Không nên tạo kỳ vọng quá lớn lên lãi suất
Lãi suất liên ngân hàng tiếp tục tăng lên mặt bằng mới | |
Đường cong lãi suất được vẽ lại | |
Đến cuối tháng 9, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế đạt gần 5,2 triệu tỷ đồng |
Áp lực lớn
Tuần qua, một số NH điều chỉnh tăng lãi suất huy động khiến nhiều DN lo ngại cho hoạt động kinh doanh trong năm 2017. Nhưng theo CEO một số NH đó chỉ là mang tính nhất thời và không diễn ra đồng loạt nên không phải là xu hướng thời gian tới. Vì những tháng cuối năm NH thường khát vốn hơn.
Một nhân viên NHTMCP trên đường Trần Hưng Đạo chia sẻ, thời điểm cuối năm cũng có khá nhiều khách hàng, nhất là khách hàng cá nhân đến rút tiền gửi tiết kiệm để chi tiêu, mua sắm cuối năm nên nguồn huy động của các NH sẽ bị sụt giảm. “Cứ nhìn thấy khách cầm sổ tiết kiệm chúng em lại run, sợ khách rút tiền lại phải đi lo chỉ tiêu”, nhân viên này giãi bày.
Đây cũng là tình trạng chung của nhiều NH. Vì thế, gần Tết Nguyên đán, NH thường tăng lãi suất hoặc khuyến mại tiền gửi nhằm thu hút vốn để cân đối dòng tiền ra vào, đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng.
Khi lạm phát có xu hướng tăng, lãi suất cũng khó có thể giảm thêm được |
Theo nhận định chung của các chuyên gia, một trong những vấn đề NH gặp khó khăn nhất trong năm 2017 sẽ là lãi suất. Vì sao như vậy? Một thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhận định: áp lực tỷ giá tác động khá nhiều đến lãi suất trong năm 2017.
Không riêng gì Việt Nam, theo vị chuyên gia trên các đồng tiền khác đều chịu áp lực đối với việc đồng USD lên giá sau thay đổi mạnh chính sách của Mỹ từ cuộc bầu cử Tổng thống tháng 11/2016 và sau đó là việc FED tăng lãi suất. Các đồng tiền trong khu vực mới nổi đều mất giá so với USD, như CNY mất 0,32%, THB mất 0,38%… Khi đồng nội tệ mất giá so với USD và lãi suất USD có xu hướng tăng, khả năng lãi suất đồng VND tăng là khá cao.
TS. Cấn Văn Lực đồng tình với nhận định này và ông cho rằng áp lực lên lãi suất USD sẽ nhiều hơn khi năm tới FED tiếp tục điều chỉnh lãi suất, cộng với lãi suất cho vay liên NH tăng sẽ tác động nhất định đối với lãi suất thị trường 1.
Mặc dù đánh giá mặt bằng lãi suất vẫn đang khá ổn định, nhưng Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng tỏ ra lo ngại về điều kiện để giảm lãi suất VND không còn thuận lợi khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng nhanh từ cuối tháng 10. Đặc biệt, CPI tháng 12/2016 tăng 0,48% so với tháng trước; tăng 4,52% so với cùng kỳ năm 2015 và tăng 4,5% so với tháng 12 năm trước. Lãi suất trái phiếu Chính phủ tăng khoảng 0,5 điểm phần trăm ở các kỳ hạn...
Vẫn có thể xoay chuyển?
Tuy nhiên, bên cạnh những NH tăng lãi suất huy động cũng có một số NHTM điều chỉnh giảm lãi suất như BIDV, Agribank giảm từ 0,1% - 0,3%/năm ở các kỳ hạn khác nhau. Còn tại Sacombank, VietCapitalBank… biên độ giảm nhẹ hơn 0,1%/năm. Năm tới, bên cạnh tiết giảm chi phí hoạt động, điều hòa nguồn vốn tốt hơn, nhất là đẩy nhanh xử lý nợ xấu… theo TS Cấn Văn Lực sẽ giúp các NH có điều kiện để “giữ” lãi suất tốt hơn.
