc sống sôi động trên khúc sông này giờ chỉ còn nằm trong ký ức. Dân làng rất buồn và lo lắng, vì tình trạng này kéo dài thì cuộc sống của người dân sẽ càng bị ảnh hưởng nặng nề.
Ông Y Si Thắt Ksơr, Phó Chủ tịch huyện Buôn Đôn thừa nhận, từ khi thủy điện đi vào hoạt động, môi trường và đời sống của người dân bị ảnh hưởng rất nhiều. Theo thiết kế, khi thủy điện đi vào hoạt động vẫn sẽ xả ra môi trường 135m3/giây đủ để duy trì sự sống cho dòng sông Sêrêpốk cũng như các cảnh quan, môi trường khu vực nói chung.
Nhưng thực tế hiện lưu lượng nước xả trả lại cho môi trường quá thấp, chưa tới 10m3/giây nên sông Sêrêpốk hùng vĩ ngày nào đang dần trở thành con sông “chết”, hệ sinh thái cũng theo đó bị hủy hoại.
Du lịch kiệt quệ
Huyện Buôn Đôn vốn được du khách trong và ngoài nước biết đến với loại hình du lịch văn hóa, sinh thái gắn với dòng sông, thác nước, cánh rừng, cầu treo, cưỡi voi vượt sông... Vậy nhưng giờ đây, du khách khi đến tham quan du lịch tại Buôn Đôn đều tỏ ý thất vọng.
“Mấy năm trước, khi tới Buôn Đôn du lịch, tôi cảm thấy rất thú vị vì môi trường sinh thái và khung cảnh hùng vĩ, đậm chất núi rừng. Tuy nhiên, lần trở lại này tôi thật sự sốc. Không nghĩ mọi thứ lại xuống cấp đến vậy. Nước sông cạn trơ đáy, khung cảnh không còn đẹp như ngày nào”, chị Nguyễn Xuân Loan (TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Đức, Phó giám đốc chi nhánh du lịch và khách sạn Biệt Điện, đại diện trung tâm du lịch Buôn Đôn, trước đây, lượng khách đến với Buôn Đôn rất ổn định vì thắng cảnh đẹp. Nhưng từ khi thủy điện đi vào hoạt động đến nay, ngành du lịch gặp vô vàn khó khăn. Đặc trưng là du lịch sinh thái, dựa vào dòng sông nhưng giờ sông không còn nước, nhất là vào mùa khô, có thời điểm sông cạn trơ đáy.
Doanh nghiệp nhiều lần phản ánh lên các cơ quan chức năng đề nghị thủy điện chia sẻ thêm nguồn nước cho con sông nhưng tình trạng khô hạn vẫn tái diễn. Mới đây, Sở Công Thương trực tiếp xuống khảo sát hiện trạng và làm việc với chủ đầu tư thủy điện nhưng không biết có cứu vãn được dòng sông hay không?
Để có nước tưới cứu sống hàng cây si và giữ cảnh quan tại khu du lịch sinh thái thác 7 nhánh Buôn Đôn, Công ty Du lịch Thanh Hà chi tới 145 triệu để xây dựng đập tích nước. Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Giám đốc Công ty chia sẻ, chưa bao giờ tôi thấy ngành du lịch Buôn Đôn đứng trước khó khăn như vậy.
Lượng khách du lịch giảm mạnh về số lượng cũng như thời gian lưu trú. Doanh thu của công ty giảm hơn 50% so với khi dòng sông Sêrêpốk chưa bị chặn dòng. Bây giờ, đa số du khách sau khi tham quan du lịch đều tỏ ra không hài lòng, thất vọng vì hệ sinh thái bị hủy hoại, môi trường ô nhiễm vì mùi hôi thối của đất bùn...
Theo ông Y Si Thắt Ksơr, Phó chủ tịch huyện Buôn Đôn, địa phương đang rất lo lắng về việc thiếu nước trên dòng Sêrêpốk chảy qua địa bàn, thiệt hại về hoạt động sản xuất nông nghiệp của nông dân và dịch vụ du lịch. Về lâu dài, chính quyền địa phương đang đề xuất xây đập tràn để cung cấp đủ nước cho dòng sông vào mùa khô.