Không để các HTX tồn tại hình thức
Quy định về bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ lãi suất của Quỹ hỗ trợ phát triển HTX | |
Mô hình kinh tế HTX hiệu quả |
21.000 HTX đóng góp 6,5% GDP
Đứng bên cánh đồng xanh mướt trải dài phía trước, ông Nguyễn Văn Đời, Giám đốc hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Bình Thành say sưa chia sẻ dự định tương lai “HTX sẽ quy hoạch cánh đồng theo vùng sản xuất và đưa cơ giới hóa vào sản xuất quy mô hơn”.
Cánh đồng của xã viên HTX Bình Thành |
Với phương châm vừa kinh doanh vừa hỗ trợ xã viên phát triển kinh tế và là cầu nối giữa xã viên với DN, HTX Bình Thành (huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) đang cung cấp gần 10 dịch vụ nông nghiệp chất lượng cho xã viên với chi phí rẻ nhất như vật tư nông nghiệp, giống, phân bón… và có ba dịch vụ, thuốc bảo vệ thực vật, cung cấp điện, dịch vụ thủy lợi tưới tiêu… HTX “không lấy lãi” để người nông dân có chi phí đầu vào hợp lý nhất, góp phần tăng sức cạnh tranh cho thương phẩm.
Hình thành từ năm 1989, lại tiên phong chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX 2012, Bình Thành là một HTX điển hình kiểu mới, hoạt động hiệu quả, chưa năm nào bị lỗ. HTX cũng là người liên kết với DN bao tiêu sản phẩm cho nông dân.
“Nếu DN “bẻ kèo” thì HTX chịu trách nhiệm với dân và ngược lại. Nhưng nông dân tôi gần như tuyệt đối không “bẻ kèo” và chuyện “bẻ kèo” của DN với HTX hầu như không có và chuyện thương lái ép giá cũng giảm đi rất nhiều vì thương lái muốn mua của nông dân phải trả được giá ít nhất bằng với giá mà HTX đã ký với DN với nông dân”, ông Đời cho biết.
“Có HTX đứng ra liên kết với DN bao mua sản phẩm, nông dân chúng tôi vơi hẳn cảnh “trúng mùa mất giá”, vừa thong thả luồn từng chiếc nan tre đan lồng chim ông Trần Văn Nguyên thủng thẳng nói. Bên cạnh ông Nguyên là đôi gà trống chọi đang thong thả nhặt thóc và vợ ông, bà Phạm Thị Chon đang nhặt đậu. Bà Chon và ông Nguyên kể rằng HTX đang cung cấp điện cho gần 4.300 hộ dân trong xã và tưới tiêu cho hơn 1000 ha ruộng trong vùng “chi phí giảm được 10% cơ đấy”.
Và ở TP.Hồ Chí Minh, huyện Củ Chi, HTX Thương mại - dịch vụ - sản xuất - chăn nuôi Bò sữa Tân Thông Hội đang là một mô hình mẫu khi đã được quy trình khép kín từ khâu sản xuất, đến tiêu thụ, mang lại hiệu quả cao cho người nông dân. HTX vừa ký kết với các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi và các nhà máy chế biến sữa để HTX có thể cung ứng thức ăn chăn nuôi cho nông dân với giá thành thấp hơn giá thị trường, và HTX mua cao hơn giá thương lái mua.
“Ở TP.Hồ Chí Minh, giá bán của hộ tham gia HTX cao hơn 10% so với hộ bên ngoài, thu nhập của hộ tham gia HTX cao hơn 37% so với hộ bên ngoài. Không chỉ ở giá bán mà còn giảm chi phí sản xuất tới 25%. Muốn thu nhập cao hơn hãy vào HTX”, Bí thư Thành ủy TP.HCM ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết.