Về phía NHNN cũng đã khẳng định mục tiêu trong năm 2017 là tiếp tục ổn định của lãi suất như năm 2016. Theo nhận định TS. Lê Xuân Nghĩa – thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, dù chịu sức ép nhưng khả năng giữ ổn định lãi suất vẫn có thể thực hiện được. NHNN sẽ có chính sách điều tiết tiền tệ hợp lý. Cách giảm áp lực có thể thực hiện đó là tăng cung ứng tiền đồng, mua ngoại tệ hoặc tăng tái cấp vốn cho NH cần như tái cấp vốn bằng trái phiếu đặc biệt…
“Nếu làm tốt các giải pháp trên may ra giữ được lãi suất ổn định chứ không nên kỳ vọng sẽ giảm được lãi suất trong năm 2017”, TS Lê Xuân Nghĩa lưu ý.
Một chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực tiền tệ nhận xét, đứng ở góc độ nền kinh tế, mong muốn giảm lãi suất là chính đáng. Nhưng mong muốn đó phải dựa trên tình hình thực tế.
Phân tích cụ thể hơn, theo vị này, tỷ giá liên tục điều chỉnh lên sau khi FED tăng lãi suất và dự kiến FED sẽ có thêm 3 lần điều chỉnh trong năm sau càng tạo áp lực lên tỷ giá. Mà tỷ giá có mối quan hệ chặt chẽ với lãi suất. Để duy trì giá trị đồng VND, việc giữ chênh lệch lãi suất giữa VND và USD rất quan trọng. Như vậy, lãi suất huy động khó có thể kéo xuống trong năm tới. Một điều chắc chắn nữa là khi lạm phát có xu hướng tăng, lãi suất cũng khó có thể giảm thêm được.
Sang năm 2017, theo quy định Thông tư 06, hệ số sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của các NH chỉ là 50% thay vì 60% như hiện tại. Vì thế, các NH phải cơ cấu lại nguồn vốn, ưu tiên huy động vốn kỳ hạn dài hơn. Muốn huy động vốn dài hạn các NH sẽ phải nâng lãi suất lên hoặc giãn khoảng cách giữa kỳ hạn dài và ngắn ra lớn hơn bằng cách giảm lãi suất kỳ hạn ngắn. Nhưng nếu tính trung bình trọng số của lãi suất để huy động, theo tính toán của vị chuyên gia trên chưa chắc chi phí vốn giảm, thậm chí còn tăng.
“Chi phí đầu vào tăng làm sao giảm được ở phía đầu ra. Theo đó lãi suất cho vay cũng không thể giảm thêm”, vị này khẳng định.
Bình luận thêm về câu chuyện có nên đặt kỳ vọng hạ lãi suất hay không, một vị chuyên gia đưa ra quan điểm, không cần thiết phải đưa ra một mục tiêu mà rất khó thực hiện để xã hội kỳ vọng. Cứ để thị trường tự điều chỉnh một cách tự nhiên. Có thể một số thời điểm nhất định, khi các NH cân đối nguồn vốn họ sẽ tự điều chỉnh hạ lãi suất nếu không muốn mất khách. Bởi hiện tại, chưa bao giờ cuộc cạnh tranh khách hàng lại gay gắt như bây giờ. Với công cụ tiền tệ hiện nay cũng như xét trên tổng thể các yếu tố khác của kinh tế vĩ mô, giữ được lãi suất là thành công rồi.
“Còn nếu cứ đặt mục tiêu mà biết chắc rất khó có thể thực hiện được thì rất dễ tạo hiệu ứng ngược. Lúc đó chi phí phải trả cho nền kinh tế có thể cao hơn nhiều”, vị chuyên gia trên cảnh báo.