Không thể chủ quan với lạm phát
Tập trung ứng phó rủi ro từ bên ngoài | |
ADB dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,8% năm 2019 |
Còn nhớ sau khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 quay đầu giảm nhẹ 0,21% đã khiến không ít người vui mừng khi lạm phát dường như đang đi theo đúng quy luật của những năm trước đây: tăng nhẹ trong tháng 1, tăng cao trong tháng 2 và giảm trong tháng 3. Đặc biệt, CPI bình quân 3 tháng đầu năm 2019 ước tăng 2,63% so với cùng kỳ năm 2018, là mức thấp nhất trong 3 năm liên tiếp gần đây (quý I/2017 là 4,96%, quý I/2018 là 2,82%) càng củng cố thêm cho kỳ vọng có thể kiểm soát lạm phát cả năm dưới 4% theo đúng mục tiêu đã đề ra.
Ảnh minh họa |
Thế nhưng niềm vui đó vụt tan biến sau khi giá xăng dầu tăng mạnh trong kỳ điều hành ngày 2/4. Theo đó, xăng RON95-III tăng 1.490 đồng/lít lên 20.030 đồng/lít; xăng E5RON92 tăng 1.370 đồng/lít lên 18.580 đồng/lít; dầu diesel 0.05S tăng 1.220 đồng/lít lên 17.080 đồng/lít; dầu hỏa tăng 1.090 đồng/lít, giá bán cao nhất 15.970 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S tăng 1.130 đồng/kg, giá bán cao nhất 15.210 đồng/kg.
Trên thực tế, giá xăng đáng lẽ đã phải tiếp tục tăng thêm hơn 800 đồng/lít từ ngày 18/3 nếu như liên bộ không quyết định tăng mức chi sử dụng quỹ bình ổn mà mục tiêu chính là để tạo dư địa cho việc tăng giá điện sau đó 2 ngày. Thế nhưng sự níu giữ này không duy trì được lâu và giá xăng đã bật tăng rất mạnh sau đó.
Thậm chí theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, nếu không sử dụng quỹ bình ổn, mức tăng có thể cao hơn. Cụ thể, để xăng E5 “chỉ tăng” 1.370 đồng/lít thì quỹ bình ổn phải chi bù 2.042 đồng/lít, nếu không sẽ tăng 3.410 đồng/lít. Tương tự xăng RON 95, quỹ bình ổn phải bù 1.304 đồng/lít, để chỉ tăng 1.490 đồng/lít, nếu không sẽ phải tăng 2.790 đồng/lít... Điều đó cũng có nghĩa, giá xăng dầu trong nước vẫn có thể tiếp tục tăng ngay cả khi giá thế giới đứng yên, nếu quỹ bình ổn cạn kiệt.
Trong khi việc giá điện tăng khá mạnh 8,36% từ ngày 20/3 vẫn chưa phản ánh một chút nào trong diễn biến giá cả tháng 3. Trong khi do điện không chỉ là mặt hàng tiêu dùng thiết yếu mà còn là đầu vào của nhiều ngành sản xuất nên việc giá điện tăng có thể kéo theo sự tăng giá của nhiều loại hàng hóa, dịch vụ khác.
Theo Bộ Công thương, với mức tăng giá điện 8,36% sẽ làm giảm 0,22% GDP, và chỉ số giá tiêu dùng CPI sẽ tăng 0,29%. Trong khi theo tính toán của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), với tỷ trọng của nhóm hàng điện trong rổ tính CPI chỉ chiếm 3,5% thì việc tăng giá điện trung bình thêm 8,36% dự kiến sẽ khiến chỉ số CPI tổng thể tăng thêm khoảng 0,3%.
Tuy nhiên, dường như các tính toán này chưa hề lường tới việc giá xăng dầu - một mặt hàng tiêu dùng thiết yếu khác - cũng vừa tăng mạnh. Còn nhớ việc giá xăng tăng gần 1.000 đồng/lít hồi đầu tháng 3 đã góp phần đẩy CPI tháng này tăng 0,23%, trong khi giá xăng vừa tăng tới 1.400 đồng/lít nên tác động sẽ còn mạnh hơn. Thậm chí không chỉ điện và xăng dầu, mà nhiều mặt hàng khác cũng tăng giá khá mạnh ngay đầu tháng 4, như: Giá gas cũng vừa được điều chỉnh tăng kể từ 1/4, lần tăng thứ 4 kể từ đầu năm với mức tăng tổng cộng là 3.333 đồng/kg; giá sách giáo khoa tăng bình quân từ 1.000-1.800 đồng/cuốn…
Tất cả những yếu tố đó cộng hưởng lại sẽ đẩy kỳ vọng lạm phát tăng cao và có thể dẫn tới hiện tượng “té nước theo mưa” nếu như không được kiểm soát chặt chẽ. Trong khi sức ép lạm phát từ nay đến cuối năm vẫn còn rất lớn.
Bên ngoài, diễn biến giá dầu thế giới vẫn là một ẩn số và có thể tiếp tục tăng cao nếu căng thẳng giữa Mỹ với Iran và Venezuela leo thang. Trong nước, giá nhiều loại hàng hóa, dịch vụ có khả tăng sẽ tăng trong thời gian tới vì giá điện; giá dịch vụ y tế năm nay có khả năng điều chỉnh cơ cấu tiền lương và chi phí quản lý vào cơ cấu giá dịch vụ; giá thịt lợn cũng được dự báo có thể tăng mạnh trở lại sau dịch nếu người nuôi không tái đàn...
Rồi việc tăng lương cơ sở lên 1,49 triệu đồng từ 1/7 cũng sẽ tạo thêm sức ép tới lạm phát. Không chỉ từ phía chi phí đẩy mà áp lực lạm phát từ phía cầu cũng đang rất lớn khi mà tổng cầu tiếp tục tăng mạnh.
Nói như vậy để thấy, không được chủ quan với lạm phát và kiềm chế lạm phát vẫn là ưu tiên hàng đầu trong điều hành chính sách hiện nay. Mặc dù hiện chính sách tiền tệ đang được điều hành một cách khá thận trọng. Song một mình chính sách tiền tệ vẫn khó có thể kiểm soát lạm phát thành công nếu thiếu sự chia lửa từ các chính sách khác.