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho biết cả nước có 21.000 HTX, đóng góp của khu vực kinh tế hợp tác, doanh thu và thu nhập của người lao động trong HTX được cải thiện, tác động tích cực đến kinh tế hộ thành viên, tính cả tác động lan tỏa, HTX đóng góp cho tăng trưởng GDP tăng từ 5,05% năm 2013 lên 6,5% năm 2015.
Đưa luật vào cuộc sống mạnh hơn
Chuyện ghi ở Bình Thành và Tân Thông Hội đã khẳng định vai trò của HTX kiểu mới và chủ trương đúng về phát triển HTX kiểu mới. Vì thế “Thương nông dân thì phải vận động nông dân vào HTX”, ông Nguyễn Thiện Nhân phát biểu.
Còn theo Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan đánh giá, HTX là cứu cánh duy nhất để tái cơ cấu nông nghiệp, nếu không có HTX thì không thể nói đến chuyện tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Ông nói: “Tại sao nông dân nghèo” vì chính bà con chưa làm cho mình thoát nghèo. Nếu bà con không vào HTX sẽ không thể làm giàu được”.
Nhưng Bình Thành cũng là một điển hình cho thấy những khó khăn mà các HTX đang gặp phải. Chỉ tay quanh khu trụ sở HTX nằm trên mảnh đất hẹp, Giám đốc Nguyễn Văn Đời trăn trở “có cơ sở hạ tầng mới an cư lạc nghiệp, HTX có điều kiện cơ giới hóa, mua máy để phục vụ nông dân nhưng không có đất thì để máy ở đâu?”.
Khẳng định Luật HTX 2012 có những quy định tạo điều kiện cho HTX phát triển, nhưng thực tiễn triển khai còn nhiều vướng lắm, và “Chính phủ ra nhiều chủ trương chính sách hay lắm nhưng thực tiễn HTX được hưởng còn ít lắm. HTX vẫn phải tự thân vận động thôi”, ông Đời phát biểu.
Và Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh nói rằng “HTX vẫn phải dựa vào chính mình nên rất khó khăn”. Các chỉ số hỗ trợ còn thấp, tỷ lệ HTX được hỗ trợ chỉ mấy phần trăm, chỉ có 1.950 HTX được vay vốn ngân hàng, 5.000 HTX được vay vốn quỹ hỗ trợ phát triển HTX , 400 HTX được vay hỗ trợ hạ tầng…
“Vài ba phần trăm HTX tiếp cận được ưu đãi tức là chính sách phát triển HTX của chúng ta có vấn đề”, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã nói như vậy tại Hội nghị trực tuyến sơ kết 5 năm thi hành Luật HTX năm 2012. Để khẳng định HTX được xem là thành phần kinh tế quan trọng, Phó Thủ tướng nhắc lại câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh. Nông dân muốn giàu, nông nghiệp muốn thịnh, thì cần phải có HTX”.
Còn theo Báo cáo của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau 5 năm triển khai Luật HTX 2012, mới chỉ có 30% số HTX đã làm ăn có hiệu quả, khu vực kinh tế tập thể, HTX còn nhiều khó khăn, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Các cơ chế chính sách ban hành nhưng chưa thực sự đi vào cuộc sống. Sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đối với khu vực này còn hạn chế và hơn hết là bản thân các HTX vẫn còn yếu kém cả về cơ sở vật chất và năng lực quản lý…
"Tuy chưa phát triển đồng đều giữa các tỉnh, thành, nhưng mức độ đã được lan tỏa. Tỉnh nào tâm huyết, chúng ta có thể cảm nhận được", Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói và chỉ đạo phải đưa luật vào cuộc sống mạnh hơn, “Không để HTX tồn tại chỉ là hình thức”. Phải đổi mới tư duy nhận thức vai trò vị trí của HTX trong nông nghiệp gắn với tái cơ cấu, xây dựng nông thôn mới. Nhưng phải tránh tình trạng hoặc “không quan tâm gì”, hoặc chạy theo phong trào.